Cướp ngân hàng bất thành vẫn phạm tội cướp tài sản

Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai xảy ra một số vụ cướp tài sản trong các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Dù một số vụ, người phạm tội thực hiện các vụ cướp tài sản không thành (chưa cướp được tiền, tài sản) nhưng sự manh động, liều lĩnh, táo tợn của dạng tội phạm này đã gây bất an trong nhân dân.

Đối tượng Mai Xuân Bình vào Phòng Giao dịch Hóa An, Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Bắc Đồng Nai (đóng tại P.Hóa An, TP.Biên Hòa) để cướp tài sản. Ảnh cắt từ clip

Đối tượng Mai Xuân Bình vào Phòng Giao dịch Hóa An, Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Bắc Đồng Nai (đóng tại P.Hóa An, TP.Biên Hòa) để cướp tài sản. Ảnh cắt từ clip

Luật sư Cao Sơn Hà, Hội Luật gia tỉnh cho biết, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, với tội danh cướp tài sản, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3-20 năm tù hoặc chung thân. Người phạm tội chưa đạt cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

* Liều lĩnh, xem thường pháp luật

Chỉ trong vòng 12 ngày, trên địa bàn 3 tỉnh, thành: Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM đã xảy ra 3 vụ cướp ngân hàng bất thành và thủ phạm đang phải đối diện với các mức xử lý hình sự cho hành vi liều lĩnh, xem thường pháp luật của mình.

Gần nhất vào chiều 26-11, Mai Xuân Bình (21 tuổi, quê tỉnh Lâm Đồng) mang lựu đạn giả xông vào Phòng Giao dịch Hóa An, Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Bắc Đồng Nai (đóng tại P.Hóa An, TP.Biên Hòa) để cướp tài sản. Tuy nhiên, khi thấy mọi người hô hào, Bình lục lọi một lúc không lấy được tiền nên đã nhanh chóng tẩu thoát.

Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh cho hay, khi xác định bị cáo phạm tội trong trường hợp chưa đạt thì đã được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với tội phạm đã hoàn thành. Nếu lại tiếp tục áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại (theo Điểm h, Khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự năm 2015) có nghĩa là bị cáo được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hai lần là không phù hợp và không bảo đảm tính công bằng trong áp dụng pháp luật hình sự.

Ngày 1-12, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an phát hiện và bắt giữ Bình khi đối tượng đang lẩn trốn trong một phòng trọ ở Q.Gò Vấp (TP.HCM). Ngày 9-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Bình để điều tra về hành vi cướp tài sản.

Trước đó, vào sáng 18-11, Trần Công Đức (25 tuổi, ngụ TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (thuộc TX.Bến Cát) dùng súng đe dọa, yêu cầu nhân viên ngân hàng đưa tiền bỏ vào túi. Do nhân viên nói không có chìa khóa két sắt và thấy bảo vệ đi vào nên Đức hoảng sợ bỏ chạy ra ngoài, lên xe tẩu thoát. Đức bị cơ quan công an bắt giữ ngay trong ngày.

Ngày 16-11, Công an Q.Bình Tân (TP.HCM) đã ban hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Tấn Tài (36 tuổi, quê tỉnh An Giang) để điều tra về hành vi cướp tài sản. Sáng 14-11, Tài đến chi nhánh Ngân hàng Thương mại CP Tiền Phong (đóng trên địa bàn P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM) với mục đích cướp tài sản. Để thực hiện hành vi, Tài đi tới quầy giao dịch lấy can xăng (loại 5 lít) giấu trong ba lô tưới lên người, yêu cầu nhân viên ngân hàng bỏ tiền vào ba lô nếu không sẽ tự châm lửa đốt. Nghe báo động, lực lượng bảo vệ chạy vào bên trong. Thấy vậy, Tài bỏ chạy ra cửa rồi tự châm lửa đốt để thoát thân nhưng đã bị bắt ngay sau đó.

Luật sư Cao Sơn Hà cho hay, hành vi cướp tài sản của các nghi can trên dù bất thành (chưa lấy được tiền) vẫn bị chế tài bởi Điều 168, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội cướp tài sản. Với tội danh này có khung hình phạt tù từ 3-10 năm (Khoản 1); từ 7-15 năm (Khoản 2); 12-20 năm (Khoản 3); từ 18-20 năm hoặc tù chung thân (Khoản 4).

* Phạm tội chưa đạt

Luật sư Cao Sơn Hà cho hay, phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt. Theo Điều 15, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì có 3 dấu hiệu xác định trường hợp phạm tội chưa đạt.

Thứ nhất, người phạm tội đã bắt đầu thực hiện tội phạm. Đây là dấu hiệu phân biệt phạm tội chưa đạt với chuẩn bị phạm tội. Sự bắt đầu này thể hiện ở chỗ người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm như: yếu tố khách thể, yếu tố chủ thể, yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan của tội phạm.

Thứ hai, người phạm tội không thực hiện tội phạm được đến cùng, nghĩa là hành vi của họ chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu (thuộc mặt khách quan) của cấu thành tội phạm. Cụ thể có thể xảy ra ở một trong những dạng dưới đây: Người phạm tội chưa thực hiện được hành vi khách quan mà mới chỉ thực hiện được “hành vi liền trước”. Người phạm tội đã thực hiện được hành vi khách quan nhưng chưa gây hậu quả của tội phạm. Người phạm tội đã thực hiện được hành vi khách quan nhưng chưa thực hiện hết.

Thứ ba, người phạm tội không thực hiện tội phạm được đến cùng do những nguyên nhân ngoài ý muốn của họ. Bản thân người phạm tội vẫn muốn tội phạm hoàn thành nhưng tội phạm không hoàn thành là do: nạn nhân hoặc người bị hại đã chống lại được hoặc đã tránh được; do người khác đã ngăn chặn được; có những trở ngại khác (không lấy được tài sản khi bị nạn nhân chống cự, tri hô…).

“Tuy việc phạm tội chưa đạt nhưng về tính nguy hiểm trong các vụ án cướp ngân hàng kể trên là đáng kể bởi hành vi mà người phạm tội thực hiện là do cố ý và hậu quả xảy ra không lớn hoặc chưa xảy ra hoàn toàn do nguyên nhân khách quan và trái với mong muốn của người phạm tội. Do đó, họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Không nên nhầm lẫn giữa phạm tội chưa đạt với các trường hợp: chuẩn bị phạm tội, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” - luật sư Hà lưu ý.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202012/cuop-ngan-hang-bat-thanh-van-pham-toi-cuop-tai-san-3034556/