Cựu Chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc vì sao thoát tù?

Ông Lưu Sĩ Dư, cựu Chủ tịch Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) dù nhận tiền-quà nhưng không bị xử án tù và không bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC).

Ông Lưu Sỹ Dư khi còn là Chủ tịch CSRC - Ảnh: Reuters

Ông Lưu Sỹ Dư khi còn là Chủ tịch CSRC - Ảnh: Reuters

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 21.10, việc được xử khoan hồng này là nhờ ông Lưu đã thề trung thành với ông Tập Cận Bình.

Thông điệp nào được phát đi?

James Zimmerman, một đối tác ở nhánh Bắc Kinh của Công ty luật quốc tế Perkins Coie và là cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc, nói vụ ông Lưu có thể phát thông điệp sai đến các thị trường tài chính và giới doanh nghiệp: “Nó không chỉ khuyến khích người ta nhận tội để được khoan hồng, mà còn cho thấy sự ngoan ngoãn quy phục lãnh đạo chính trị có thể đem lại lợi thế. Quyết định được đưa ra trong vụ này phản ánh sự suy mòn của luật pháp, nơi mà lẽ ra công lý phải được thể hiện nghiêm minh, bất chấp sự giàu có, quyền thế hoặc nhờ có tham gia chính trị”.

Theo SCMP dẫnlời ông Zimmerman, là vì hồi tháng 10.2017, ông Lưu đã thề trung thành với ông Tập, và khi các đại biểu quốc hội Trung Quốc nhất trí sửa Hiến pháp để hủy bỏ thời hạn nhiệm kỳ của chức danh Chủ tịch nước (điều cho phép ông Tập có thể làm lãnh đạo Trung Quốc vĩnh viễn), ông Lưu đã ca ngợi việc ông Tập “cứu đảng” bằng cách bắt giữ một nhóm đảng viên cấp cao âm mưu tiếm quyền lực của đảng và nhà nước.

Tờ báo Hồng Kông nói trên cũng nêu theo tuyên bố của CCDI, vài “sai phạm” của ông Lưu xảy ra sau đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012, thời điểm ông Tập khởi xướng cuộc chống tham nhũng “đả hổ đập ruồi” và các đảng viên đã được cảnh báo phải chỉnh đốn tác phong và đạo đức.

Đối với người ngoài thì ông Lưu tỏ ra là một đảng viên trong sáng thanh liêm, nhất mực bảo vệ lý tưởng của CPC. Cũng vào năm 2017, vào lúc Bắc Kinh thúc đẩy lập các đảng bộ ở các công ty tư nhân, vị cán bộ ngân hàng và quản lý tài chính này nói các công ty tư nhân có kết quả tài chính tốt nhất đều là các đơn vị chú trọng xây dựng đảng bộ, và “những cá nhân phá hoại công ty của họ lại thường là những kẻ không chú trọng xây dựng đảng bộ”.

...Là một cán bộ quyết tâm xử lý “bọn cá sấu tài chính”

Ông Lưu, 58 tuổi, từng là Phó thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng trung ương) và là Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc trước khi làm chủ tịch CSRC (từ tháng 2.2016 đến năm 2018).

Trước khi bị điều tra tham nhũng hồi tháng 5.2019, ông Lưu thường xuyên là nhân vật được đưa lên trang nhất các báo nhà nước, từ những phát ngôn đình đám để gọi các nhà tài chính và người mua tài sản ở Trung Quốc là “bọn độc hại, quái vật hiểm ác”, và từ việc ông truy lùng “bọn dã man, quỷ dữ hoặc là bọn cá sấu tài chính bỏ túi hàng tỉ khi lũng đoạn thị trường chứng khoán Trung Quốc”.

Trong thời gian nắm quyền, ông Lưu lúc cố gắng ổn định thị trường chứng khoán vốn bất ổn của Trung Quốc, thông qua việc xét kỹ các công ty niêm yết và xử phạt tài chính đến mức cao kỷ lục “để trị những sai phạm” ở thị trường này.

Nhưng đến đầu tháng 10, ông Lưu lại là đề tài nóng của giới truyền thông Trung Quốc khi sau 5 tháng im lặng, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) kết thúc cuộc điều tra, không buộc tội hình sự đối với ông và chỉ tuyên một mức kỷ luật nhẹ nhàng.

Tuyên bố của CCDI cho biết ông Lưu không thực hiện quy định của một đảng viên, có những tuyên bố công khai “không thích hợp” và thiếu “cảnh giác chính trị cũng như ý thức về các quy định giữ bí mật nhà nước”.

Ông Lưu cũng lợi dụng chức quyền để tư lợi cá nhân, vi phạm các quy định khi kiếm việc làm ở hệ thống tài chính cho một số người, hoặc ông đã nhận quà tặng để người thân của người tặng được tạo điều kiện mua nhà dễ dàng.

