Cựu Chủ tịch VEAM Trần Ngọc Hà phủ nhận gây thiệt hại 142 tỷ

VKS xác định ông Trần Ngọc Hà có nhiều sai phạm. Tuy nhiên, bị cáo phủ nhận toàn bộ cáo buộc và cho rằng mình đã làm tròn trách nhiệm tại VEAM.

Ngày 18/5, ông Trần Ngọc Hà (58 tuổi, cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM) cùng 16 bị cáo khác hầu tòa sơ thẩm trong vụ án gây thiệt hại hơn 300 tỷ đồng. Phiên tòa dự kiến kéo dài từ nay đến 25/5.

Ông Hà, Lâm Chí Quang (cựu Tổng giám đốc VEAM) cùng 14 người bị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Ông Nguyễn Văn Khôi (cựu Trưởng ban Kiểm soát VEAM) bị xét xử tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Khai tại tòa vào chiều 18/5, ông Trần Ngọc Hà phủ nhận toàn bộ cáo buộc trên và cho rằng bị cáo đã làm tròn trách nhiệm của một Chủ tịch HĐTV VEAM.

Khâu nào sai phạm, bộ phận đó chịu trách nhiệm

VKS xác định giai đoạn 2011-2013, Vũ Từ Công (kế toán trưởng) đã tham mưu để ông Lâm Chí Quang ký 4 chứng thư bảo lãnh thanh toán cho Vetranco (công ty trực thuộc VEAM) vay 193 tỷ đồng tại 3 ngân hàng. Đến hạn thanh toán, Vetranco không trả được nợ nên VEAM bị các nhà băng cưỡng thu tiền. Việc này khiến VEAM thiệt hại gần 76 tỷ.

Thời điểm trên, ông Hà giữ chức Chủ tịch HĐTV VEAM nên bị buộc phải biết việc bảo lãnh thanh toán cho Vetranco của cấp dưới là vi phạm quy định. Song, ông Hà vẫn tạo điều kiện cho ông Quang và Vũ Từ Công thực hiện việc bảo lãnh, cho vay trái quy định.

Cựu Chủ tịch VEAM Trần Ngọc Hà. Ảnh: H.L.

Ông Hà trình bày VEAM cổ phần hóa từ năm 2017 và Nhà nước nắm giữ 88,47% phần vốn do Bộ Công thương làm đại diện. Doanh nghiệp này có 2 hoạt động chính là đầu tư và sản xuất kinh doanh. Trong đó, Chủ tịch HĐTV quản lý các hoạt động đầu tư. Còn tổng giám đốc chịu trách nhiệm đối với việc bảo lãnh cho vay như trên mà không cần báo cáo HĐTV.

Theo bị cáo, khi HĐTV biết hoạt động bảo lãnh trái quy định của ông Quang và cấp dưới vào ngày 11/9/2013, ông Hà đã yêu cầu ngăn chặn ngay những phát sinh do việc bảo lãnh vay gây ra. Từ đó, ông Hà cho rằng cáo trạng quy kết bị cáo buộc phải biết những sai phạm vốn thuộc thẩm quyền của tổng giám đốc là không phù hợp.

“Bảo lãnh cho vay gần 193 tỷ đồng kéo dài gần 2 năm, vì sao bị cáo không biết?”. Trả lời chủ tọa, cựu Chủ tịch VEAM trần tình ông thường xuyên rà soát các hoạt động của doanh nghiệp nhưng trên cơ sở thông tin từ báo cáo của ban điều hành. Còn nghiệp vụ cho vay rất đặc biệt nên không thể hiện trên sổ sách.

Quá trình xét hỏi, ông Trần Ngọc Hà phủ nhận cáo buộc và chỉ nhận trách nhiệm về hành chính. Bị cáo cho rằng HĐTV có trách nhiệm với kế hoạch tổng thể, bảo toàn và phát triển vốn. Còn từng sự việc, lĩnh vực cụ thể nếu có sai phạm ở khâu nào thì bộ phận đó chịu trách nhiệm.

Bị cáo liên tiếp bác cáo trạng

Ngoài phủ nhận những hành vi trên, ông Trần Ngọc Hà còn nói rằng bị cáo không gây thiệt hại hơn 56 tỷ đồng khi tham gia đầu tư sản xuất sản phẩm máy kéo 4 bánh hạng trung với Công ty ISEKI (Nhật Bản).

Ông Hà khai quá trình thực hiện hợp tác với phía ISEKI, bị cáo đã làm đúng quy định nên không có sai phạm. Theo ông Hà, hàng năm HĐTV VEAM ban hành kế hoạch sản xuất kinh doanh, doanh thu, xuất khẩu sản phẩm và thể hiện ở các con số. Sau đó, tổng giám đốc là người chủ động thực hiện những bước tiếp theo.

Phiên tòa xét xử 17 bị cáo dự kiến diễn ra một tuần. Ảnh: H.L.

Ngoài các cáo buộc trên, VKS còn xác định năm 2015, ông Trần Ngọc Hà với chức danh Tổng giám đốc VEAM đã tự ý quyết định hợp tác với Công ty T-King (Trung Quốc) về kế hoạch phát triển ôtô tay lái bên phải để xuất khẩu sang Srilanka.

Sau đó, ông Hà cho đối tác tạm ứng 400.000 USD mà không được HĐTV VEAM phê duyệt. Hành vi này gây thiệt hại cho VEAM gần 10 tỷ đồng.

Tiếp tục phản đối cáo buộc trên, ông Hà cho rằng trong 30 năm hoạt động, HĐTV chưa ban hành nghị quyết nào để quyết định phải sản xuất sản phẩm cụ thể. Trong khi đó, tổng công ty mới là bộ phận phát triển hàng trăm sản phẩm mới, công việc này không thuộc thẩm quyền của HĐTV nên cáo buộc mang tính áp đặt.

Đề cập khoản tiền gần 10 tỷ đồng được cho là tạm ứng, ông Hà cho rằng đây là tiền đặt cọc đối với một thỏa thuận thương mại, không phải chi phí đầu tư nên sẽ không bị mất mát.

“Tôi là người năng động, đam mê công việc nên thấy có lợi thì làm. Kể cả thế hệ tiếp theo không làm những việc như thế thì nhà máy không tồn tại”, ông Trần Ngọc Hà giãi bày.

Ngày mai (19/5), phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn.

Hoàng Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuu-chu-tich-veam-tran-ngoc-ha-phu-nhan-gay-thiet-hai-142-ty-post1318143.html