Cưỡng chế công viên tiền tỷ ở Hà Đông có đúng pháp luật?

Vụ UBND quận Hà Đông (Hà Nội) cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà do vi phạm trật tự xây dựng, nhất là sau khi có 2 cháu bé chết đuối ở đây, nhưng lại bị Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 cho rằng UBND quận Hà Đông thực hiện không đúng quy định về cưỡng chế hành chính, gây thiệt hại cho Công ty.

Công viên nước Thanh Hà - nơi có 2 cháu bé tử vong trong vòng 3 tháng (ảnh: Sưu tầm)

Công viên nước Thanh Hà - nơi có 2 cháu bé tử vong trong vòng 3 tháng (ảnh: Sưu tầm)

*Đã vi phạm là phải cưỡng chế

Trong quá trình lập lại trật tự xây dựng, vừa qua, UBND quận Hà Đông (Hà Nội) đã tổ chức cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà. Công viên này do Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 xây dựng trên lô đất A2.2 CCĐT0, thuộc khu đô thị Thanh Hà - Cienco5, phường Phú Lương, quận Hà Đông. Động thái kiên quyết cưỡng chế một công trình được đầu tư hoành tráng (nhưng là “công trình xây dựng trái phép”) của UBND quận Hà Đông nhằm siết lại trật tự xây dựng sẽ không có gì phải bàn luận. Tuy nhiên mới đây, Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 đã bức xúc phản ánh, UBND quận Hà Đông thực hiện không đúng quy định của pháp luật về cưỡng chế hành chính, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng đối với Công ty này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông - khẳng định, Công viên nước Thanh Hà là công trình xây dựng trái phép, nên căn cứ Điều 118 Luật Xây dựng số 50/2014 ngày 18/6/2014, công trình này phải cưỡng chế phá dỡ.

Vì thế, ngay từ đầu năm 2019, phát hiện ra những vi phạm hành chính về trật tự xây dựng tại Công viên nước Thanh Hà, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị của Quận Hà Đông đã lập biên bản yêu cầu Công ty phải chấm dứt ngay việc tổ chức thi công công trình không có giấy phép xây dựng, mà theo quy định phải có giấy phép.

Ngày 21/11/2019, tổ công tác phường Phú Lương phối hợp với UBND phường Phú Lương đã lập biên bản xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính số 05/BB-XM, trong đó xác định 19 hạng mục công trình vi phạm như: Bể tạo sóng, bể kid, bể family, bể amazon, sông lười, bể bơi…

Trước khi ra quyết định cưỡng chế, liên ngành của UBND quận Hà Đông đã họp để kiểm tra rà soát hồ sơ vi phạm trật tự xây dựng tại Công viên Thanh Hà

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, việc cưỡng chế đối với Công viên nước Thanh Hà đã được UBND quận tiến hành theo đúng các quy trình, thủ tục được pháp luật quy định. Cụ thể, trước khi ra quyết định cưỡng chế, UBND quận đã có một loạt văn bản như: Báo cáo số 372/BC-UBND ngày 21/11/2019 của UBND phường Phú Lương về công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Công viên nước Thanh Hà; Quyết định số 4725/QĐ-KPHQ ngày 27/11/2019 ngày 27/11/2019 của UBND quận Hà Đông “áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả” do “vi phạm hành chính tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng” đối với Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco5.

Sau quyết định này, UBND phường Phú Lương tiếp tục có văn bản đôn đốc, gửi Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 yêu cầu Công ty “tự giác tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng vi phạm tại Lô A2.2 CCĐT01, Khu đô thị Thanh Hà – Cienco5”; thời gian thực hiện 15 ngày kể từ ngày 29/11/2019.

Văn bản này cũng nêu rõ, nếu Công ty không tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, chính quyền sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Ngày 17/12/2019 (tức là sau thời hạn đôn đốc chủ đầu tư tự tháo dỡ), UBND phường Phú Lương đã kiểm tra hiện trạng công trình. thì hầu hết các hạng mục vẫn chưa được chủ đầu tư tháo dỡ.

