Cuối năm, sản lượng thịt lợn hơi sẽ giảm 200.000 tấn

Những ngày gần đây, giá thịt lợn hơi tại các chợ và siêu thị tăng cao đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và kinh doanh buôn bán của nhiều tiểu thương. Nguồn cung hạn chế đã đẩy giá thịt lợn tăng cao song nhiều hộ chăn nuôi vẫn ngại tái đàn vì lo sợ thua lỗ.

Giá thịt lợn hơi bán tại chuồng đã lên đến 60.000 đồng/kg, đây là mức giá cao kỷ lục so với 3 năm trở lại đây. Ảnh: ST.

Giá thịt lợn hơi bán tại chuồng đã lên đến 60.000 đồng/kg, đây là mức giá cao kỷ lục so với 3 năm trở lại đây. Ảnh: ST.

Tìm nguồn thực phẩm thay thế

Từ đầu tháng 10/2019 đến nay, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh của Hà Nội tăng từ 8.000 – 20.000 đồng/kg, tùy loại. Đơn cử, giá các loại thịt mông, vai, ba chỉ, chân giò đều được điều chỉnh tăng lên mốc 95.000 - 100.000 đồng/kg, nạc thăn giá 110.000 đồng/kg, sườn lợn giá 115.000 đồng/kg... Không chỉ tại hệ thống chợ truyền thống mà tại các siêu thị giá thịt lợn cũng được điều chỉnh tăng giá. Tại hệ thống siêu thị Vinmart, BigC các loại thịt chân giò, nạc vai, nạc thăn, ba chỉ... có giá từ 110.000 - 130.000 đồng/kg; xương ống, xương đuôi, sườn non... giá từ 53.000 - 142.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương tại chợ dân sinh, nguyên nhân giá thịt lợn tại các chợ tăng do giá ở các chợ đầu mối tăng, giá lợn hơi bán tại chuồng cũng tăng cao. Theo tìm hiểu của phóng viên, đầu tháng 10/2019 giá thịt lợn hơi bán tại chuồng khoảng từ 42.000 - 45.000 đồng/kg, tuy nhiên hiện tại giá thịt lợn hơi bán tại chuồng đã lên đến 60.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục so với 3 năm trở lại đây.

Giá thịt lợn tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân cũng như việc kinh doanh buôn bán của các tiểu thương. Cũng xuất phát từ nguyên nhân thịt lợn tăng giá nhiều thực phẩm chế biến sẵn cũng tăng theo. Chị Nguyễn Thị Thủy (Xuân Đỉnh, Hà Nội) chủ bếp mẹ Mun - chuyên kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn vừa phải thông báo tới khách hàng mức giá mới đối với những món chế biến sẵn có nguồn nguyên liệu từ thịt lợn. Chị Nguyễn Thị Thủy chia sẻ: “Từ nhiều năm nay, các món ăn của bếp nhà tôi luôn giữ mức giá ổn định, tuy nhiên, thời gian gần đây giá thịt lợn đã tăng gần gấp đôi nên buộc tôi phải thông báo mức giá mới đến với khách hàng. Đồng thời, tôi cũng phải tìm nguồn nguyên liệu thay thế cho thịt lợn ở một số món ăn”.

Đối với những tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại các chợ thì giá thịt lợn tăng cũng ảnh hưởng đến việc kinh doanh buôn bán. Anh Đỗ Đình Tuấn, một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Xuân Đỉnh (Hà Nội) cho biết: “Nửa tháng trở lại đây, việc kinh doanh buôn bán của tôi giống như “chơi chứng khoán”, bởi giá thịt lợn móc hàm và thịt lợn hơi tăng theo từng ngày nên buộc tôi cũng phải đẩy giá bán lên theo ngày. Khi giá thịt lợn quá cao thì người dân cũng hạn chế mua thịt mà mua những thực phẩm khác rẻ hơn nên buôn bán cũng trở nên ế ẩm”.

Giá thịt lợn tăng cao buộc người dân phải thay thế bằng nguồn thực phẩm khác để giảm chí phí sinh hoạt trong gia đình. Song thịt lợn vẫn là nguồn thực phẩm chính trong bữa cơm của người Việt nên giá thịt lợn tăng “chóng mặt” ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Gần đây trao đổi với báo chí xung quanh câu chuyện khả năng cung ứng thịt lợn dịp cuối năm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn thông tin, Dịch tả lợn châu Phi làm cho sản lượng chăn nuôi năm nay thấp hơn năm ngoái rất nhiều. Dự báo, thời điểm cuối năm, sản lượng thịt lợn hơi sẽ giảm 200.000 tấn so với năm trước. Hiện nay có nhiều giải pháp để giải quyết bài toán thiếu thịt lợn. Cụ thể, các khu vực trại nuôi lớn an toàn đã khuyến khích tăng đàn; những nơi đã an toàn thì tái đàn. Bên cạnh đó, thịt lợn thiếu hụt được tính toán bù thêm bằng các mặt hàng thịt khác như bò, gà... Về tổng sản lượng thịt năm nay không thiếu nhưng thịt lợn giảm. "Chúng ta có tính đến giải pháp kể cả nhập khẩu dựa trên nhu cầu trong nước. Giá lợn hơi hiện nay trong nước đang cao nhưng sẽ không để giá tăng quá cao như Trung Quốc", Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Hộ chăn nuôi ngại tái đàn

Thời gian qua, tại Trung Quốc thịt lợn trở thành nguồn hàng khan hiến khiến cho cuộc sống của người dân nước này bị đảo lộn. Tại Việt Nam người dân cũng đang lo ngại nguồn cung thịt lợn sẽ thiếu hụt giống như Trung Quốc, bởi hiện nay việc tái đàn trong dân cũng gặp nhiều khó khăn. Theo bác Trần Thị Quý- chủ một hộ chăn nuôi lợn tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội, vừa qua, Dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng đến nhiều trang trại chăn nuôi lợn ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Do đó, nhiều hộ gia đình đã không còn vốn để tái đàn lợn mới sau dịch. Hơn nữa, thời điểm hiện tại Dịch tả lợn châu Phi cũng chưa chấm dứt nếu tiếp tục tái đàn nguy cơ bị dịch bệnh sẽ rất cao nên sẽ không tái đàn. “Tuy giá lợn lên cao, người chăn nuôi không có để bán nhưng do thời gian qua người chăn nuôi thua lỗ nên không mạnh dạn đầu tư tái đàn, dẫn đến nguồn cung thịt lợn giảm”, bác Quý cho biết.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng khuyến cáo người dân, hiện các cơ sở, trang trại chăn nuôi lớn hầu hết chăn nuôi khép kín, theo chuỗi nên đảm bảo từ khâu sản xuất giống cho đến thương phẩm an toàn sinh học tốt. Đây là những cơ sở có khả năng tái đàn. Đối với hộ chăn nuôi nhỏ nếu không đủ điều kiện an toàn sinh học cũng không nên tái đàn vì nếu dịch tái bùng phát sẽ ảnh hưởng về kinh tế cũng như an toàn dịch bệnh cho cơ sở xung quanh.

Mỹ Đức

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/cuoi-nam-san-luong-thit-lon-hoi-se-giam-200000-tan-113503.html