Cựu Chủ tịch ERC Mauri Ferrari: Nhà khoa học tài năng không 'hợp đất' châu Âu

Nhận lời giữ chức Chủ tịch Hội đồng Khoa học châu Âu (ERC) mới được 3 tháng ngắn ngủi, nhà khoa học người Mỹ gốc Italy Mauri Ferrari đã phải sớm nói lời từ biệt.

Lý do của lá đơn từ chức là sự thất vọng đối với ứng xử yếu kém của Liên minh châu Âu (EU) cũng như sự bất mãn khi không thể thuyết phục các quan chức EU triển khai chương trình nghiên cứu đặc biệt để chống lại đại dịch Covid-19. Được đánh giá là một trong những chuyên gia khoa học hàng đầu thế giới, quyết định của ông Mauri Ferrari có lẽ sẽ càng khiến cho châu Âu thêm khó khăn, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Mối duyên chẳng tày gang

Hơn 3 tháng trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định lựa chọn Giáo sư, Tiến sĩ Mauri Ferrari vào vị trí Chủ tịch Hội đồng khoa học châu Âu nhờ những thành tựu nổi bật trong sự nghiệp. Rất nhiều kỳ vọng đã được đặt vào nhà khoa học người Mỹ gốc Italy, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về công nghệ nano áp dụng trong chữa bệnh ung thư và tiểu đường. Thế nhưng chỉ sau 3 tháng, ông Mauri Ferrari đã đưa ra một quyết định chóng vánh: xin từ chức giữa lúc châu Âu đang vật lộn trong cơn khủng hoảng Covid-19. Không phải là quay lưng với thảm kịch, ông Mauri chia sẻ, rằng ông đã rất cố gắng để thuyết phục các quan chức EU thiết lập và triển khai gấp rút một chương trình nghiên cứu đặc biệt nhằm nhanh chóng chặn đà phát triển của đại dịch Covid-19, nhưng không thành.

Mauri Ferrari - Cựu Chủ tịch Hội đồng Khoa học châu Âu. Ảnh: SCMP

Mauri Ferrari - Cựu Chủ tịch Hội đồng Khoa học châu Âu. Ảnh: SCMP

Trong tuyên bố giận dữ, ông Mauri Ferrari còn cho biết, “đề xuất đã bị cơ quan chủ quản từ chối ngay cả khi chưa xem xét tới hình thù chứ chưa nói tới nội dung như thế nào”, và rằng, ông “đã nhận thức rõ những vấn đề tồn tại trong quản trị khoa học cũng như chính trị của Liên minh châu Âu”. Bởi thế, thay vì dự định phục vụ cho châu Âu trong khoảng 4 nhiệm kỳ, thì cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến nhà khoa học Mauri Ferrari thay đổi hoàn toàn quan điểm.

Trước quyết định này của ông Mauri Ferrari, các thành viên của Hội đồng khoa học châu Âu đã nhanh chóng có những phản ứng. Trái ngược với tuyên bố của cựu Chủ tịch, các nhà khoa học cho biết, trong 3 tháng đảm nhận cương vị, ông Ferrari đã không có nhiều thể hiện tốt, thiếu đánh giá và hỗ trợ tích cực cho các nhà khoa học của khối. Bên cạnh đó, các thành viên cũng cho rằng, ông Ferrari đã triển khai một số sáng kiến riêng mà không tham khảo ý kiến tập thể. Bất chấp trong hợp đồng, ông Ferrari với vai trò Chủ tịch Hội đồng khoa học châu Âu được phép sử dụng 20% thời gian để theo đuổi các hoạt động và ý tưởng của riêng mình. Cụ thể, ông Ferrari bị cho là đã tham gia quá nhiều hoạt động với các doanh nghiệp bên ngoài, các đơn vị học thuật, các công ty thương mại..., khiến ông không dành đủ thời gian và công sức cho Hội đồng khoa học như cam kết. Thậm chí có ý kiến cho rằng, ông Ferrari đang mang một tinh thần kinh doanh của nước Mỹ về với Hội đồng Khoa học châu Âu.

Chưa hết, Hội đồng khoa học châu Âu gồm những ngôi sao khoa học như Ben Feringa - người từng đoạt giải Nobel hay Janet Thornton - Giám đốc Phòng thí nghiệm sinh học phân tử châu Âu, cũng cho biết đã sớm nhận ra rằng, ông Ferrari sẽ khó hợp tác với các thành viên trong hội đồng. Một số ý kiến khác thì bình luận, là một nhà khoa học Mỹ gốc Italy, khi quay trở lại châu Âu, ông Ferrari có thể muốn làm một điều gì đó thật ấn tượng. Thế nhưng, bản thân Hội đồng Khoa học châu Âu lại đang vận hành theo những đường hướng thống nhất từ trên xuống trong nhiều năm qua, khó có thể ngay lập tức “phá rào” để thực hiện các ý tưởng mới. Đó cũng có thể là lý do đẩy mâu thuẫn giữa các bên lên cao.