Như vậy, phía chính quyền cho rằng, đã cho Công ty Cienco5 “độ trễ” và thời gian để tự giác tháo dỡ, nhưng qua thời hạn đó, Công ty vẫn chưa tự giác chấp hành theo Quyết định khắc phục hậu quả của UBND quận. Do đó, chính quyền buộc phải tổ chức cưỡng chế.

“Ngoài căn cứ vào Luật Xây dựng số 50/2014, chúng tôi còn căn cứ vào Điều 4 Thông tư 03/2018/TT-BXD quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ đối với trường hợp chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành. “Với trường hợp cụ thể là công trình công viên nước này, UBND quận Hà Đông đã có thông báo yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả. Tuy nhiên chủ đầu tư không chủ động tự nguyện tháo dỡ, nên UBND quận Hà Đông mới phải ra quyết định cưỡng chế” - ông Nguyễn Quang Ngọc cho biết.

Đại diện UBND quận còn cho hay, trước khi ra quyết định cưỡng chế, UBND quận đã giao Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với liên ngành của quận gồm Thanh tra, Công an, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Quản lý đô thị, Quản lý trật tự xây dựng đô thị tiến hành kiểm tra, rà soát hồ sơ vi phạm trật tự xây dựng tại Công viên nước Thanh Hà. Liên ngành đã khẳng định việc lập hồ sơ xử lý vi phạm về trật tự xây dựng tại Công viên nước Thanh Hà là đúng quy định pháp luật, “đủ điều kiện tổ chức thi hành cưỡng chế”.

*Không có công trình vi phạm nào được “đứng trên luật”

Tuy nhiên, sau khi Công viên nước Thanh Hà bị phá dỡ, chủ đầu tư cho rằng UBND quận Hà Đông cưỡng chế không đúng quy định và viện dẫn quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định 166/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

UBND quận Hà Đông căn cứ vào Luật số 80 để áp dụng Luật Xây dựng năm 2014 (ra đời sau Luật xử lý vi phạm hành chính 2012) là đúng pháp luật

Tuy nhiên, căn cứ vào điều 156 Luật số: 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc ban hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau. Do đó, UBND quận Hà Đông khẳng định chính quyền áp dụng Nghị định 139/2017 để ra quyết định cưỡng chế đối với công trình Công viên nước Thanh Hà là đúng pháp luật.

Về phản ánh của chủ đầu tư rằng UBND quận Hà Đông phá hủy tài sản của Công ty Cienco5 trong khu vực Công viên Thanh Hà, đại diện UBND quận Hà Đông cũng khẳng định: Phản ánh này là không đúng, do 19 hạng mục trong Công viên nước là “hạng mục, bộ phận công trình vi phạm” đã có trong Hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tại Điều 3, Luật Xây dựng 2014 đã quy định: “Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởisức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước…”.

Trước một số ý kiến cho rằng việc tổ chức cưỡng chế công trình đầu tư lên đến nhiều chục tỷ đồng là lãng phí, vì hiện tại các hạng mục đã được phá dỡ, không còn giá trị sử dụng, ông Nguyễn Quang Ngọc cho rằng: Nhìn dưới góc độ cá nhân thì đó là tài sản, tuy nhiên, ở góc độ lập lại kỷ cương trật tự đô thị thì phải xử lý theo các quy định của pháp luật. Không có tài sản nào có thể “đứng trên luật”.

“Sai phạm phải được xử lý, kỷ cương trật tự đô thị phải được lập rõ. Các quy định của pháp luật liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng đã rất cụ thể nên phải xử lý triệt để, tránh tạo tiền lệ cho vi phạm tái diễn, gây mất lòng tin của nhân dân. Trong trường hợp này, nếu đưa vấn đề ra rồi để đấy thì sau này sẽ rất khó xử lý các trường hợp khác” - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông nhấn mạnh.

Nguyễn Thắng

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/cuong-che-cong-vien-tien-ty-o-ha-dong-co-dung-phap-luat-380105.html