Cựu chiến binh Đỗ Thành Vinh và đôi chân vạn dặm

Với tình cảm, sự kính trọng đặc biệt đối với các Anh hùng liệt sĩ, từ năm 2010 đến nay, sau nhiều chuyến băng rừng, lội suối, về lại chiến trường xưa, cựu chiến binh Đỗ Thành Vinh (67 tuổi, trú tại phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) đã tra cứu, kết nối, hỗ trợ hàng trăm gia đình ở khắp mọi miền Tổ quốc tìm kiếm, cất bốc, đón di cốt người thân - những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh về với quê cha, đất mẹ.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên lịch sử (tháng 3-1975), cựu chiến binh Đỗ Thành Vinh là chiến sĩ hữu tuyến điện của Trung đoàn Thông tin 136 (Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc), thực hiện nhiệm vụ trên tuyến lửa Đắk Tô - Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum). Đất nước im tiếng súng, ông và các đồng đội xung phong ở lại Tây Nguyên tham gia khảo sát, xây dựng các tổ, trạm thông tin. Công việc hoàn thành, đầu năm 1981, ông được điều về làm Trợ lý Thể dục-Thể thao Trung tâm Thông tin 575, Quân khu 5 (nay là Lữ đoàn thông tin 575). Hai năm sau, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Thượng úy Đỗ Thành Vinh được cấp trên quan tâm, tạo điều kiện cho chuyển ngành, về công tác tại Sở Thương nghiệp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Tháng 4-2010, nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông Vinh và các cựu chiến binh Trung đoàn Thông tin 136 năm xưa rủ nhau về thăm lại chiến trường xưa, thắp hương tưởng nhớ các anh em, đồng đội cũ đã anh dũng hy sinh trước hòn tên, mũi đạn của kẻ thù. Tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk, sau khi rà soát, đối chiếu, ông Vinh phát hiện các thông tin in trên bia mộ của liệt sĩ Phạm Văn Thực, quê ở Thái Nguyên, nguyên chiến sĩ Trung đoàn Thông tin 136, có nhiều điểm chưa chính xác, như họ Phạm viết thành họ Phan; Trung đoàn Thông tin 136 viết là Trung đoàn thông tin 163. Còn quê quán, ngày tháng năm sinh, thời gian nhập ngũ, thời điểm hy sinh; địa điểm, thời gian cất bốc, quy tập đã trùng khớp hoàn toàn.

Cựu chiến binh Đỗ Thành Vinh xúc động trước những hiện vật được tìm thấy trong phần mộ các liệt sĩ. Ảnh nhân vật cung cấp 2.

Chơi thân với liệt sĩ Phạm Văn Thực từ những ngày đầu nhập ngũ, ông Vinh vẫn nhớ như in, hôm tiễn các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thông tin 136 lên đường vào Nam chiến đấu, vợ anh Thực đang mang thai, bụng đã lùm lùm. Cuối năm 1976, trong trận tập kích bất ngờ của FULRO vào Trạm thông tin hữu tuyến điện A77 (khi đó đang đứng chân, thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), anh Thực và nhiều đồng đội ở Trạm đã anh dũng hy sinh. Đứng trước phần mộ của người đồng đội, không kìm nén được cảm xúc, ông Vinh bật khóc lên thành tiếng.

Sau chuyến đi, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên, ông Vinh đã kết nối, trò chuyện được với vợ con anh Thực. Thấu hiểu nguyện ước của thân nhân, gia đình liệt sĩ, ông đứng ra làm thủ tục, giấy tờ và vận động, quyên góp được hơn 20 triệu đồng, hỗ trợ vợ con anh Thực thuê xe vào Đắk Lắk cất bốc, đón hài cốt liệt sĩ về quê. Cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp của ông, chị Phạm Thì Thà (con gái liệt sĩ) xin nhận ông làm cha nuôi, khiến ông rất xúc động.

Trước khi tiến hành cất bốc, quy tập hài cốt, cựu chiến binh Đỗ Thành Vinh và thân nhân, gia đình các liệt sĩ đều tổ chức lễ cúng rất thành kính. Ảnh nhân vật cung cấp

Từ đó đến nay, ông Vinh thường xuyên rong ruổi khắp trong Nam, ngoài Bắc, tìm kiếm thông tin phần mộ, hài cốt liệt sĩ, sau đó kết nối, hỗ trợ các gia đình làm thủ tục cất bốc, đón các anh về với quê cha, đất mẹ, người thân. Cả ngày băng rừng, lội suối, ghi chép, vẽ sơ đồ mộ chí, chỉ khi đêm xuống, ông mới có thời gian vào các diễn đàn, hội nhóm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ để cập nhật, kết nối, chắt lọc thông tin. Hầu như ngày nào ông cũng nhận được hàng chục cuộc điện thoại của thân nhân, gia đình các liệt sĩ gọi đến nhờ hỗ trợ, giúp đỡ. Thường xuyên cơ động trên những địa hình phức tạp, nên có năm, chiếc xe bán tải (của một doanh nghiệp ở Đà Nẵng cho ông Vinh mượn vô điều kiện) do ông điều khiển phải thay lốp 3 tới lần. Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, đi lại, ông thường tự nấu nướng và mắc tăng võng ngủ ở bìa rừng.

