Cựu chiến binh bỏ tiền tỷ làm đường, xây cầu cho dân đi

Ông Nghiêm đứng ra hô hào bà con, vận động nhau góp tiền làm đường, xây cầu

Ông Nghiêm đang đứng theo dõi đơn vị thi công san ủi mặt bằng, mở đường hạ độ cao của dốc nơi có 3 người tử vong

Ông Nghiêm đang đứng theo dõi đơn vị thi công san ủi mặt bằng, mở đường hạ độ cao của dốc nơi có 3 người tử vong

Bán bò… lấy tiền làm đường, xây cầu

Một ngày đầu xuân, ông Trần Hồng Nghiêm trong bộ quân phục cựu chiến binh, dáng người gầy guộc, nước da rám nắng đen sạm chạy xe máy dẫn đường, đưa chúng tôi thăm quan trên những con đường ông vừa làm xong.

Vừa đi, ông Nghiêm vừa kể, năm 1990, ông đặt chân vào mảnh đất Tây Nguyên lập nghiệp. Khi đó, nơi này chỉ có một con đường mòn nho nhỏ. Để có đường cho xe lên rẫy, vận chuyển nông sản, ông đã đứng ra vận động nhân dân làm đường bằng tay, mỗi hộ đóng góp 3 ngày công. Đến năm 2007, người dân mua đất làm rẫy mỗi lúc một đông, đường sá vẫn nhỏ hẹp khiến việc đi lại khó khăn, nhiều lần xe công nông chở người lên rẫy rơi xuống hố sâu, lật xe chết người.

"Khu vực ông Nghiêm làm đường là đường dẫn vào khu đất sản xuất của người dân. Thấy người dân đi lại khó khăn, ông Nghiêm huy động sức lực của dân để làm, ai không có tiền thì bỏ công, còn lại ông đóng góp. Ngoài làm đường, hàng năm đường xuống cấp, xe cộ đi lại khó khăn thì ông thuê máy về san ủi lại để đường bằng phẳng, thuận lợi. Việc làm của ông Nghiêm rất được khuyến khích, nhân rộng."

Ông Cao Văn Tính
Chủ tịch UBND xã Tân Thành
(huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông)

Nhìn cảnh dân đi lại vật lộn với con đường lầy lội, ông Nghiêm đứng ra hô hào bà con, vận động nhau góp tiền làm đường, xây cầu lần nữa. Tuy nhiên, thời buổi “đói kém”, người dân mới vào lập nghiệp nên kinh tế còn khó khăn, không có tiền đóng góp. Ông Nghiêm bèn bỏ tiền túi ra ứng trước để thuê nhà thầu thi công. Thiếu tiền, ông bàn với vợ bán cà phê non, vay mượn ngân hàng quyết tâm làm đường, xây cầu cho bằng được. Sau đó, những con đường đất đỏ thẳng tắp, phẳng lì nối khu dân cư với vùng đất sản xuất được hình thành. Người dân đi lại thuận lợi, phấn khởi và hết lời ngợi khen.

Ông Nghiêm chia sẻ: “Trước đây, mùa thu hoạch con đường lầy lội, để lên được rẫy phải mất hàng giờ đồng hồ, xe hư hỏng như “cơm bữa”. Cà phê chở từ rẫy về tới nhà mất 5, 6 tiếng, có khi đến 12h đêm mới về đến nhà. Chưa kể, những lúc xe bị lầy, rơi xuống hố sâu phải vác từng bao cà phê khiêng xe lên. Bây giờ đường sá thuận lợi, xe chạy bon bon, cà phê chở ngày 3-4 chuyến, bà con phấn khởi vô cùng”.

Dừng chân trên chiếc cầu Cháy, ông Nghiêm tâm sự: “Tính đến nay, tôi đã làm được 3 nhánh đường, tổng cộng 40km và xây 2 chiếc cầu bê tông vững chắc thay thế cầu gỗ tạm bợ để người dân đi lại an toàn. Cây cầu Cháy này thi công hết 300 triệu đồng, tôi vận động 8 anh em trong gia đình hỗ trợ mỗi người 10 triệu đồng, phần còn lại tôi đi vay ngân hàng, bán cà phê non, bán 10 con bò và 11 con dê để lấy tiền làm cầu. Sau khi cầu thi công xong, vì lo lắng mà tôi gầy đi 4 kg”.

Đưa tay chỉ về miếu thờ dựng bên đường, ông Nghiêm tâm sự: “Chỗ này, năm trước xe công nông đi làm rẫy về, khi xuống dốc, do đoạn dốc cao, trắc trở không may xe bị lật khiến 2 người tử vong tại chỗ. Còn ngay khu vực cây cầu Cháy, một người phụ nữ khi qua cầu khỉ đã bị nước cuốn trôi tử vong. Giờ thì đã có cầu, có đường, đoạn dốc cao đã được san ủi, đi lại thuận lợi lắm. Việc làm của mình là ích nước, lợi nhà, lợi dân trong đó có mình”.

Để tiếng thơm cho đời

Đến nay, ông Nghiêm đã bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng làm cầu, làm đường và hàng năm, bỏ ra khoảng 100 - 150 triệu đồng để tu bổ, sửa chữa cho con đường luôn bằng phẳng. Chị Trần Hồng Minh (42 tuổi, con cả ông Nghiêm) chia sẻ: “Ba “nghiện” làm đường, vì ba luôn nghĩ cho người khác. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ba luôn ở ngoài đường, hết chỉ đạo xe cộ thi công, ba đi phát dọn cây cối ven đường. Ngày ba về bàn với gia đình bỏ tiền làm đường, mọi người can ngăn dữ lắm, nhưng hiểu tính cách của ba, quyết là làm nên mọi người cũng ủng hộ”.

Bà Phan Thị Mến (67 tuổi, vợ ông Nghiêm) tâm sự: “Ngày ông về kêu người đến bán bò, vì cần tiền mua vật liệu, ông bán 10 con bò được có 90 triệu đồng, thiếu ông bán thêm 11 con dê nữa. Được hơn 100 triệu đồng mua vật liệu và đưa cho nhà thầu ứng trước. Khi đó, tôi tiếc lắm, nhưng vợ chồng hiểu tính cách nhau, vẫn ủng hộ ổng làm”.

Anh Lê Trọng Sỹ (thôn Xuân Lộc 1, xã Đắk Sắk) cho hay: “Ông Nghiêm tự bỏ tiền ra thuê mấy ủi, máy múc san lấp, làm đẹp đường cho dân đi. Sau đó, ông vận động mỗi người dân đóng góp để cùng có trách nhiệm, tùy rẫy xa, gần, rẫy nhiều thì đóng cao hơn, người dân nào chưa có cà phê thì không cần đóng góp, xe máy không cần phải đóng. Tiền đóng chẳng bao nhiêu nhưng dân đi lại thuận lợi, người dân rất phấn khởi”.

Ngọc Hùng

Nguồn ATGT: http://www.atgt.vn/cuu-chien-binh-bo-tien-ty-lam-duong-xay-cau-cho-dan-di-d246883.html