Cuốn sách viết về lòng dân

Vừa qua, nhân dịp Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND, Quận ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN Q.Liên Chiểu và Thanh Khê ra mắt độc giả cuốn sách "Lịch sử căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước (1960-1975)". Sách gồm 196 trang, được chia làm ba phần. Trong đó, phần thứ nhất "Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước-Một địa chỉ đỏ" sẽ giúp độc giả hiểu thêm về con người, vùng đất xưa của thôn Hồng Phước. "Danh xưng Hồng Phước xuất hiện từ khá sớm. Trong Địa bạ của làng Thanh Vinh lập từ thời Tự Đức đã ghi "bắc cận thôn Hồng Phước". Trên thực tế, từ sau thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 về trước, Hồng Phước thuộc thôn Đa Phước". Cũng trong phần này, cuốn sách đã làm rõ các điều kiện tiền đề để xây dựng căn cứ lõm, đó là phong trào chống Pháp trước và sau khi Đảng ra đời, quá trình hình thành các điều kiện bước đầu để lãnh đạo quận Nhì-Đà Nẵng quyết định chọn nơi đây là căn cứ lõm cách mạng.

Các bạn trẻ nghe thuyết minh về lịch sử B1 Hồng Phước tại Khu di tích. Ảnh: P.T

Trọng tâm của cuốn sách là phần thứ hai "Quá trình xây dựng, phát triển và phong trào cách mạng tại căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước". Qua đây, người đọc sẽ nắm bắt được quá trình xây dựng căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước từ sau Hiệp định Genève được ký kết đến trước khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng; căn cứ lõm B1 Hồng Phước phát huy vai trò căn cứ tiền phương, góp phần đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc; nhân dân Hồng Phước phát huy truyền thống quê hương căn cứ địa trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với những nguồn sử liệu được nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Xuân dày công biên soạn, bố trí trong hai phần đầu, phần thứ ba "Vai trò và giá trị lịch sử của căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước những bài học kinh nghiệm" là sự phân tích, tổng hợp và đánh giá về nguyên nhân thành công trong quá trình xây dựng thôn Hồng Phước trở thành một làng thuần khiết cách mạng, một căn cứ lòng dân vững chắc, là bàn đạp để các lực lượng cách mạng tiến công địch. Đồng thời, để tiếp tục phát huy truyền thống đó, các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra bốn bài học kinh nghiệm có thể vận dụng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Phần phụ lục là sự tuyển chọn các bài nghiên cứu, bài viết của các nhà giáo, nhà báo, nhân chứng như: Phó Giáo sư, tiến sĩ Lưu Trang (Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Đà Nẵng), Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn (nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn-Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam), Thạc sĩ Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Hội KHLS thành phố Đà Nẵng, nguyên Bí thư Quận ủy Thanh Khê), Thượng tá Nguyễn Thị Thu Hiền (Phó trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân khu 5)... nhằm minh chứng cho nội dung cốt lõi được công trình nêu ra. Với nhân chứng, đó là một thời khói lửa không quên: "Nhớ lại những ngày gian khổ ấy dân một lòng theo Đảng, sức mạnh lòng dân đã làm nên chiến thắng" (Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn). Trên lĩnh vực khoa học lịch sử, Thạc sĩ Bùi Văn Tiếng khẳng định: "...chọn được Hồng Phước thật sự là hồng phúc của phong trào cách mạng Quảng Đà nói chung, phong trào cách mạng Quận Nhì nói riêng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước". Là một nhà giáo dạy sử, PGS.TS Lưu Trang cho rằng: "Chọn Hồng Phước làm căn cứ trọng yếu là việc làm rất sáng suốt, khoa học và rất bản lĩnh của Huyện ủy Hòa Vang". Còn Thượng tá Nguyễn Thị Thu Hiền, người từng gắn bó hàng chục năm với công tác nghiên cứu lịch sử quân sự, đã phân tích, đánh giá về "Những đóng góp của căn cứ cách mạng B1 Hồng Phước đối với phong trào chiến tranh du kích".

Địa danh Hồng Phước không còn xa lạ đối với bạn đọc cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng vì đã có không ít bài viết về lòng dân nơi đây dành cho cách mạng, được đăng trên các ấn phẩm báo chí trung ương, địa phương. Tuy nhiên, đến cuốn sách này mới thực sự cung cấp cho độc giả cái nhìn sâu sắc, toàn diện về Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước. Sách thuộc thể loại sách chuyên khảo nên ngoài việc cung cấp các tư liệu lịch sử, còn có thể sử dụng trong nghiên cứu, giảng dạy về các đề tài chiến tranh cách mạng. Đặc biệt, các bài học kinh nghiệm được các nhà nghiên cứu lịch sử rút ra trong quá trình nghiên cứu về xây dựng căn cứ lõm thực sự ý nghĩa trong công tác vận động quần chúng của tổ chức Đảng, chính quyền các cấp.

NGUYỄN SỸ LONG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_194211_cuon-sach-viet-ve-long-dan.aspx