Cựu chiến binh nặng nghĩa với chiến trường xưa

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Lạc (Ba Lạc) ở phường Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) có thời gian công tác, chiến đấu ở mảnh đất Long An. Nay đã ngoài 80 tuổi, ông vẫn không quên những ân tình của đồng đội, nhân dân địa phương đã cưu mang, đùm bọc mình trong những năm tháng khó khăn, gian khổ. Vì thế, vào dịp 30-4 hằng năm, ông lại từ Hà Nội vào thăm Long An. Mỗi chuyến đi của ông đều mang ý nghĩa đặc biệt. Từng là cán bộ thuộc Bộ CHQS tỉnh trong thời kỳ chiến tranh nên ông còn là nhân chứng quan trọng để công nhận thành tích cho đồng đội năm xưa. Trong ba lô, ông luôn mang theo những bản kê khai thành tích cho đồng đội.

 Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lạc (bên trái) đã cung cấp nhiều thông tin để giúp đồng đội được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lạc (bên trái) đã cung cấp nhiều thông tin để giúp đồng đội được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trở lại chiến trường xưa, ông đã đi về các huyện: Đức Huệ, Châu Thành, Tân Trụ… Đến đâu ông cũng ghé thăm đồng đội, người dân đã cưu mang mình trong những năm tháng chiến tranh và thắp nén nhang cho các liệt sĩ. Đối với những đồng đội gặp khó khăn, ông còn vận động mọi người giúp đỡ. Đặc biệt, những năm gần đây, ông lặn lội đi khắp các tỉnh phía Bắc tìm nhân chứng đưa vào Long An để xác minh chiến tích của đội nữ du kích mật xã Quê Mỹ Thạnh.

CCB Nguyễn Văn Lạc tâm sự: "Đội nữ du kích mật ra đời trong những năm xã Quê Mỹ Thạnh "trắng" đảng viên. Chính người đồng đội Đinh Văn Nguyên (Ba Nguyên), Đại đội phó Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 320 (nay đã mất) là người thành lập ra đội du kích và trực tiếp chỉ huy. Ra đời trong gian khó nên ít người biết đến đội du kích mật này. Nay đất nước hòa bình, nhìn thấy những con người gan dạ của đội du kích mật lập nên nhiều kỳ tích, nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, tôi rất buồn. Chính vì vậy, tôi quyết tâm đi tìm nhân chứng cho đội du kích này. Sau nhiều năm tìm kiếm, tôi biết được ông Ba Nguyên sống ở thôn Thiện Sơn, xã Vạn Thiện (Nông Cống, Thanh Hóa) nên đã trực tiếp vào gặp ông đề nghị xác minh về đội du kích mật. Nhờ các tài liệu mà tôi thu thập, nhiều người trong đội du kích đã được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước”.

Bài và ảnh: BIỆN VĂN CƯỜNG

(khu phố 2, thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/cuu-chien-binh-nang-nghia-voi-chien-truong-xua-610827