Ông Mauri Ferrari và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP, Getty

Cao trào Covid-19 và lời từ biệt

Có lẽ, những bất đồng và mâu thuẫn âm ỉ trong Hội đồng Khoa học châu Âu đã bùng phát khi ông Ferrari đề xuất ý tưởng để xử lý đại dịch Covid-19. Giáo sư James Wilsdon thuộc Đại học Sheffield bình luận, lối suy nghĩ của ông Ferrari mang tính quy mô lớn và hoành tráng. Và rằng, dường như ông Ferrari đã hiểu sai về cấu trúc cũng như hoạt động tài trợ nghiên cứu của Liên minh châu Âu (EU) cũng như vai trò của Hội đồng Khoa học châu Âu (ERC). Một số ý kiến khác thì cho rằng, ông Ferrari đang muốn biến ERC thành một cơ quan hành động như Viện Y tế quốc gia (NIH) của Mỹ để hành động trong cuộc chiến chống Covid-19. Thế nhưng theo các chuyên gia, ông Ferrari lại không hiểu rằng, không chỉ châu Âu mà cả toàn cầu đều đang đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế sức khỏe nghiêm trọng, kéo theo cuộc khủng hoảng về kinh tế và phát triển. Vì thế, công việc của Hội đồng Khoa học châu Âu là sáng tạo, độc lập chứ không phải là kêu gọi ngân sách cho một kế hoạch hoành tráng và vĩ mô.

Nhưng ngược lại, theo những quan điểm ủng hộ, với tư duy của một nhà khoa học hiện đại, ông Ferrari có thể cũng có nhiều lý do để quyết tâm thực hiện các dự án quy mô lớn của mình. Bởi nhìn lại, ông Ferrari đã gây dựng được một sự nghiệp khoa học khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Khi còn ở Mỹ, ông là nhà khoa học gốc Italy duy nhất được chính phủ Mỹ lựa chọn để tham gia đội ngũ tìm giải pháp chiến đấu với bệnh ung thư.

Châu Âu đang vật lộn với đại dịch Covid-19. Ảnh: Brink News

Sinh năm 1959 tại Italy, ông Ferrari tốt nghiệp ngành Toán ở quê nhà năm 1985. Sau đó, ông xuất sắc giành học bổng và theo học tại Đại học California tại Berkeley, Mỹ; lấy bằng Thạc sĩ tại đây năm 1987. Sự nghiệp học tập, nghiên cứu chưa dừng lại khi ông nhận bằng Tiến sĩ ngành Kỹ thuật cơ khí năm 1989 và sau đó trở về Italy để hoàn thành vai trò của một nhà nghiên cứu. Nhưng chỉ 2 năm sau, Đại học California đã mời ông về làm trợ lý (1990 - 1995) và sau đó là Phó Giáo sư (1969 - 1999). Giai đoạn những năm 2000 - 2006, ông Ferrari khi đó đã nhận hàm Giáo sư chuyển công tác sang Đại học Ohio State. Cùng giai đoạn này, ông là Cố vấn đặc biệt tại Viện Ung thư Quốc gia Mỹ ở Bethesda (giai đoạn 2003 -2005). Tại đây, ông đã chỉ đạo khởi động chương trình phát triển công nghệ nano áp dụng chữa bệnh ung thư ở Mỹ. Trong những năm 2006-2009, ông tham gia nhiều chương trình, đảm nhận nhiều cương vị khác nhau ở Đại học Texas. Trong suốt thời gian hoạt động khoa học, ông đã xuất bản 230 bài nghiên cứu, 7 cuốn sách, hơn 30 bằng sáng chế được cấp bởi Mỹ và quốc tế. Trước khi nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Khoa học châu Âu, từ năm 2010, ông Ferrari giữ chức Chủ tịch Viện Nghiên cứu Methodist Houston, Texas.

Được đánh giá là có năng lượng nghiên cứu khoa học dồi dào, tràn đầy ý tưởng và không thiếu tham vọng, thế nhưng có lẽ những dấu ấn cá nhân của ông Ferrari lại chưa thể phát huy hiệu quả tại quê nhà châu Âu. Brussels trong lời tạm biệt đã bày tỏ lòng biết ơn với cá nhân ông Ferrari và chúc cựu Chủ tịch Hội đồng Khoa học sẽ có những bước phát triển mới cho tương lai. Hiện Ủy ban châu Âu cũng đang nhanh chóng tìm kiếm người thay thế, dự kiến là 1 trong 3 Phó Chủ tịch hiện nay. Về phần mình, theo thông báo mới nhất, ông Ferrari đã trở về Mỹ để hỗ trợ chính phủ chống đại dịch Covid-19. Chẳng thể khẳng định ai đúng - ai sai, nhưng có lẽ, 3 tháng “về quê” của ông Ferrari và mối duyên ngắn hạn với EU đã giúp nhà khoa học nhận ra đâu là nơi phù hợp nhất để ông có thể cống hiến và gắn bó lâu dài!./.

Phương Hoa

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/cuu-chu-tich-erc-mauri-ferrari-nha-khoa-hoc-tai-nang-khong-hop-dat-chau-au-265555.html