Cựu chiến binh Nguyễn Bền làm nhiều việc nghĩa

Nhắc đến cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Bền, nguyên Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang, nhiều người dân ở huyện Châu Thành (Tiền Giang) đều dành cho ông tình cảm quý mến, nể phục. Năm nay, dù đã bước qua tuổi 70, sức khỏe không được tốt nhưng người CCB này vẫn tràn đầy nhiệt huyết, bản lĩnh và tinh thần kiên quyết đấu tranh với những điều sai trái, đồng thời tích cực làm nhiều việc nghĩa cho đời.

Còn sống là còn đấu tranh chống tiêu cực

Hẹn gặp CCB Nguyễn Bền tại nhà riêng, nhưng sau mấy cuộc gọi điện thoại để chỉ đường, chúng tôi được ông hướng dẫn đến trụ sở UBND xã Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang) để “làm việc” cho khách quan. Bên ly nước mát giữa buổi trưa hè, tại hội trường UBND xã, ông Bền trải lòng: Năm 1995, sau khi được nghỉ hưu theo chế độ với cấp bậc Trung tá, ông được lãnh đạo xã Vĩnh Kim đến động viên ra làm việc ở ủy ban.

Sau 5 năm giữ chức Phó trưởng Công an xã Vĩnh Kim phụ trách hình sự, đến năm 2001, tại Đại hội Hội CCB huyện Châu Thành, ông được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Hội và từ năm 2007 đến 2017, ông giữ chức Chủ tịch Hội CCB huyện. Cũng từ đây, ông Bền luôn đi đầu trên mặt trận chống tiêu cực ở địa phương.

Cựu chiến binh Nguyễn Bền (bên phải) trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Vụ việc đầu tiên tham gia chắc ông vẫn nhớ? Trước câu hỏi của chúng tôi, CCB Nguyễn Bền trả lời, đó là vụ người công an tên là Đồng Văn H, sinh năm 1936, quê ở xã Tân Lý Tây (huyện Châu Thành) được tặng Huy chương Kháng chiến và kết nạp vào Hội CCB. “Quá trình tôi đi xác minh làm rõ thì thấy bản thân ông H có tham gia cách mạng trong những năm 1963-1965, nhưng do không chịu nổi sự ác liệt nên đã ra đầu hàng địch (chiêu hồi), chỉ điểm để giặc sát hại 3 cán bộ, chiến sĩ cách mạng và làm tay sai cho địch với chức danh là tình báo viên, có bí danh, bí số (tàng thư công an cung cấp). Khi có chứng cứ rõ ràng, tôi tiếp tục kiểm tra, nhận thấy hơn 3 năm ông H không sinh hoạt, không đóng hội phí Hội CCB.

Căn cứ theo điều lệ, Ban Chấp hành Hội CCB xã quyết định xóa tên ông H khỏi danh sách hội viên, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có hướng xử lý; đồng thời kiến nghị Hội đồng Thi đua-Khen thưởng huyện làm thủ tục đề nghị thu hồi Huy chương Kháng chiến... Sau đó, ông H đã bị thu hồi Huy chương Kháng chiến và bị đưa ra khỏi ngành công an”, ông Bền kể.

Ông Bền là người rất kỹ tính, mọi công việc hằng ngày đều được ông ghi chép cẩn thận. Hễ nhận được thông tin phản ánh là ông tức tốc xuống tận nơi để nắm tình hình và tìm phương hướng giải quyết. Có lần, nghe tin ở xã Bàn Long (huyện Châu Thành) có trường hợp khai man để hưởng chế độ thương binh, lập hồ sơ đề nghị hưởng chính sách theo Quyết định 290 và trở thành hội viên CCB, ông lại đích thân lên kế hoạch đi thẩm tra xác minh.

Nói về vụ việc này, CCB Nguyễn Bền chia sẻ: “Đó là trường hợp ông Huỳnh Văn D, sinh năm 1951. Sau khi truy lục tàng thư của công an và qua xác minh thông tin của người dân cung cấp thì thấy ông này không hề tham gia cách mạng. Chúng tôi cũng tiếp nhận thêm thông tin, ông D không tham gia cách mạng nhưng lại có giấy chứng nhận thương binh hạng 3/4. Khi xác minh đủ cơ sở, tôi báo cáo cấp trên. Kết quả, ông D đã bị xử lý cho ra khỏi Hội CCB và bị thu hồi các quyền lợi thương binh được hưởng trước đó.

Lần khác, tôi còn tiếp nhận thông tin ông Trưởng phòng Chính sách, Thương binh (nay là Phòng Người có công, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang), ăn chặn 25 triệu đồng tiền truy lĩnh thương binh của hội viên CCB Trương Minh Ph, sinh năm 1951, ngụ tại ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành. Tôi đã báo cáo các cấp và Huyện ủy chỉ đạo công an vào cuộc. Từ việc phát hiện ông Trưởng phòng Chính sách, Thương binh ăn chặn 25 triệu đồng đã giúp cơ quan cảnh sát điều tra phát hiện nhiều vụ tham nhũng về chính sách khác, sau đó ông này đã bị khởi tố và chịu mức án 4 năm tù”.

Ông Bền không nhớ rõ mình đã tham gia bao nhiêu vụ việc đấu tranh chống tiêu cực, trả lại sự công bằng, bảo vệ quyền lợi cho người dân cũng như hội viên CCB. Không ít lần, ông bị một số đối tượng xấu khủng bố tinh thần bằng cách ném đá vào nhà lúc nửa đêm; có lần còn bị xe mô tô đâm thẳng vào người khi đang điều khiển xe gắn máy đi họp, nhưng may mắn không bị thương. Thậm chí, nhiều lần ông còn bị kẻ xấu nhắn tin điện thoại đe dọa đủ điều; một số đối tượng còn trực tiếp đem rượu, thịt đến nhà mời ông nhậu, mong bỏ qua, hoặc gọi điện thoại khuyên ông không nên nhúng tay... hòng làm lung lay ý chí đấu tranh của ông.

