Cuối tuần, Bắc Bộ có đợt không khí lạnh

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm nay (18-9) các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, khu vực nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 40 đến 80 mm/24 giờ, có nơi hơn 120 mm/24 giờ. Ðợt mưa này có khả năng kéo dài trong một đến hai ngày tới.

Tiêu hủy lợn bị dịch tả châu Phi tại xã Nghi Kim, TP Vinh (Nghệ An). Ảnh: Quang An

Tiêu hủy lợn bị dịch tả châu Phi tại xã Nghi Kim, TP Vinh (Nghệ An). Ảnh: Quang An

Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Nguy cơ xảy ra lũ cục bộ, lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Theo dự báo, cuối tuần này (từ ngày 21 đến 22-9), các tỉnh Bắc Bộ sẽ đón một đợt không khí lạnh yếu. Khu vực ảnh hưởng trước tiên là khu đông bắc gồm các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh...

Từ ngày 18-9 đến 20-9, trên các sông nhỏ ở Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận có khả năng xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ ở mức BÐ1 - BÐ2. Nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Tuyến kè Vân Cốc tại xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) đang bị sạt lở nghiêm trọng từ K3+120 đến K3+470. Khu vực sạt cơ kè có chiều dài khoảng 350 m, rộng cung sạt từ 0,5 đến 2 m; cao trình đỉnh cơ kè dương 6 m. Chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo người dân chủ động đề phòng sạt lở lên kế hoạch sửa chữa khẩn trương sự cố này.

Hiện, lượng nước tại các hồ chứa tại tỉnh Ninh Thuận đang cạn kiệt. Lượng nước tích được tại 21 hồ chứa do Công ty TNHH một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận quản lý chỉ đạt 97,35/194,49 triệu m3, đạt khoảng 50% dung tích thiết kế...

Trước những thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra đầu tháng 9, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ 300 tỷ đồng để khắc phục cơ sở hạ tầng, đồng thời hỗ trợ người dân 750 tấn giống lúa các loại, 35 tấn giống rau để gieo trồng kịp thời vụ; 50 nghìn lít hóa chất tiêu độc, 22 thuyền vượt sông nhẹ và máy đẩy Yamaha 40 mã lực để các địa phương vùng lũ chủ động cứu hộ, cứu nạn...

Chính quyền TP Long Xuyên (An Giang) đã đến thăm hỏi, hỗ trợ hộ ông Võ Văn Xiểm 20 triệu đồng; hỗ trợ ba hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng sẵn sàng di dời khi cần thiết. Trước đó, ngày 15-9, bờ sông Hậu, thuộc tổ 6, ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa Hưng bị sạt lở dài 40 m, sâu vào đất liền 5 m đã làm gia đình ông Xiểm phải khẩn cấp di dời nhà ra khỏi khu vực sạt lở.

Mưa lớn từ ngày 15 đến 17-9 đã làm tỉnh lộ 707, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) sạt lở nghiêm trọng. Tại Km 32, đoạn ngang qua Bẫy đá Pinăng Tắc, hàng trăm khối đất đá đổ xuống làm giao thông tắc nghẽn. Chính quyền địa phương đang khẩn trương khắc phục sự cố, đến 11 giờ ngày 17-9, người dân tạm thời đi lại được.

Sau khi tạm thời khống chế dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), một số địa phương đã triển khai hỗ trợ người chăn nuôi khôi phục nghề nuôi lợn. Tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt mức hỗ trợ thiệt hại cho hơn 7.200 hộ dân có hơn 62 nghìn con lợn nhiễm DTLCP, với tổng kinh phí gần 120 tỷ đồng. Hiện, các huyện đã chi trả cho hơn 3.000 hộ với kinh phí hơn 71 tỷ đồng, đạt gần 60% kế hoạch. Ðến nay, tỉnh An Giang đã chi hơn 16 tỷ đồng hỗ trợ hộ chăn nuôi lợn bị tiêu hủy vì DTLCP ở năm huyện: Phú Tân, Châu Phú, An Phú, TX Tân Châu, TP Long Xuyên. Tính đến giữa tháng 9, tỉnh đã tiêu hủy hơn 1,6 triệu kg lợn nhiễm dịch. Tỉnh Tiền Giang có 4.777 hộ chăn nuôi đề xuất hỗ trợ kinh phí do nhiễm DTLCP. Trong số này, hộ chăn nuôi đã được thẩm định hồ sơ (cấp huyện) đạt 1.413 hộ (30,71%), hộ được hưởng kinh phí hỗ trợ mới đạt 50 hộ (1,05%).

Chưa đầy một tháng sau khi công bố hết DTLCP, tại TP Vinh (Nghệ An), DTLCP đã xuất hiện trở lại. Ngày 16-9, lực lượng chức năng tiêu hủy 64 con lợn của hai hộ gia đình tại xã Nghi Kim nhiễm bệnh.

Từ ngày phát sinh ổ DTLCP đầu tiên (23-2) đến nay, dịch đã xảy ra tại 12.796 hộ chăn nuôi ở 1.597 thôn, 420 xã, thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thanh Hóa. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy 96.964 con lợn. Có 81 xã tái phát DTLCP. Toàn tỉnh có 1.102 thôn đang còn dịch.

Toàn tỉnh Ðồng Nai có 676 ha bị dịch khảm lá mì. Các địa phương trong tỉnh đang tập trung công tác tuyên truyền, vận động nông dân quan tâm việc phòng, chống dịch; thực hiện tiêu hủy đối với những diện tích nhiễm nặng.

847 ngư dân được hỗ trợ cứu nạn trên biển

Theo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (MRRC Vietnam), trong tám tháng đầu năm 2019, MRRC Vietnam thu nhận được 333 vụ báo nạn. Ðã có 72 tàu được cứu nạn thành công với số thuyền viên, ngư dân được cứu và hỗ trợ là 847 người, trong đó có 32 người nước ngoài.

Trung tâm Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn thuộc Hải đoàn 129 (Quân cảng Sài Gòn) vừa bàn giao 46 ngư dân và một số ngư cụ của tàu cá QNg 95834 TS cho tàu kiểm ngư KN410 đưa về đất liền. Trước đó, ngày 7-9, tàu QNg 95834 TS đang đánh cá cách đảo Phan Vinh khoảng 4,5 hải lý thì bị mắc cạn.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41600602-cuoi-tuan-bac-bo-co-dot-khong-khi-lanh.html