Cường quốc quân sự Nga mạnh cỡ nào?

Quân đội Nga được cho là đứng thứ hai (sau Mỹ) trong danh sách các quân đội mạnh nhất thế giới.

Binh chủng nhảy dù Nga là một trong những lực lượng thiện chiến nổi tiếng. (Nguồn: RBTH)

Binh chủng nhảy dù Nga là một trong những lực lượng thiện chiến nổi tiếng. (Nguồn: RBTH)

Đánh giá này được thực hiện hàng năm bởi Global-Firepower Agency dựa trên phân tích và so sánh sức mạnh của quân đội của tất cả các nước về - số lượng nhân viên quân sự thường trực và dự bị, số lượng vũ khí, xe máy chiến đấu được sở hữu bởi lực lượng mặt đất, hải quân, không quân, ngân sách quốc phòng, các cuộc tập trận và hoạt động mua sắm vũ khí.

Nga được coi là một trong những cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới với hơn một triệu người phục vụ trong quân đội. Xét riêng lực lượng Lục quân Nga, năm 2019, được đánh là lớn nhất thế giới.

Dưới đây là những con số ấn tượng và điểm đặc biệt về quân đội nước này.

Ngân sách quân sự 61,4 tỷ USD

Không quân (không tính máy bay không người lái): Tổng số máy bay: 3.584 chiếc; Máy bay chiến đấu 869 chiếc; Máy bay tiêm kích: 1.459 chiếc; Máy bay vận tải: 401 chiếc; Trực thăng: 1.485 chiếc; Trực thăng tấn công: 514 chiếc.

Lục quân: Xe tăng chiến đấu chủ lực: 21.932 chiếc; Xe bọc thép chiến đấu: 50.049 chiếc; Pháo tự hành: 6.083 khẩu; Pháo xe kéo: 4.465 khẩu; Hỏa tiễn, tên lửa (cả các hệ tấn công và phòng thủ): 3.860 quả.

Hải quân: Tàu sân bay: 1 chiếc; Tàu khu trục: 13 chiếc; Tàu chiến: 13 chiếc; Tàu hộ tống: 82 chiếc; Tàu ngầm: 56 chiếc.

Dân số: 146.780.720 người; Nhân lực có sẵn: 69.640.140 người; Có khả năng phục vụ: 46.650.907 người; Quân số quân đội thường trực: 1.013.628 người; Quân số dự bị: 2.572.500 người; Vũ khí hạt nhân (theo Hiệp ước New Start): Số lượng tên lửa và bom triển khai: 700, Số lượng đầu đạn: 1550, Số lượng bệ phóng và bom chưa triển khai: 800.

Lực lượng khủng

Theo sắc lệnh của Tổng thống Putin ngày 17/11/2017, số người hiện đang phục vụ trong quân đội Nga là 1.902.758, kể cả nhân viên quốc phòng. 1.013.628 trong số đó là quân nhân, 753.000 người làm hợp đồng, cũng như 260.000 lính nghĩa vụ (nam giới ở độ tuổi từ 18 - 27 có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự 1 năm).

Các nữ quân nhân Nga trong Lễ duyệt binh mừng Chiến thắng. (Nguồn: Daily Mail)

Lý do chính khiến Nga vẫn chưa ngừng nghĩa vụ quân sự bắt buộc là do lãnh thổ rộng lớn và dân số, như đã đề cập ở trên, có 146.780.720 người sống trên 17.125.191 km2. Hiện nay, Bộ Quốc phòng Nga đã hạn chế việc chuyển binh lính từ vùng này đến vùng khác, chẳng hạn, từ Moscow đến Kamchatka và thay vào đó cố gắng tuyển mộ lính tại chỗ.

Mức lương tối thiểu hàng tháng của một binh nhì khoảng 30.000 Rub (khoảng 480 USD). Tuy nhiên, mức lương còn phụ thuộc vào quân binh chủng và địa bàn phục vụ.

Những người lính ở phía Bắc nhận được nhiều chế độ cao hơn những người phục vụ ở khu vực Thủ đô Moscow. Các sĩ quan Nga, từ trung úy đến cấp tướng, nhận lương trong khoảng từ 40.000 Rub (khoảng 550 USD) đến 300.000 (khoảng 5.000 USD) mỗi tháng.

Người nước ngoài cũng có thể gia nhập quân đội

Theo sắc lệnh của Tổng thống Nga năm 2015, bất kỳ người nước ngoài nào từ 18 đến 30 tuổi đều có thể ký hợp đồng và gia nhập quân đội Nga. Hợp đồng đầu tiên với quân đội được ký trong 5 năm. Những người này sẽ phục vụ với cấp bậc binh nhì, binh nhất, hạ sĩ và trung sĩ. Các yêu cầu chính đối với các ứng viên là tiếng Nga và không có vấn đề pháp lý với chính phủ Nga và/hoặc nước ngoài. Sẽ không có miễn trừ cho binh sĩ người nước ngoài trong quân đội Nga trong trường hợp chiến tranh - họ có nghĩa vụ bảo vệ nước Nga.

Tính đến năm 2019, trong các lực lượng vũ trang Nga, có 295 binh sĩ quốc tịch nước ngoài. Tất cả họ đến từ Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) như Kazakhstan, Armenia, Azerbaijan... Cho đến nay, không có công dân Mỹ hay EU nào trở thành một người lính Nga.

Đồng minh chính của Nga

Nga và sáu nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ (Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Azerbaijan và Belarus) đã ký một hiệp ước an ninh tập thể vào năm 1992, lập nên một liên minh được gọi là Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Hiến chương của CSTO đã tái khẳng định mong muốn của tất cả các quốc gia tham gia là tránh sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực.

Các bên ký kết sẽ không thể tham gia các liên minh quân sự khác hoặc các nhóm quốc gia khác, hành vi gây hấn với một bên ký kết sẽ được coi là một cuộc xâm lược chống lại tất cả (tương tự như NATO).

CSTO tổ chức các cuộc tập trận chỉ huy quân sự hàng năm cho các quốc gia CSTO để nâng cao sự hợp tác nội liên minh. Cuộc tập trận mới nhất có tên gọi “Center-2019”, diễn ra tại miền Trung nước Nga, với hơn 128.000 quân nhân tham gia.

(theo RBTH)

Lê Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuong-quoc-quan-su-nga-manh-co-nao-102684.html