“Động cơ trong sáng của Bộ đội Cụ Hồ, của người CCB thôi thúc tôi khi về đời thường phải trở thành “chiến binh” trên mặt trận mới-mặt trận không tiếng súng. Xác định chống tiêu cực là việc làm khó vì đụng chạm tới thói hư, tật xấu, đến lợi ích của cá nhân, do vậy nếu tôi không nắm chắc, không có chứng cứ rõ ràng thì giống như con dao hai lưỡi sẽ bị “quật” lại đứt tay, chảy máu, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Trên mặt trận không tiếng súng này, bản thân tôi đã làm được một số việc nhỏ để đóng góp cho quê hương”, CCB Nguyễn Bền tâm sự.

Hạnh phúc của mọi người là niềm vui của bản thân

Nhiều năm qua, CCB Nguyễn Bền còn đảm đương nhiều vai trò, như: Chủ tịch Hội Khuyến học xã Song Thuận (huyện Châu Thành), Ủy viên Ban Chấp hành Hội CCB xã Vĩnh Kim, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia huyện Châu Thành. Với chiếc xe gắn máy, ngày nào ông cũng rong ruổi khắp các ấp ở xã Song Thuận và xã Vĩnh Kim chủ yếu để nắm tình hình. "Việc gì cần thì cứ đến hỏi ông Bền"-đó là câu nói quen thuộc, thể hiện sự tin tưởng của người dân địa phương đối với những việc làm có ích của người CCB này.

Cựu chiến binh Nguyễn Bền.

Theo chia sẻ của CCB Nguyễn Bền, lúc mới thành lập, Hội Khuyến học xã Song Thuận gặp rất nhiều khó khăn, hầu như là “4 không” (không trụ sở, không phương tiện, không kinh phí, không phát triển được hội viên). Với phương châm tự thân vận động, ông Bền đã đi gõ cửa từng cơ quan, doanh nghiệp, kêu gọi đồng đội, bạn bè gần xa hỗ trợ kinh phí hoạt động cho hội. Chính tình cảm, tấm lòng của mọi người dành cho đã tiếp thêm sức mạnh để ông mang hết tâm huyết xây dựng Hội Khuyến học xã ngày càng phát triển.

Từ vị trí thấp nhất trong 23/23 xã, thị trấn của huyện, những năm qua, Hội Khuyến học xã Song Thuận đã vươn lên khá và tốt trong phong trào học tập của huyện Châu Thành. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội, phát triển hội viên; phong trào thi đua khuyến học, xây dựng xã hội học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập luôn được chú trọng, đẩy mạnh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

“Xây dựng xã hội học tập rất khó, do vậy chúng tôi phải củng cố tổ chức hội, phát triển hội viên từ xã đến ấp. Điều đáng trân trọng hơn chính là sự quan tâm, đồng hành tích cực của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng lan tỏa”, CCB Nguyễn Bền nói.

Trong nhiều cảnh đời được ông Bền giúp, có trường hợp hai chị em Trần Ngọc Như Ý, sinh năm 2012 và Trần Minh Tiến, sinh năm 2015, ngụ tại ấp Mỹ Hòa, xã Song Thuận rất đáng thương. Cha mất sớm, mẹ đi lấy chồng khác nên hai chị em phải sống với bà nội. Tìm hiểu, nắm được thông tin, Hội Khuyến học xã Song Thuận đã tặng các em chiếc xe đạp làm phương tiện để đi học và hằng tháng hỗ trợ một triệu đồng. Đó là nguồn động viên rất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần để hai chị em Trần Ngọc Như Ý và Trần Minh Tiến vơi bớt lo toan trong việc đến trường.

Theo quan niệm của CCB Nguyễn Bền, làm nghề gì cũng cần phải tận tâm, nhất quán “nói và làm”, nếu đạt được cả hai thì sẽ đem lại hiệu quả tốt. Bản thân ông khi làm việc gì cũng luôn lấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ làm kim chỉ nam. “Lúc đầu có nhiều ý kiến cho rằng, học thì dễ nhưng làm theo Bác thì rất khó, nhưng tôi luôn suy nghĩ không nên đặt việc gì cao xa, mà chỉ cần làm việc gì cụ thể, rõ ràng, với động cơ trong sáng.

Ví dụ, làm việc ở Hội CCB, mình phải có trách nhiệm, chăm lo đời sống cho hội viên; với Hội Khuyến học, phải khuyến khích, động viên tinh thần các cháu cố gắng vươn lên trong học tập, rèn luyện; còn đối với công việc bên Hội Luật gia, phải công tâm, trách nhiệm, làm đúng pháp luật. Làm việc ích nước, lợi nhà, lợi cho bản thân, gia đình, xã hội mà không trái với pháp luật, hoặc luật pháp không cấm là đạt yêu cầu. Mỗi người nên làm một việc tốt, khi xã hội có nhiều người làm việc tốt thì sẽ hạn chế hoặc giảm được nhiều việc xấu”, ông Bền tâm sự thêm.

Làm nhiều việc nghĩa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên CCB cũng như giữ gìn sự yên bình cho nhân dân..., nhưng CCB Nguyễn Bền không bao giờ kể công. Bởi ông luôn tâm niệm, hạnh phúc của mọi người là niềm vui của bản thân; dù thời chiến hay thời bình, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào thì người lính vẫn luôn giữ vững phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.

Bài và ảnh: LƯU QUANG ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/cuu-chien-binh-nguyen-ben-lam-nhieu-viec-nghia-775053