Cựu chiến binh ba lần đối mặt với tử thần ở chiến trường ác liệt

Cựu chiến binh Đỗ Khắc Phủ ở xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng từng vào sinh ra tử ở chiến trường ác liệt miền Nam với ba lần đối mặt với cái chết.

Vượt rừng, băng núi để vào chiến trường

Ông Phủ cũng như bao người lính từng vào sinh ra tử ở các chiến trường, đối mặt với mọi gian nguy. Khi hòa bình lập lại ông không thể nào quên những năm tháng mưa bom bão đạn của kẻ địch, cái chết chỉ trong gang tấc.

Khi nhắc lại những kỷ niệm thời chiến trường đã qua, ông Phủ còn nhớ như in, dường như tất cả chỉ vừa mới xảy ra. Ngay trên cơ thể ông hiện còn có những vết thương nặng do chiến tranh để lại, ông gọi đó là những “chiến tích” một thời theo mãi mình về sau này.

Kể lại những năm tháng thời thanh niên sống trong chiến tranh, ông Phủ nói trong tiếc nuối: “Đang học kỳ 2 lớp 7 thì có lệnh gọi nhập ngũ, tôi đành gác lại sự nghiệp học hàng để vào chiến trường. Ngày 25/3/1967, được lệnh nhập ngũ ở tiểu đoàn 8, trung đoàn 42, đại đội 7 huấn luyện ở Yên Tử (Quảng Ninh) là mình đi luôn. Huấn luyện 3 tháng là hành quân đúng 4 tháng theo đường mòn Hồ Chí Minh để vào chiến trường Quảng Đà nay là địa phận hai tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam”.

Ông Phủ kể lại những năm tháng hào hùng mà ông đã trải qua trong thời chiến tranh ác liệt

Ông Phủ kể lại những năm tháng hào hùng mà ông đã trải qua trong thời chiến tranh ác liệt

Trong ký ức thời trai trẻ ông Phủ không thể nào quên những năm tháng tòng quân.

Ông Thủ kể: “Thời kỳ đó hăng hái lên đường lắm, thanh niên đi nhập ngũ như là đi hội, ai không được gọi nhập ngũ là khóc nức nở. Khi mà tôi cùng đồng đội huấn luyện xong là băng rừng, vượt núi vào chiến trường miền Nam. Khi vào tới nơi là được phân nhiệm vụ, bổ sung vào mặt trận luôn vì thời kỳ đó chiến tranh ác liệt”.

Thời kỳ đó ông Phủ được phân công nhiệm vụ bám sát các mặt trận ở các huyện Tiên Phước, Thăng Bình, Trà My, Tam Kỳ để đánh Mỹ. Cũng thời kỳ này ông và đồng đội mình phải đối mặt với muôn vàn khó khăn của chiến trường.

Ông Phủ nói: “Ở chiến trường ngoài việc đối mặt với bom đạn của kẻ thù, người lính còn phải đối mặt với đói rét, sốt sét rừng. Kẻ thù thời đó thù vũ khí hiện đại, lực lượng đông để tác chiến được quân mình phải ứng phó mọi cách. Một người lính hầu như phải sử dụng thành thạo mọi vũ khí để tác chiến khi cần thiết”.

Ròng rã 5 năm bám trụ chiến trường Quảng Đà ông Đà cũng không nhớ rõ bao nhiêu lần ông đối mặt với kẻ thù và cái chết cận kề.

3 lần đối mặt với tử thần

Đến nay ông Phủ đã ngoài 70 tuổi nhưng những ký ức về chiến trường ông không thể nào quên. Ông chia sẻ: “Cuộc đời vinh dự nhất là được tòng quân lên đường bảo vệ tổ quốc. Cái chết và sự sống ở chiến trường thì chỉ trong gang tấc”.

Khi nhắc lại những lần đối mặt với tử thần, ông Phủ vẫn còn ngỡ tưởng ông không thể nào sống sót được cho tới tận bây giờ. Trên cơ thể ông vẫn còn những mảnh bom, vỏ đạn còn in dấu.

Bàn tay trái của ông Phủ bị thương nặng trong trận đánh địch năm 1971

Kể về những lần đối mặt với cái chết ở chiến trường, ông Phủ kể: “Năm 1967 trong lần đối mặt với kẻ thủ trong trận càn của chúng ở huyện Thăng Bình tôi bị trúng đạn AR-15 ở bàn chân trái. Khi đang rút khỏi trận địa tôi thấy nhói dưới chân thì nhìn xuống chân thì mình đã bị thương. Đồng đội lúc này gần như đã rút gần hết, quân địch ngày càng một đông. Mặc dù bị thương nặng gần như là vỡ mu bàn chân nhưng vẫn cố chạy để cắt đuôi địch, về với căn cứ máu chảy hết bàn chân, quân y phải băng bó gấp”.

Liên tiếp những tháng ngày chiến đấu ác liệt, ông Lực liên tục đối mặt với cái chết.

Ông kể tiếp: “Năm 1968 trong trận đánh ở huyện Tam Kỳ thì tôi bị trúng bom tọa độ của địch. Tưởng chừng như tôi hi sinh ở đây vì một mảnh vỏ bom đâm thấu phổi trái nhưng may mắn tôi vẫn không bị hề gì. Lần nặng nhất là tháng 11/1971, chiến đấu ở chiến trường huyện Tiên Phước, tôi bị trúng bom phạt của địch. Bàn tay trái gần như vỡ hết, mất một ngón tay, kèm theo đó vỏ bom găm hết vào đùi trái”.

Kỷ niệm sâu sắc nhất ở chiến trường mà ông Phủ nhớ nhất cũng là lần bị thương nặng nhất ở chiến trường huyện Tiên Phước.

Ông Phủ tâm sự: “Trận đánh ở huyện Tiên Phước cũng là trận cuối tôi tham gia chiến đấu. Khi bị trúng bom phạt của kẻ thù, đồng đội tưởng như mình đã chết. Mất một đêm nằm trong rừng, sáng hôm sau dân công hỏa tuyến mới phát hiện ra mình nằm bất động, toàn thân bị thương nặng. Dân công hỏa tuyến thấy mình vẫn thở nên chuyển về trạm xá để điều trị. Đây cũng là lần bị thương nặng nhất cho nên đơn vị chuyển tôi về Bắc điều trị”.

Hiện tại trên bàn tay trái, đùi trái và phổi của ông Phủ vẫn còn những mảnh đạn, vỏ bom.

“Dù đã hết chiến tranh nhưng trên cơ thể vẫn còn những dấu tích chiến tranh. Bàn tay trái gần như không còn khả năng lao động, phổi lúc nào cũng bị đau. Bao nhiêu năm mình phải sống chung với biến chứng do vỏ đạn, mảnh bom còn sót lại trên cơ thể”.

Trong câu chuyện chia sẻ về năm tháng chiến tranh, người cựu chiến binh này không thể nào quên được những hoài niệm đầy tự hào mà cuộc đời ông đã trải qua.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/cuu-chien-binh-ba-lan-doi-mat-voi-tu-than-o-chien-truong-ac-liet-d130502.html