Trước khi đầu thú với CCDI hồi tháng 5.2019, ông Lưu đã phải thôi làm Chủ tịch CSRC từ đầu năm 2019, để nhận một chức vụ cấp thấp hơn, là chức Phó bí thư đảng ủy và Chủ tịch Liên đoàn Hợp tác xã cung ứng và tiếp thị toàn Trung Quốc (ACFSMC), một tổ chức thuộc mô hình kinh tế kế hoạch của Trung Quốc, có vai trò điều phối sản xuất - phân phối các mặt hàng nông sản của 30.000 hợp tác xã nông nghiệp Trung Quốc.

Không khai trừ đảng để khuyến khích nhận tội, hưởng sự khoan hồng

Tuyên bố của CCDI viết các “sai phạm” của ông Lưu là “vi phạm nghiêm trọng các quy định chức vụ”, nhưng vì ông hợp tác với cuộc điều tra bằng cách “chủ động đầu thú” với chính quyền và “có thái độ tốt khi thú nhận sai phạm”, nên ông được tha.

Mức kỷ luật dành cho ông là bị giáng cấp, bị tước vai trò đại biểu dự Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc hồi năm 2017, tài sản bất chính của ông bị thu hồi.

Tuyên bố không nêu ông Lưu phạm tội hình sự, có nghĩa ông sẽ không bị xử án, không bị kết án tù, và không bị khai trừ đảng. Ông chỉ bị CPC thử thách hai năm, điều cho phép ông vẫn là đảng viên.

Như vậy là khác hẳn với nhiều cán bộ cấp cao bị bắt và bị kết án phạm tội hình sự cùng bị khai trừ đảng, trong cuộc chống tham nhũng “đả hổ đập ruồi” của ông Tập.

Các cán bộ cấp cao khác ra đầu thú trong hai năm qua thì không may mắn như ông Lưu. Tần Quang Vinh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam đầu thú hồi tháng 5, đã bị khai trừ đảng hồi tháng 9 và sẽ bị xét xử tội tham nhũng.

Ngãi Văn Lễ, từng giữ chức Phó chủ tịch Chính hiệp tỉnh Hà Bắc, đầu thú hồi tháng 7.2018, đã bị kết án 8 năm tù hồi tháng 4.2019.

Nhưng tuyên bố chính thức về các vụ tham nhũng của hai ông này thì nghiêm khắc hơn so với tuyên bố về vụ ông Lưu, đều nêu hai ông này bị nghi “vi phạm nghiêm trọng luật hình sự”, một nội dung có nghĩa là họ đã nhận hối lộ lớn.

Ông Trang Đức Thủy, Phó chủ nhiệm Trung tâm Chính phủ minh bạch thuộc Đại học Bắc Kinh, nói tuyên bố về vụ ông Lưu không nói rõ ông đã phạm tội hình sự (điều có nghĩa ông có thể bị kết án tù) và CPC có thể dùng vụ Lưu để khuyến khích cán bộ tham nhũng ra đầu thú và hợp tác với cơ quan điều tra.

Ông Trang nói: “Việc này vừa gây ngạc nhiên nhưng cũng không gây bất ngờ. Cơ quan chống tham nhũng cố gắng không bỏ tù tất cả các cán bộ có vấn đề, mà còn tùy thuộc bản chất vụ việc của họ và mức độ họ hợp tác. Nó có thể trở thành một ví dụ cho việc nhận tội để được khoan hồng”.

Các nhà quan sát nói đó là một ngoại lệ không thể thuyết phục được nhân dân Trung Quốc.

Giáo sư luật Tần Tiền Hồng của Đại học Vũ Hán nói vì NSC cung cấp không nhiều thông tin về vụ ông Lưu, nên không thể biết cấp độ tham nhũng của ông ta: “Chúng tôi không biết số tiền hoặc giá trị món quà mà ông ấy đã nhận, và chúng tôi không thể kết luận liệu ông ấy có phạm tội hình sự hay không. Người dân cũng không có cách nào để biết liệu ngôn từ trong tuyên bố chính thức là chính xác hay không”.

Giáo sư Tần nói nếu tuyên bố này chính xác thì theo luật hiện hành, NSC có đủ quyền lực để khép lại vụ án mà không kể tội danh, nhưng việc không buộc tội ông Lưu “sẽ đi ngược với luật pháp và không đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, nếu như thực sự ông ấy đã nhận một số tiền lớn và phạm luật hình sự”.

Sư tử đá gần cổng vào trụ sở CSRC - Ảnh: Reuters

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/cuu-chu-tich-uy-ban-dieu-tiet-chung-khoan-trung-quoc-vi-sao-thoat-tu-123893.html