Cuốn sách chỉ ra sự điên rồ của thời đại

Cuốn sách 'Giờ Đức văn' của tác giả Siegfried Lenz được ra mắt trong tháng 5/2019. Đây là một trong những tác phẩm thành công nhất được sáng tác bằng tiếng Đức. Đồng thời, cũng là một trong những tiểu thuyết có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất.

Nước Đức sau Thế chiến II:

“Siggy Jepsen nhắm mắt, sông Elbe ngoài cửa sổ chảy không ngừng, bồng bềnh băng. Những tàu kéo chầm chậm xô dạt sóng nước, đẩy băng xanh chồm qua bờ cát tới bãi lau sậy, để chúng được lãng quên ở đó. Còn trong phòng biệt giam của cù lao cải tạo trẻ vị thành niên, Siggy, đối mặt với trang vở trắng, đang chờ bài luận Đức văn “Niềm vui nghĩa vụ” mà cậu đã không viết nổi chữ nào trong 2 giờ trên lớp. Dòng sông ký ức ngổn ngang của cậu lúc này buộc phải rã băng, ngược về nguồn, để tái hiện câu chuyện khởi sự năm 1943.

Khi ấy, cảnh sát Jens Ole Jepsen nhận nhiệm vụ của nhà nước Quốc xã Đức trao lệnh cấm vẽ cho người bạn thân từ thời thơ ấu - họa sĩ Max Ludwig Nansen - và giám sát ông này tuân thủ. Vậy là cuộc Thế chiến II khốc liệt trên các mặt trận châu Âu dù chỉ chớp nhoáng như giông tố cuồng bạo xa xăm phía chân trời miền biển Glüserup, bằng một tờ giấy, đã biến Siggy Jensen thành cánh tay phải cho bố mình - và kẻ hậu thuẫn họa sĩ chống lệnh, mắc kẹt trong giằng xé đối đầu, không thoát nổi kể cả khi chiến tranh đã qua...”.

Xuất bản năm 1968, "Giờ Đức văn" của Siegfried Lenz thể hiện mối xung đột giữa nhiệm vụ với lương tâm, đạo đức dưới hình thức kỳ quái và rối rắm trong câu chuyện đầy sức thuyết phục, được Library Journal đánh giá là một trong những tiểu thuyết sâu sắc nhất, dí dỏm, cay đắng, say sưa nhất, khiến người đọc phải suy tư nhiều nhất của văn chương Đức đương đại. Sau một thời gian ngắn, nó được đưa vào nhà trường phổ thông, trở thành một trong những tác phẩm văn học kinh điển được đọc, mổ xẻ, phân tích nhiều nhất, rộng rãi nhất ở CHLB Đức. Từ thập niên 1970, số ấn bản "Giờ Đức văn" được bán ra, riêng tại Đức, đã vượt 1 triệu bản.

Tác giả Siegfried Lenz (17/3/1926-7/10/2014) sinh tại Lyck, thành phố nhỏ thuộc Đông Phổ. Ông tốt nghiệp đại học Triết học, Anh văn và Lịch sử văn học Đức tại Hamburg sau Thế chiến II, là biên tập viên báo Thế giới một thời gian ngắn (1950-1951) rồi trở thành nhà văn tự do sống tại Hamburg. Khởi đầu nghiệp văn chương, Siegfried Lenz đã được sánh tầm các nhà văn lớn của Đức như Heinrich Böll, Günter Grass hay Martin Walser. Lenz đã được trao các giải thưởng: Peace Prize of the German Book Trade (1988), The Goethe Prize of Frankfurt am Main (2000), Italian International Nonino Prize (2010). Trước khi qua đời, ông đã kịp khởi xướng Siegfried Lenz Prize - một trong các giải thưởng văn chương danh giá nhất của Đức cho “các nhà văn quốc tế được ghi nhận trong hoạt động văn chương sáng tạo theo tinh thần Siegfried Lenz”.

Siegfried Lenz để lại 14 tiểu thuyết, 120 truyện ngắn, nhiều truyện vừa và kịch bản sân khấu. Số lượng ấn bản sách của ông bằng tiếng Đức và 35 thứ tiếng khác đến nay đã ngót nghét 30 triệu bản và vẫn đang tăng lên.

Nhận định về cuốn sách “Giờ Đức văn”:

Siegfried Lenz mở ra hướng tiếp cận mới, giúp chúng ta phần nào hiểu được cội nguồn sự điên rồ của thời đại.

(The Nation)

"Giờ Đức văn" sánh ngang tầm “Chiếc trống thiếc” của Günter Grass và cho thấy văn chương có thể đóng vai trò lớn lao đến chừng nào.

(Karl Schönholtz - Hersfelder Zeitung)

Việt Quất

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cuon-sach-chi-ra-su-dien-ro-cua-thoi-dai-536539.html