Cuối năm, xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu khả quan

Trước nhiều tín hiệu khả quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã nâng mục tiêu xuất khẩu gạo lên 5,6 triệu tấn thay vì 5,2 triệu tấn như dự kiến trước đó. Tuy nhiên, để xuất khẩu gạo có đường đi vững chắc thì theo các chuyên gia cần phải tạo ra sản phẩm gạo có thương hiệu đạt tiêu chuẩn quốc tế và được quốc tế công nhận.

Trước những tín hiệu khả quan, VFA đã nâng mục tiêu xuất khẩu gạo lên 5,6 triệu tấn thay vì 5,2 triệu tấn như dự kiến trước đó.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017 đạt gần 5,1 triệu tấn, trị giá 2,29 tỷ USD, tăng 23,5% về lượng và tăng 23,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu gạo khởi sắc

Hợp đồng xuất khẩu gạo Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong những tháng cuối năm 2017. Đại diện của VFA cho biết 9 tháng qua, cả nước đã xuất khẩu khoảng 4,57 triệu tấn gạo, tăng 20,8% về lượng và hơn 18,6% về giá trị (tương đương 2,02 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc tiếp tục đứng đầu nhập khẩu gạo của Việt Nam.

Trước những tín hiệu khả quan này, VFA đã nâng mục tiêu xuất khẩu gạo lên 5,6 triệu tấn thay vì 5,2 triệu tấn như dự kiến trước đó.

Theo VFA, xuất khẩu gạo tăng nhờ sự tăng trưởng ở hàng loạt các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bangladesh, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại. Cụ thể, thị trường Malaysia đã ký được các hợp đồng tập trung 150.000 tấn; Bangladesh đã ký được 250.000 tấn; với Philippines, 4 doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu cung cấp 175.000 tấn gạo. Gạo xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là gạo nếp, gạo trắng, gạo thơm và tấm; gạo 5% tấm xuất khẩu đi Bangladesh; gạo 25% tấm đi Philippines; gạo thơm đi châu Phi; gạo Japonica đi châu Úc...

Dự báo, thời gian tới, mặt hàng gạo sẽ còn gia tăng kim ngạch xuất khẩu khi mới đây, Bộ Lương thực Bangladesh thông báo mời thầu mua 50.000 tấn gạo đồ Non-Basmati. Philippines cũng mở hạn ngạch nhập khẩu gạo theo cơ chế MAV (cơ chế tiếp cận thị trường tối thiểu) 2017-2018. Theo đó, lượng gạo sẽ nhập từ Việt Nam theo cơ chế MAV là 293.100 tấn (tương đương với Thái Lan).

Trung Quốc cũng được dự kiến là sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo từ Việt Nam trong những tháng cuối năm với các loại gạo nếp, gạo trắng, gạo thơm, tấm… để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ.

Cần tính đường đi dài hơn

Tuy xuất khẩu gạo cuối năm đã có nhiều khởi sắc, nhưng những khó khăn mà ngành này phải đối mặt ở những tháng đầu năm và năm 2016 hẳn vẫn chưa thể quên được.

Thời điểm đó, VFA cũng có nhiều kiến nghị và cho rằng đây là thời điểm để ngành lúa gạo Việt Nam chuyển từ số lượng sang chất lượng, tạo ra những sản phẩm có thương hiệu. Vì thế, rất cần đầu tư thêm các cơ sở kiểm định đạt tiêu chuẩn quốc tế và được quốc tế công nhận.

Về việc xây dựng thương hiệu quốc gia, trong giai đoạn này cần chọn một vài doanh nghiệp để thực hiện. Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, trong thời gian qua, việc xây dưng thương hiệu quốc gia cho mặt hàng lúa gạo gặp khó khăn nhưng vẫn phải tiếp tục làm để Việt Nam sớm có thương hiệu quốc gia về lúa gạo.

Đồng quan điểm, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, nhiều công ty/doanh nghiệp đầu tư cho logo nhưng chưa đầu tư xây dựng thương hiệu của sản phẩm, nhất là mặt hàng gạo, đến nay vẫn chưa có thương hiệu mạnh. Theo giáo sư, phần lớn doanh nghiệp không có chiến lược duy trì/bảo vệ thương hiệu (truy nguyên nguồn gốc nguyên liệu) và chưa thực hiện “Bảo vệ thương hiệu là duy trì lòng tin của khách hàng”.

Ông nhận định thị trường gạo thế giới ngày càng cạnh tranh. Một công ty, một tỉnh, một quốc gia cần tìm cách làm cho gạo của mình nổi bật lên để cạnh tranh.

Để xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam, theo Giáo sư Xuân, cần phải xây dựng các bước sau: Xác định doanh nghiệp có tầm và thật tâm với lúa gạo; phân tích cạnh tranh - xác định đối thủ để biết vị trí so với đối thủ nhằm xác định mục tiêu xây dựng thương hiệu; chọn giống lúa có gạo đạt tiêu chuẩn chất lượng; tổ chức vùng nguyên liệu và huấn luyện nông dân kỹ thuật GAP sản xuất giống đã chọn; kiện toàn cơ sở vật chất chế biến gạo; ký tên thương hiệu (trademark), và khẩu hiệu chiến lược; marketing/xúc tiến thương mại. Nếu làm được những vấn đề trên xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ ngày càng có chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Mai Trinh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/cuoi-nam-xuat-khau-gao-co-nhieu-tin-hieu-kha-quan-d63223.html