Cuốn sách tôi chọn: Hoàng Việt nhất thống dư địa chí - Công trình bách khoa thư về tinh hoa đất nước đầu thế kỷ XIX

'Hoàng Việt nhất thống dư địa chí' - một thư tịch chính thống, vừa khẳng định cương vực của quốc gia, vừa tỏ rõ ý thức độc lập, văn hiến của một dân tộc tự cường vào đầu thế kỷ XIX.

Sự ra đời của “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng triều đại của nhà Nguyễn. Lãnh thổ dài rộng từ Nam chí Bắc được chép trong đó là một biểu thị về sự hùng mạnh của Việt Nam vào đầu thế kỷ này. Với giá trị lịch sử đó, “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” đã đạt giải A duy nhất của Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ V năm 2022. Trong chuyên mục ‘Cuốn sách tôi chọn” hôm nay, xin mời quý vị cùng tìm hiểu về bộ địa chí đầu tiên của Triều Nguyễn thông qua những chia sẻ của ông Trần Đình Hằng - Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế.

Ông TRẦN ĐÌNH HẰNG - Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế:

"Theo đúng như tên gọi của nó “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” đưa tất cả những yếu tố dư địa chí của cả đất nước gắn liền từ kinh sư ra Bắc và từ kinh sư vào Nam. Ở đó dọc theo con đường Thiên Lý chúng ta sẽ có một sự kết tinh hội tụ rất nhiều thông tin về cảnh quan thiên nhiên, con người và văn hóa ở mỗi nơi. Và từ mỗi nhánh chính của con đường Thiên Lý sẽ có những tuyến đường đi về núi, đi về biển và bên cạnh đó nó sẽ cung cấp cho chúng ta một loạt những thông tin quan trọng về sản vật, cây trồng, phong tục tập quán, những ngôi đền miếu, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước. Cho nên “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” là một công trình bách khoa thư thu gom lại rất nhiều tinh hoa được coi như giang sơn cẩm tú của đất nước Việt Nam đầu thế kỷ XIX từ Bắc chí Nam một cách cô đọng và sinh động nhất cho tới hiện nay.

Sau khi tái lập vương triều Nguyễn năm 1802, nhu cầu thống nhất đất nước được đặt ra một cách cấp thiết, đặc biệt là trong công cuộc kiến thiết quốc gia. Để khẳng định một vương quốc Đại Nam hùng mạnh trong bối cảnh Đông Nam Á đương thời thì Vua Gia Long đã ban bố lệnh cần phải dữ liệu hóa tất cả những nguồn dữ liệu của quốc gia để biên soạn thành một bộ dư địa chí đầy đủ nhất, chi tiết nhất, như một cẩm nang căn bản về các vùng đất suốt cả chiều dài đất nước Việt Nam chúng ta. Ông Lê Quang Định trong vai trò là một thượng thư đã thực hiện việc tổng tập này. Như vậy chúng ta thấy có một sự tổng tập cơ sở dữ liệu từ các làng xã, tỉnh thành trong cả nước, và bộ phận biên tập ở kinh đô Huế đã kiện toàn lại một cách rất công phu, sự hình thành nên những bản đồ, những con đường đi, những bến thuyền bến đò rất chi tiết của mỗi vùng đất. Đặc biệt nó gắn liền với rất nhiều những thông tin địa lý tự nhiên cũng như lịch sử văn hóa. Cho tới hiện nay sau hàng thế kỷ, chúng ta vẫn thấy rằng đó là một nền tảng dữ liệu quan trọng bậc một và nó trở thành một pho dữ liệu đặc biệt quan trọng với nhiều thông điệp nhân văn, gắn liền với khát vọng thống nhất cơ đồ mà người Việt suốt hàng nghìn năm qua luôn luôn khát khao và đến giai đoạn đó đã được hiện thực hóa.

Có thể nói Triều Nguyễn đã để lại một bộ dữ liệu về lịch sử văn hóa Việt Nam thế kỷ XIX - XX rất đồ sộ và phong phú, đặc biệt là vai trò của Quốc sử quán và Nội các triều Nguyễn. Đặc biệt triều đại Gia Long đã rất chú trọng tới việc kinh bang tế thế, thông qua một công trình lịch sử văn hóa, một công trình địa lý chí cổ, đó chính là sự ra đời và cũng là hoàn cảnh độc đáo nhất của “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí”. Đây là một công trình có sự tham gia của rất nhiều thành phần đội ngũ quan lại, nho sĩ trí thức từ các làng quê tổng huyện trên cả nước để đưa về một tổng tập cho kinh đô, và ở kinh đô người ta biên tập, chỉnh lý nó lại thành một công trình hoàn chỉnh thống nhất.

Dịch giả, thầy giáo Phan Đăng đã chọn ra được một công trình có thể được coi là tiêu biểu đầu tiên mang thông điệp thống nhất cơ đồ mà suốt cả một thời kỳ dài đất nước Đại Nam đã kỳ vọng và đó chính là “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí”. Ấn bản đó hiện nay đã trở nên vô cùng quý hiếm. Thông điệp mà chúng tôi cũng như dịch giả Phan Đăng muốn, đó là đưa tất cả những dữ liệu quan trọng, những thông tin quan trọng và thiêng liêng đó, vô cùng cần thiết đó đến với mọi người nhiều hơn. Đặc biệt là gắn liền với những môi trường, gắn liền với học giới để chúng ta tiếp cận và tiếp thêm một nguồn năng lượng, tiếp thêm một hơi thở của truyền thống qua những công trình hiện đại, với một thông điệp thống nhất trong đa dạng như trong giai đoạn hiện nay. Tôi hy vọng và cũng mong mỏi rằng nó sẽ tiệm cận được với những thông điệp, những dữ liệu mà từ đầu thế kỷ XIX, tiền nhân đã gói ghém và truyền tải".

Thực hiện : Hải Linh Linh Chi Anh Tuấn

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cuon-sach-toi-chon-hoang-viet-nhat-thong-du-dia-chi-cong-trinh-bach-khoa-thu-ve-tinh-hoa-dat-nuoc-dau-the-ky-xix