Cuối năm, doanh nghiệp 'khát' lao động

Cuối năm, các doanh nghiệp (DN) dốc sức hoàn thành các đơn hàng đã ký kết theo hợp đồng, hoặc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường tết... từ đó nhu cầu lao động (LĐ) tăng cao. Tuy nhiên, việc tuyển dụng LĐ của các DN vào thời điểm này đang gặp nhiều khó khăn.

Công nhân Công ty TNHH Sakurai Việt Nam trong ca sản xuất.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều DN ở Khu Công nghiệp Lễ Môn, Khu Công nghiệp Hoàng Long (TP Thanh Hóa)... đăng thông báo tuyển dụng từ hàng trăm đến hàng nghìn LĐ. Nắm bắt được tình hình thiếu hụt LĐ dịp cuối năm, nên ngay từ nhiều tháng qua, các DN đã chủ động hoạch định chính sách tuyển dụng nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh, nhưng vẫn chưa thể giải quyết được bài toán thiếu hụt LĐ.

Công ty TNHH Giày Sunjade Việt Nam, chuyên hoạt động về lĩnh vực sản xuất giày xuất khẩu, hiện đang thu hút gần 10.000 LĐ. Theo chị Nguyễn Thị Lan, cán bộ phụ trách nhân sự Công ty TNHH Giày Sunjade Việt Nam cho biết: DN mở rộng thêm xưởng sản xuất, nhưng số lượng công nhân (CN) cũ thì lại nghỉ nhiều, do đó DN đang thiếu rất nhiều LĐ. Cùng với việc đăng thông báo tuyển dụng LĐ, lãnh đạo và công đoàn DN, Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương một số huyện: Đông Sơn, Quảng Xương, Yên Định, Thiệu Hóa, TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn,... vận động, tuyên truyền thu hút người LĐ làm việc tại DN. Hiện nay, DN có nhu cầu tuyển 2.000 CN nhưng rất khó để tuyển đủ số lượng LĐ.

Vì đơn hàng nhiều nên Công ty TNHH Giày Alezon Việt Nam phải mở thêm xưởng mới và cần tuyển 1.000 CN. Đồng chí Vũ Thị Mai Loan, chủ tịch công đoàn công ty cho biết: Để bảo đảm đủ nguồn LĐ phục vụ cho hoạt động sản xuất, DN đã đăng thông báo, phát tờ rơi, thậm chí khuyến khích thưởng cho CN 100 nghìn đồng nếu họ mời gọi, giới thiệu thêm được người vào làm. Đồng thời tăng độ tuổi đối với LĐ từ 18 đến 46 tuổi (trước đây tuyển LĐ từ 18 đến 35 tuổi). Tuy nhiên, dù đã tuyển nhiều tháng nay vẫn không thể đủ. Số LĐ tuyển mới chỉ đủ bù đắp số LĐ biến động thường xuyên.

Đồng chí Vũ Tuấn Minh, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh cho biết: Hiện nay, các DN thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 10.000 LĐ, tập trung chủ yếu vào các DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc, giày da. Thế nhưng, DN khó tuyển dụng được nguồn LĐ cần thiết vào dịp cuối năm là vì đây cũng là thời điểm nhiều DN cùng có nhu cầu tuyển dụng, nhất là các DN có nhu cầu LĐ mùa vụ dịp tết. Một lý do khác khiến cho nguồn LĐ trở nên trầm lắng là do vào thời điểm cuối năm, LĐ muốn làm việc ổn định trong các DN để chờ các khoản lương, tiền thưởng tết.

Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh, nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc thiếu hụt LĐ hiện nay là do một số DN thực hiện việc chi trả lương, thưởng và các chế độ phúc lợi thấp, chậm; mức lương “hứa hẹn” mà các DN đưa ra chưa thu hút người LĐ trong khi giá cả tăng cao; ít quan tâm đến đời sống về vật chất, văn hóa tinh thần cho người LĐ dẫn đến tình trạng CN chán nản xin nghỉ việc, đi tìm kiếm việc làm ở DN khác. Việc xuất hiện các công ty, DN tại các địa phương cũng thu hút người LĐ tìm kiếm việc làm ngay trên quê nhà... Để hỗ trợ các DN tuyển dụng đủ số LĐ để ổn định sản xuất, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã ban hành Công văn số 46/CV-LĐLĐ về việc tuyên truyền việc tuyển dụng CNLĐ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu công đoàn cấp trên cơ sở phối hợp với chủ tịch UBND, chủ tịch công đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn, chủ DN tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động, qua đó chủ DN công khai đầy đủ các chế độ, quyền lợi, chính sách của các DN để người LĐ yên tâm khi ký hợp đồng vào làm việc tại các DN. Ngoài ra, cần sử dụng tốt các phương tiện truyền thông như: Thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn, DN để tuyên truyền những nội dung trên đến với người LĐ. Công đoàn cơ sở phối hợp với chủ DN tổ chức tốt hội nghị người LĐ, hội nghị đối thoại, ký kết các thỏa ước LĐ tập thể với những điều khoản có lợi cho người LĐ, công khai về các chế độ như: Tiền lương, tiền thưởng; các phúc lợi như: Tiền tăng ca, tiền chuyên cần, tiền xăng xe, tiền nuôi con nhỏ... qua đó để người LĐ được biết, yên tâm ổn định tư tưởng cùng với DN làm việc lâu dài và các DN cũng phải coi đây là những điều kiện để DN ổn định, tồn tại phát triển cũng như thuận lợi cho công tác tuyển hợp đồng LĐ mới của các DN trên địa bàn tỉnh.

Nhu cầu tuyển dụng LĐ tăng cao cho thấy tín hiệu khởi sắc trong hoạt động sản xuất của các DN. Tuy nhiên, để giải bài toán khan hiếm LĐ cũng như thu hút và “giữ chân” được LĐ, các DN cần thực hiện tốt các chính sách pháp luật LĐ, quan tâm, chăm lo đến đời sống, đảm bảo chế độ, lương, thưởng đầy đủ, tạo môi trường làm việc thuận lợi để người LĐ yên tâm làm việc, cống hiến cho sự phát triển bền vững của DN.

Bài và ảnh: Đức Thắng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/cuoi-nam-doanh-nghiep-khat-lao-dong/111689.htm