Cuốn sách của Georges Maspero: Tài liệu quý về 'Vương Quốc Chàm'

'Vương Quốc Chàm' được in năm 1928, của tác giả Georges Maspero là một Quản trị viên đã phục vụ ở Cần Thơ năm 1903, sau đó chuyển về làm việc ở Tân An, Biên Hòa, Sóc Trăng và Mỹ Tho. Vào năm 1915 thì được bổ nhiệm làm thị trưởng ở Hải Phòng. Ông là nhà nghiên cứu và là ủy viên của Trường viễn đông Bác Cổ.

Cuốn sách được in lại, là tập hợp những bài viết của tác giả đăng lần đầu trên tờ “Thông báo” từ năm 1910 đến năm 1913. Sau đó, được nhà xuất bản Paris (Van Oest) ấn hành có thêm một bản sách dẫn về lịch sử và khảo cổ, địa lý. Bản sách dẫn đó, in năm 1914 và có in 100 bản đặc biệt.

Đây là một tư liệu quý hiện đang tồn tại một bản đánh máy tay (ronéo) – cũng là bản tìm hiểu của người viết. Tập tài liệu từ khi ra đời đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các học giả đương thời ở Pháp và cho đến tận sau này.

Bìa cuốn sách “vương quốc chàm” bằng tiếng Pháp.

Cấu trúc của cuốn sách được chia làm 10 chương, bản dịch Viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam ở Hà Nội của dịch giả: Lê Tư Lành, Lê Văn Phước (hiệu đính về phần chữ hán - bản viết tay và đánh máy); Lê Hữu Chung là người đánh máy. Nội dung cụ thể như sau - Chương I: Khảo luận về đất nước và dân cư, gồm có các luận điểm: Xứ sở - Tôn Giáo – Đẳng cấp và Thị tộc – Các đơn vị hành chính và quan lại cấp tỉnh – Lục Quân và Hải Quân – Thuế Khóa – Tư Pháp – Phong Tục: cưới xin, ma chay – Lịch và hội hè hàng năm – Nông nghiệp và thương mại – Tiền tệ - Công nghệ - Kiến trúc và Đền đài – Âm nhạc và Văn học. Chương II: Nguồn Gốc – Truyền thuyết – Sự giao thiệp đầu tiên với Trung Quốc; Cri Mara và sự hình thành lãnh thổ. Vương triều thứ nhất (192 – 336). Nước Lâm Ấp. Vương triều thứ II (336 – 420). Bhadravaman I và ngôi đền trong thung lũng Mĩ Sơn. Chương III: Lâm Ấp – Vương Triều III (420 – 528).

Phạm Dương Mại và việc Đàn–Hòa–Chi chiếm đóng Chiêm Thành. Vương Triều IV (529 – 757) – Cambhuvarman và các chiến dịch của Lưu Phương – Xây lại đền Mĩ Sơn. Chương IV: Nước Hoàn Vương và Bá Quyền Panduranga – Vương Triều V (758 – 859). Chương V: Chiêm Thành – Vương triều VI – Vương triều Indrapura (875 – 991) – Vương triều VII, vương triều thứ nhất ở Vijayya (991 – 1044). Chương VI: Những cuộc chiến tranh với Đại Việt – Triều đại thứ VIII (1044 – 1074) – Triều đại thứ IX (1074 – 1039). Chương VII: Những cuộc chiến trang với Khơ me – Triều đại thứ X (1139 – 1145) – Triều đại thứ XI - Suryavarman II. Chương VIII – Những cuộc chiến tranh với Mông Cổ - Triều đại thứ XI – Indravarman và người Mông Cổ (1728 – 1285). Chương IX: Thời kỳ cực thịnh – Sự suy vong của triều đại thứ XI – JayaSinhavarman và Chế Năng – Triều đại thứ XII: 1318 – Triều vua Chế - Bồng – Nga (1360 – 1390). Chương X: Vận suy và diệt vong. Phần phục lục: Thế phả các triều vua Chiêm thành.

Nhà nghiên cứu Georges Maspero trong phần mở đầu cuốn sách Vương Quốc Chàm đã có những nhận định như sau: “Xứ An Nam ở chẹt vào giữa núi và biển gồm một loạt những vụng nhỏ dọc bờ bể phía Đông Bán Đảo Đông Dương; Phía Nam là Bình Thuận với 3 vụng nhỏ là: Phan Thiết, Phan Rí và Phan Rang; rồi là Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định; Quảng Ngãi và Quảng Nam có những đảo lởm chởm và những vụng sâu; Thừa Thiên, Quảng Trị và Quảng Bình với những đầm nước mặn liên tiếp. Không có nơi ẩn nấu nào khác là những cửa sông. Cuối cùng là Nghệ An và Thanh Hóa, bờ bể kín đáo hơn, có những cánh đồng phì nhiêu”… Đây là một tập sách quý, không chỉ về cứ liệu lịch sử mà còn chứa đựng cả một không gian trầm tích về văn hóa Việt, con người Việt và đất nước Việt. Một nguồn tư liệu đồ sộ, phong phú dành những ai cần nghiên cứu và các nhà nghiên cứu quan tâm đến mảng văn hóa Chàm.

Duy Kỳ - Xuân Thủy

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/cuon-sach-cua-georges-maspero-tai-lieu-quy-ve-%E2%80%9Cvuong-quoc-cham%E2%80%9D-71490