Cựu chiến binh Hoàng Thanh Hà - một đời học Bác

Vượt lên tất cả những khó khăn, thử thách, với ý chí kiên định, nghị lực bền bỉ của người lính được rèn luyện trong quân đội, cựu chiến binh (CCB) Hoàng Thanh Hà đã thành công với hướng đi mới của mình, trở thành tấm gương điển hình trong phong trào nêu gương sáng làm theo lời Bác.

Mô hình chăn nuôi gà của CCB Hoàng Thanh Hà.

CCB Hoàng Thanh Hà sinh ra và lớn lên tại xã Phú Lộc (Hậu Lộc). Tháng 2-1984, bác nhập ngũ vào Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 và được cử đi học sĩ quan. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, Hà Giang là địa bàn trọng điểm bị địch lấn chiếm và phá hoại. Năm 1986, bác Hà cùng đơn vị được lệnh tăng cường tham gia chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên - Hà Tuyên. Sau thời gian chiến đấu, bác chuyển về Trung đoàn 52, Sư đoàn 320 và phục viên trở về địa phương.

Trở về quê hương, CCB Hoàng Thanh Hà làm việc tại Công ty 26-3 ở Hậu Lộc cho đến năm 2016 thì về nghỉ chế độ. Với tinh thần “Học Bác một đời” nên dù đã nghỉ hưu nhưng CCB Hoàng Thanh Hà vẫn hăng say lao động, tạo ra của cải vật chất cho gia đình và bác đã thành công với quyết định của mình ở tuổi xế chiều. Sau thời gian tìm hiểu và đi tham quan học hỏi ở các nơi, năm 2019, khi xã Phú Lộc thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, bác Hà đã nhận thầu hơn 1,5 ha đất đồng trồng lạc, ngô kém hiệu quả và đầu tư 1,4 tỷ đồng để xây dựng trại chăn nuôi gà. CCB Hoàng Thanh Hà cho biết: “Những ngày đầu bắt tay vào xây dựng, gia đình tôi chỉ có 400 triệu đồng làm vốn, còn 1 tỷ đồng tôi phải đi vay mượn để cải tạo, san lấp đồng ruộng, đào ao, xây dựng chuồng trại và xây dựng căn nhà nho nhỏ để ở. Nơi đây vốn dĩ là đồng ruộng nên đường sá lầy lội, đi lại rất khó khăn, gia đình tôi phải bỏ kinh phí làm đường bê tông đi vào trang trại. Khó khăn chồng chất khó khăn khi trại gà thứ nhất vừa xây dựng xong thì cơn bão ập đến làm sập đổ toàn bộ. Nhưng với tinh thần, nghị lực kiên cường của người lính, tôi đã cố gắng vượt qua tất cả”.

Khác với nhiều gia đình từng làm là bỏ vốn mua con giống về nuôi, sau đó phải tìm kiếm thị trường xuất bán, điều này tiềm ẩn rủi ro cao nếu không may gà bị dịch bệnh hoặc đầu ra không ổn định, giá cả xuống thấp, CCB Hoàng Thanh Hà chọn hướng đi khác là chỉ đầu tư chuồng trại và ký hợp đồng với Công ty Japfa để chăn nuôi giúp cho công ty. Công ty Japfa sẽ đầu tư toàn bộ con giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi..., gia đình bác Hà chỉ bỏ công chăm sóc. Khi gà đủ ngày tháng và đủ trọng lượng, công ty sẽ về thu gom. Trong quá trình nuôi, nếu đàn gà không may bị bệnh sẽ có người của công ty về kiểm tra và hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh. Như thế không có nghĩa là CCB Hoàng Thanh Hà sẽ không có trách nhiệm cao với việc chăn nuôi. Ngược lại, để gà sinh trưởng, phát triển tốt, các thành viên trong gia đình bác phải thường xuyên theo dõi các biểu hiện của đàn gà, cho ăn đủ theo khẩu phần và đúng giờ. Đàn gà cũng được tiêm phòng các loại dịch bệnh theo định kỳ, xung quanh chuồng và trong chuồng nuôi phải được tiêu độc, khử trùng, đồng thời phải thường xuyên thu gom xử lý chất thải. Chuồng nuôi gà được xây dựng theo quy mô công nghiệp, bao gồm hệ thống cung cấp nước uống và thức ăn tự động, điện chiếu sáng, hệ thống điều hòa không khí bảo đảm ấm về mùa đông và mát về mùa hè. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, vệ sinh môi trường bảo đảm nên trang trại gà của gia đình CCB Hoàng Thanh Hà ít bị dịch bệnh và phát triển tốt.

Khi trại gà thứ nhất với 15.000 con thành công, năm 2020, CCB Hoàng Thanh Hà tiếp tục đầu tư xây dựng trại gà thứ hai. Nhận thấy việc chăn nuôi này ít bị rủi ro, năm 2021 bác Hà quyết định đầu tư thêm trại gà thứ 3. Hiện nay, tổng diện tích 3 trại gà là 4.000m2, quy mô khoảng 40.000 con mỗi lứa, một năm nuôi được hơn 3 lứa. Ngoài chăn nuôi cho công ty, với kinh nghiệm sẵn có, bác Hà còn nuôi riêng cho gia đình mỗi lứa khoảng 1.000 con. Ngoài nuôi gà, bác còn tận dụng nuôi cá truyền thống và nuôi bò. Theo tính toán, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình bác Hà thu lãi mỗi năm từ 400 - 500 triệu đồng. CCB Hoàng Thanh Hà chia sẻ: “Tôi luôn ghi nhớ lời dạy của Bác “phải không ngừng học hỏi, lao động, sáng tạo”. Vì thế, còn sức lực thì tôi vẫn sẽ còn cố gắng lao động để xây dựng đời sống no đủ và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương”.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội CCB xã Phú Lộc cho biết: “Ở Phú Lộc có nhiều mô hình kinh tế do CCB làm chủ nhưng mô hình của hội viên Hoàng Thanh Hà ở thôn Giữa là một điển hình tiêu biểu. Bắt đầu từ muôn vàn gian khó, nhưng bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm, sự năng động, sáng tạo, nhạy bén trong phát triển kinh tế, CCB Hoàng Thanh Hà đã có của ăn, của để và là tấm gương sáng cho nhiều hội viên học tập, noi theo”.

Bài và ảnh: Tố Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/cuu-chien-binh-hoang-thanh-ha-mot-doi-hoc-bac/162884.htm