Cường kích Super Etendard và chiến công đánh chìm hai tàu chiến của Anh

Các máy bay cường kích Super Etendard của Hải quân Argentina đã chính thức 'nhận sổ hưu' sau một thời gian dài phục vụ.

Hải quân Argentina có tổng cộng 14 cường kích Super Etendard, nhưng 3 trong số này đã bị mất và họ chỉ còn lại 11 chiếc trong biên chế. Tuy nhiên chúng không bay trong những năm gần đây do tình trạng kỹ thuật xuống cấp nặng nề.

Khi nhận thấy không thể kéo dài thời hạn phục vụ, Argentina đã chính thức cho những máy bay chiến đấu này được "nhận sổ hưu". Trong quãng thời gian hoạt động, các cường kích do Pháp chế tạo đã lập nên chiến công "độc nhất vô nhị".

Super Etendard của Argentina là loại cường kích hải quân hiếm hoi trải qua thực chiến. Trong Chiến tranh Falklands/Malvinas (2 tháng 4 - 14 tháng 6 năm 1982), nó đã đánh chìm hai tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh.

Cụ thể, vào sáng ngày 4 tháng 5, hai chiếc Super Etendard của Hải quân Argentina đã tấn công tàu khu trục tên lửa dẫn đường HMS Sheffield (D80) thuộc Type 42 của Anh.

Hai máy bay Argentina đã bắn tên lửa chống hạm AM39 Exocet vào con tàu. Mặc dù đòn tấn công nói trên không phá hủy con tàu ngay lập tức, nhưng nó đã gặp phải hư hỏng rất nghiêm trọng.

Thiệt hại của khu trục hạm HMS Sheffield là không thể khắc phục trong điều kiện hoạt động xa căn cứ, sang tới ngày 10 tháng 5, con tàu bị chìm khi đang được lai dắt. Theo công bố, 20 thủy thủ đã thiệt mạng trong vụ tấn công.

Tình hình được lặp lại mười ngày sau vụ chìm tàu khu trục HMS Sheffield. Vào ngày 21 tháng 5, tàu hộ vệ HMS Ardent (F184) của Hải quân Hoàng gia Anh bị ít nhất 3 chiếc Super Etendard của Argentina tấn công.

Biên đội cường kích Argentina đã bắn vào tàu chiến Anh bằng tên lửa chống hạm AM39 Exocet do Pháp sản xuất, sau khi trúng đạn, 22 thủy thủ Anh đã thiệt mạng trong ngày hôm đó. Thành công của Super Etendard khiến nó được quan tâm rất nhiều trên thế giới.

Dassault-Breguet Super Etendard là một loại máy bay cường kích tấn công của hải quân do Pháp chế tạo. Máy bay này không còn được sản xuất. Việc lắp ráp nó bắt đầu vào năm 1974 và dừng lại 9 năm sau đó - vào năm 1983.

Trên thực tế, Argentina là quốc gia cuối cùng khai thác loại cường kích này. Hai quốc gia còn lại là Pháp và Iraq đều đã cho chiếc chiến đấu cơ này được nghỉ hưu từ rất lâu.

Super Etendard là máy bay chiến đấu một chỗ ngồi. Hệ thống động lực của nó chỉ bao gồm một động cơ turbine phản lực Snecma Atar 8K-50, đảm bảo cho nó lực đẩy ít nhất 49 kN (11.000 lbf).

Tốc độ tối đa mà động cơ Snecma Atar 8K-50 mang lại cho máy bay là 1.205 km/h, tầm hoạt động lớn nhất vào khoảng 1.820 km, tuy nhiên bán kính tác chiến của máy bay bị giới hạn ở con số 850 km.

Về trang bị vũ khí, Super Etendard có hai khẩu pháo 30 mm loại DEFA 552 với 125 viên đạn mỗi khẩu. Máy bay có tổng cộng 6 giá treo để mang tên lửa và bom, 4 trong số đó nằm dưới cánh và 2 nằm dưới thân chiếc phi cơ.

Ngoài tên lửa chống hạm AM39 Exocet đã đề cập, máy bay của Pháp còn có thể mang tên lửa hạt nhân Air-Sol Moyenne Porteé, AS-30L, tên lửa không đối không Matra Magic cũng như bom dẫn đường và rocket không điều khiển.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cuong-kich-super-etendard-va-chien-cong-danh-chim-hai-tau-chien-cua-anh-post540508.antd