Cướp túi xách của vợ, chồng có thể bị xử lý hình sự

Trong ngày tòa mở phiên xử ly hôn, người chồng 30 tuổi đã chặn đầu xe máy của vợ rồi cướp túi xách bên trong có nhiều nữ trang, điện thoại cùng số tiền 8 triệu đồng.

Cướp túi xách sau khi giải quyết ly hôn ở tòa

Công an quận Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) cho biết đang tạm giữ đối tượng Trịnh Quốc Hậu (30 tuổi, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều) để điều tra về hành vi cướp giật tài sản.

Theo cơ quan công an, ngày 7/9, Hậu cùng vợ là Lê Thị Huyền Trang (28 tuổi) đến TAND quận Ninh Kiều để giải quyết ly hôn. Trưa cùng ngày, chị Trang lái xe máy trên đường Nguyễn Trãi thì bị Hậu đuổi theo rồi chặn đầu xe. Sau đó người chồng đã cướp túi xách của vợ rồi đưa cho một nhóm người đi trên ô tô. Xong xuôi, Hậu cùng nhóm người rời khỏi hiện trường.

Đối tượng Trịnh Quốc Hậu.

Sau khi vào cuộc xác minh, Công an phường đã mời những người liên quan lên làm việc. Hậu chạy ô tô đến và đưa cho chị Trang túi xách, bên trong có nhẫn, dây chuyền, bông tai bằng vàng, điện thoại cùng 8 triệu đồng.

Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự về tội Cướp giật tài sản nên công an phường chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra Công an quận Ninh Kiều thụ lý. Công an quận Ninh Kiều cho biết đang củng cố hồ sơ, làm rõ hành vi của những người liên quan.

Làm rõ tài sản trong túi xách là tài sản riêng hay chung?

Nhận định về vụ việc, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: “Cần thận trọng trong việc đánh giá động cơ, mục đích để kết luận đối tượng có mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác hay không thì mới giải quyết đúng đắn vụ việc”.

Luật sư Cường phân tích, với tình tiết của vụ việc thì vợ chồng Trịnh Quốc Hậu vẫn chưa ly hôn, có nghĩa rằng tài sản của họ chưa được phân chia. Bởi vậy những tài sản có trong túi xách đó là tài sản riêng của vợ hay tài sản chung vợ chồng là vấn đề cần phải làm rõ thì mới có thể xác định được khách thể của tội danh xâm hại quyền sở hữu có thỏa đáng hay không? Đối tượng có mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác hay không, hay đây chỉ là việc tranh chấp về tài sản đang được tòa án giải quyết?

Nếu số tài sản trong túi xách là tài sản riêng của người vợ Lê Thị Huyền Trang, Trịnh Quốc Hậu biết rõ nhưng muốn chiếm đoạt số tài sản này nên đã thực hiện hành vi cướp giật tài sản thì người này mới bị xử lý về tội Cướp giật tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Còn nếu số tài sản này đã được kê khai tại tòa án, Trịnh Quốc Hậu chặn đường giữ lại tài sản để có cơ sở cho tòa án giải quyết, phân chia, không có mục đích chiếm đoạt thì hành vi này không cấu thành tội phạm.

Luật sư Đặng Văn Cường.

“Vì vậy, trong vụ việc này xác định quyền sở hữu tài sản là của ai và động cơ mục đích của hành vi giật tài sản đó là gì là những vấn đề mấu chốt để xác định hành vi có cấu thành tội Cướp giật tài sản hay không?”, luật sư Cường lưu ý.

Theo luật sư Cường, tội Cướp giật tài sản là một trong những tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu. Đặc điểm của tội danh này là đối tượng vì tham lam, bất chấp pháp luật mà nhanh chóng tiếp cận chủ sở hữu tài sản, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu thoát. Cướp giật tài sản nhằm ngăn chặn việc chuyển quyền sở hữu tài sản trái pháp luật, bảo vệ chủ sở hữu tài sản và xử lý, răn đe đối với những đối tượng tham lam, muốn chiếm đoạt tài sản của người khác.

Còn đối với những vụ việc có tranh chấp về tài sản, có sự giằng giật về tài sản nhưng với mục đích là để quản lý, chờ các cơ quan chức năng giải quyết, chứ không phải là mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ không bị xử lý về tội danh này. "Nếu vội vàng khởi tố hình sự vụ việc này thì có nguy cơ oan sai", luật sư Cường nhấn mạnh.

Vẫn cấu thành tội Cướp giật tài sản

Nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Nguyễn Thị Tuyến – đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay, mặc dù chưa hoàn thành thủ tục ly hôn nhưng Trịnh Quốc Hậu đã thể hiện mình là kẻ côn đồ, khi công khai cướp giật túi xách của vợ tại sân tòa. Hành vi của Hậu hoàn toàn đủ các yếu tố cấu thành tội Cướp giật tài sản theo quy định tại Điều 171, Bộ luật Hình sự 2015.

Luật sư Tuyến phân tích, trong vụ việc này, Hậu công khai chiếm đoạt tài sản của vợ một cách nhanh chóng. Hành vi công khai có nghĩa là người chồng không có ý thức che giấu hành vi phạm tội của mình và khi thực hiện việc chiếm đoạt cho phép chủ tài sản biết ngay có hành vi chiếm đoạt xảy ra. Hành vi chiếm đoạt thể hiện qua việc chặn đầu xe, cướp túi xách rồi đưa cho nhóm người ngồi trên ô tô cùng mình.

Đối với tội Cướp giật tài sản, mặt chủ quan của tội phạm gồm dấu hiệu lỗi, động cơ và mục đích phạm tội. Trong đó lỗi của người phạm tội Cướp giật tài sản là lỗi cố ý trực tiếp. Động cơ của tội cướp giật tài sản được hiểu là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách cố ý. Mục đích của tội cướp giật tài sản là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra phải đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội.

“Trong vụ việc, Hậu đã hoàn thành việc cướp giật đồ của vợ. Khi Công an phường vào cuộc xác minh, mời những người liên quan lên làm việc, Hậu mới trả lại đồ cho vợ. Điều này chỉ phần nào khắc phục hậu quả phạm tội của Hậu. Chiếu theo quy định tại khoản 1, Điều 171, đối tượng có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”, luật sư Tuyến cho hay.

Việt Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cuop-tui-xach-cua-vo-chong-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-a402847.html