Cựu binh Mỹ sám hối về cuộc chiến ở Việt Nam

Ân hận, đau khổ, giằng xé tâm can, muốn bù đắp, muốn được xin lỗi... đó là những cảm xúc phức tạp kéo dài hàng chục năm của những cựu binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam. Đến Việt Nam, hoạt động vì hòa bình, thực hiện những dự án giải quyết hậu quả chiến tranh... khiến họ được trải lòng và giảm cảm giác tội lỗi hơn bao giờ hết.

Quang cảnh gặp gỡ hữu nghị ngày 16/9. Ảnh: P.Y

Quang cảnh gặp gỡ hữu nghị ngày 16/9. Ảnh: P.Y

Cựu binh Daniel Gilman, hiện là thành viên quản trị Peace Trees quốc tế đã không kìm được những giọt nước mắt khi lần đầu tiên được dự gặp mặt cựu chiến binh hai nước

Cựu binh Daniel Gilman (phải) và Đại tá Trần Ngọc Dần, Trưởng Ban Đối ngoại, Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ảnh: P.Y

Năm 1969, Daniel Gilman tới Việt Nam phục vụ trong lực lượng quân y đóng quân tại Long Bình (gần TP.HCM). Tuy công việc không gắn với súng đạn, song ông vẫn bị ám ảnh bởi những mất mát, đau thương mà cuộc chiến tranh đã gây ra đối với Việt Nam. Trong nhiều năm, Gilman đã sống với nỗi dày vò, dằn vặt chính mình vì đã không nhận ra bản chất thật của cuộc chiến sớm hơn. Với Gilman, tham gia vào Peace Trees đã cho ông cơ hội để "bù đắp lại những gì nước Mỹ đã gây ra đối với người dân Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung." Ông chia sẻ, từng trực tiếp tham gia nhiều dự án ý nghĩa của Peace Trees như rà phá bom mìn, xây dựng trường học, khu tái định cư cho người dân... Năm 2014, Gilman đã đưa con gái mình tới Quảng Trị. Tại đây, cô gái người Mỹ đã cùng một cán bộ trẻ của Peace Trees Việt Nam trồng cây kỷ niệm trên mảnh đất xưa là chiến trường khốc liệt.

Trở về từ Việt Nam, cựu binh Dale E.Rector đã dành phần đời còn lại cho phong trào hòa bình. Ảnh: P.Y

Cũng giống như Daniel Gilman, một cựu binh khác, ông Dale Ellison Rector cũng mang trong lòng nỗi ân hận trĩu nặng về việc tham chiến tại Việt Nam, mà theo ông, đó là một quyết định dại dột.

"Tôi muốn giống như cha mình, một người lính trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất", ông kể. Tuy nhiên, khi thực sự bước vào cuộc chiến, chứng kiến bom đạn Mỹ hủy diệt những làng mạc thanh bình, "đẹp như thiên đường", Dale đã giật mình tỉnh ngộ. Sau khi trở về Mỹ, ông đã dành trọn phần đời còn lại để sống với lý tưởng “không bao giờ dùng chiến tranh để giải quyết mọi việc”.

Dale kể: "Tôi đã thực hiện mục tiêu này bằng cách nuôi dạy 5 đứa con của mình thành những con người phản chiến, cũng như truyền tinh thần này tới hàng ngàn học sinh của tôi, và gửi gắm thông điệp hòa bình qua những buổi biểu diễn cùng ban nhạc của mình ở nhiều nơi, trong và ngoài nước Mỹ."

"Cựu binh" của "cuộc chiến phản chiến", ông Bruce Nicolas Occena. Ảnh: P.Y

Trong đoàn đại biểu ngoại giao công dân Peace Trees, có những người từng là thành viên tích cực của phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam như ông Bruce Nicolas Occena. Là một người Mỹ gốc Philippines thuộc tầng lớp lao động nghèo, ông Occena từng bị cưỡng ép nhập ngũ, song đã can đảm hòa vào làn sóng phản chiến sục sôi giữa lòng nước Mỹ, bất chấp việc bị bắt giữ nhiều lần và sự phản đối kịch liệt từ gia đình.

Nhìn lại ký ức 50 năm về trước, ông Occena nói: Chiến tranh Việt Nam vô cùng khốc liệt, song phản chiến cũng là một cuộc chiến khốc liệt không kém mà bản thân rất tự hào là một "cựu chiến binh" trên mặt trận này.

Ngày 16/9, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa các cựu chiến binh Việt, Mỹ và đoàn các nhà ngoại giao công dân của tổ chức Cây hòa bình (Peace Trees) Việt Nam. Sự kiện có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Ủy viên thường trực Hội Việt – Mỹ; bà Claire Yunker, Giám đốc điều hành Peace Trees Việt Nam, các cựu chiến binh hai phía và các đại biểu tham gia đoàn ngoại giao công dân do Peace Trees tổ chức.

Tại cuộc gặp, các đại biểu hai phía đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về ký ức chiến tranh, quan hệ Việt - Mỹ trong hiện tại, tương lai cũng như những hướng đi để tăng cường mối giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Gặp gỡ hữu nghị giữa cựu chiến binh hai nước cũng là dịp chia sẻ những kỷ niệm cảm động giữa những người từng đối đầu "một mất một còn", như tình bạn giữa phi công Vũ Đình Rạng với cựu địch thủ lái máy bay B52 bị ông bắn hạ năm 1971...

Bên cạnh đó, cuộc gặp cũng đã mang lại những hi vọng về sự sát cánh của cựu binh hai nước trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh. Đã có những chia sẻ cảm động như Thiếu tướng Nguyễn Cao Cử với hành trình tìm kiếm hài cốt 200 đồng đội hi sinh tại Bình Phước, hay ông Khuất Quang Cừ hàng chục năm miệt mài tìm kiếm người anh trai là liệt sĩ Khuất Quang Phiệt nằm lại mặt trận Quảng Nam. Họ đã nói lên những tâm tư, trăn trở của mình, và thiết tha kêu gọi sự đồng hành của các cựu binh Mỹ trên hành trình thực hiện những dự định ý nghĩa.

Cũng như nhiều cuộc hội ngộ cảm động giữa cựu binh hai phía, cuộc hội ngộ ngày 16/9 có những nụ cười và cả nước mắt. Ký ức được kể lại, không phải để khắc sâu hận thù hay những nỗi đau, mà để cùng nhau vượt qua quá khứ, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Phi Yến

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/cuu-binh-my-sam-hoi-ve-cuoc-chien-o-viet-nam-87768.html