Niềm vui và nụ cười hạnh phúc, mãn nguyện của mẹ Lương Thị Tuyết (108 tuổi, trú tại xã Nga Phượng, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) trong Lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ, con trai Nguyễn Văn Thống do cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức ngày 18-7-2022; những tiếng gọi “Cha ơi!!!” nấc nghẹn của chị Vũ Thị Kim Tuyển (64 tuổi, trú tại thị trấn Kiến Xương, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) - là con gái của liệt sĩ Vũ Duy Hùng - cán bộ Trung đoàn 38 (Sư đoàn 2, Quân khu 5, hy sinh ngày 17-6-1968, tại Khe Gai, Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam)… là động lực lớn lao để ông Vinh vẫn ngày đêm tiếp tục hành trình ý nghĩa, thiêng liêng, cao đẹp.

Mỗi năm, cựu chiến binh Đỗ Thành Vinh hỗ trợ, giúp đỡ hàng chục gia đình từ khắp mọi miền Tổ quốc tìm kiếm, quy tập, đón hài cốt liệt sĩ về với quê hương. Ảnh nhân vật cung cấp

Kể về cơ duyên tìm được phần mộ của liệt sĩ Vũ Duy Hùng, ông Vinh chia sẻ: “Đầu năm 2019, tôi nhận được điện thoại của cái Tuyển (tuy chỉ ít hơn ông Vinh 3 tuổi, nhưng chị Tuyển vẫn xin nhận ông làm bố nuôi), giới thiệu là con gái ruột của liệt sĩ Vũ Duy Hùng, hy sinh ngày 17-6-1968 tại Khe Gai, Trung Điền Nam, Đại Lộc, Quảng Nam. Suốt mấy chục năm nay, gia đình đã đi khắp nơi để tìm kiếm phần mộ của liệt sĩ mà không được, nên nhờ tôi giúp đỡ. Tuy thời gian diễn ra trận đánh đã quá lâu, thông tin cũng không rõ ràng cụ thể, nhưng ngay hôm sau tôi vẫn thu xếp công việc để tìm về Đại Lộc. Mất gần một tuần gặp gỡ, trò chuyện với các cụ lớn tuổi, những nhân chứng sống ở địa phương, tôi dần khớp nối được thông tin trận đánh và sự hy sinh anh dũng của bộ đội ta trong trận chống càn không cân sức với kẻ thù diễn ra ngày 17-6-1968.

Trận ấy, Trung đoàn 38 có hàng chục cán bộ, chiến sĩ hy sinh, bị địch mang ra bêu ở đầu làng hòng lung lạc tinh thần, ý chí của quân và dân ta. Nhiều lần bộ đội tìm cách ra lấy tử sĩ, song đều bị địch phát hiện, ngăn chặn quyết liệt. Thương các anh, đêm ấy, ông Mằng - một người dân sinh sống trong thôn đã bí mật bò ra khỏi hàng rào, đưa được một thi thể về chôn cất ở vườn nhà. Xem liệt sĩ như người thân ruột thịt của gia đình, suốt mấy chục năm nay, ông Mằng vẫn thường xuyên hương khói, cúng giỗ rất chu đáo, cẩn thận”.

Dự định chết để bụng, sống mang theo câu chuyện mình đã tự tay an táng, chăm sóc phần mộ của một sĩ quan quân đội, nhưng đến khi gặp ông Vinh, biết thân nhân của liệt sĩ đang từng ngày ngóng đợi tin tức người thân, ông Mằng quyết định sẽ công khai mọi chuyện, để di cốt liệt sĩ sớm được về với quê hương.

Tuy tuổi đã cao, song ông Vinh luôn là người trực tiếp tham gia cất bốc hài cốt liệt sĩ. Ảnh nhân vật cung cấp

Kết nối từ xa qua điện thoại, ông Mằng cho biết thi hài liệt sĩ do ông chôn cất bị mất một cánh tay do đạn pháo. Bằng linh cảm đặc biệt, chị Tuyển biết, đây chính là bố mình. Bởi đã rất nhiều lần chị được nghe các bác, các chú cùng đơn vị bố kể rằng, trong lúc chỉ huy bộ đội nổ súng đánh địch, bố chị không may bị mảnh pháo cắt cụt một cánh tay, chảy rất nhiều máu. Ngày 18-9-2019, phần mộ liệt sĩ trong khu vườn nhà cụ Mằng được lực lượng chức năng khai quật, lấy mẫu sinh phẩm gửi đi xét nghiệm AND. Nhận kết quả xét nghiệm trên tay, lồng ngực chị Tuyển như vỡ òa. Ngày bố tái ngũ, vào Nam chiến đấu, chị mới vừa chập chững biết đi. Giờ đây, khi mái tóc đã ngả màu sương gió, nhờ sự giúp đỡ của ông Vinh, chị mới được gặp lại bố mình trong dáng hình Tổ quốc…

Hiện nay, tuy tuổi đã cao, sức khỏe không còn như trước nhưng mỗi lần nhận được tin báo của nhân dân về phần mộ của các liệt sĩ đang nằm rải rác trên dải đất miền Trung và Tây Nguyên, ông Vinh lại vội vã lên đường. Với ông, đó là tình cảm, sự tri ân đặc biệt dành cho những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.

THUẬN AN - TRỌNG KHANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/cuu-chien-binh-do-thanh-vinh-va-doi-chan-van-dam-735857