Cựu chuyên gia Samsung: Việt Nam cần thêm nhiều Vingroup, FPT...

Theo ông Gibs Song, cựu Giám đốc Học viện công nghệ cao cấp Samsung tại Mỹ, những nhân tố như Vingroup sẽ là nam châm hút nhân tài người Việt đang xa quê trở về, giống như Samsung, Huyndai... ở Hàn Quốc.

Ấn tượng, kỷ lục, nhanh nhất thế giới... là những từ ngữ được các chuyên gia sử dụng để mô tả sự thay đổi của bức tranh kinh tế Việt Nam những năm qua khi tăng trưởng tới 7,08% trong năm 2018. Dù có phần chững lại trong nửa đầu năm nay nhưng kinh tế Việt Nam vẫn được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá là tích cực và đầy tiềm năng.

So với các nước lân cận, Việt Nam đang đi rất nhanh và đang kể một câu chuyện hấp dẫn nhất nhì trong khu vực. Nhưng so với thế giới, Việt Nam đang ở đâu, tiềm năng cần được khai phá ra sao, làm thế nào để trở thành một nước công nghiệp hóa - hiện đại hóa như mục tiêu được đặt ra bao năm nay và liệu cộng đồng startup đang nổi lên sẽ đóng vai trò gì trong mục tiêu đó là những câu hỏi không dễ trả lời.

Ông Gibs Song, đối tác đầu tư của chương trình tăng tốc khởi nghiệp Vietnam Silicon Valley, đã trao đổi sâu hơn với TheLEADER về những vấn đề này. Ông là nhà sáng lập, đầu tư và cố vấn cho gần 20 startup ở Mỹ, Hàn Quốc, Việt Nam và Argentina và từng là Giám đốc Học viện công nghệ cao cấp Samsung tại Mỹ.

Ông Gibs Song, đối tác đầu tư của chương trình tăng tốc khởi nghiệp Vietnam Silicon Valley (VSV). Ảnh: readme.lk

Ông Gibs Song, đối tác đầu tư của chương trình tăng tốc khởi nghiệp Vietnam Silicon Valley (VSV). Ảnh: readme.lk

Tại sao ông lại từ bỏ một công việc bao người mơ ước ở Samsung?

Ông Gibs Song: Tôi yêu thích những thử thách mới, tôi không thể chịu nổi việc phải ngồi mãi một chỗ từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác dù Samsung Electronics trả cho tôi rất nhiều tiền.

Tôi làm việc cho Samsung một thời gian khá dài vì thời điểm đó tôi vẫn còn phải nuôi con nhỏ. Tôi cần tiền, một nguồn thu nhập ổn định, nhưng khi chúng lớn lên và trưởng thành, tôi như một người đàn ông tự do. Tôi sống khá thoải mái ở Mỹ nhờ có tiền bạc, năng lực, khả năng tiếng Anh. Nhưng cuộc sống như vậy thật dễ dàng, không hề có thử thách, mỗi ngày cứ trôi qua mà không có gì mới mẻ.

Tại sao ông lại chọn Việt Nam mà không phải một nơi nào khác sau khi rời Mỹ?

Ông Gibs Song: Tôi muốn đến một nơi không có mấy ai nói tiếng Anh và tiếng Hàn. Việc giao tiếp với những người không dùng chung ngôn ngữ chắc chắn là một thử thách lớn. Đầu tiên, tôi nghĩ đến các nước ở khu vực Nam Mỹ như Chile, Argentina, Brazil, nhưng nơi đó cách quá xa Hàn Quốc nên tôi sẽ không thể về thăm quê thường xuyên.

Tôi quyết định nghỉ việc và dành thời gian đến tìm hiểu hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á đầy tiềm năng. Cuối cùng, tôi đã chọn dừng chân ở Việt Nam vì người dân ở đây làm việc rất chăm chỉ, sự nghiệp giáo dục con cái cũng rất được coi trọng.

Tôi ngạc nhiên vì có những cặp vợ chồng kiếm được 1.500 USD mỗi tháng vẫn sẵn sàng giành 1/3 hoặc thậm chí là 2/3 để đầu tư cho con cái. Điều này rất giống với Hàn Quốc 20 năm trước, dù còn rất nghèo nhưng hết sức chú trọng vào sự nghiệp giáo dục lớp trẻ.

Sau 20 năm nữa, Việt Nam sẽ có một nguồn lao động chất lượng, được đào tạo bài bản. Việt Nam là một đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên, dân số rất đông và trẻ với độ tuổi trung bình hiện nay là 31 nên có tiềm năng rất lớn. Tôi muốn sống và làm việc ở một nơi đang phát triển nhanh như Việt Nam.

Những yếu tố sẵn có nào sẽ giúp Việt Nam phát triển như Hàn Quốc trong 20 năm qua?

Ông Gibs Song: Việt Nam và Hàn Quốc cũng có nhiều điểm chung trong văn hóa, đặc biệt là tinh thần làm việc rất cao. Hàn Quốc có nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản.

Một điều tôi muốn nhấn mạnh là Hàn Quốc sẽ không thể phát triển như ngày hôm nay nếu không có những người từng sống và làm việc ở nước ngoài quay về quê hương. Sau một đến hai thập kỷ học tập và làm việc, thế hệ người Hàn đầu tiên tìm đến đất Mỹ vào những năm 1950 đều trở về quê hương và đóng góp rất lớn cho sự phát triển của kinh tế Hàn Quốc.

Việt Nam hiện có rất nhiều du học sinh và kiều bào trên khắp thế giới. Nhiều người trong số họ rất tài năng, đang làm việc trong các tập đoàn công nghệ lớn như Google, IBM, Intel. Nếu nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh và chất lượng sống được nâng cao, chắc chắn họ sẽ dần tìm lại quê hương để góp sức phát triển kinh tế nước nhà.

Có như vậy, Việt Nam mới thực sự trở thành một quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những ứng dụng công nghệ cao như Hàn Quốc. Kiều bào ở nước ngoài đang dần trở về nhưng như vậy là chưa đủ.

Những nhân tố như Vingroup sẽ là nam châm hút nhân tài người Việt đang xa quê trở về, giống như Samsung, Huyndai ở Hàn Quốc. Việt Nam cần có thêm nhiều Vingroup, FPT hay FLC.

Tôi nghĩ rằng 5 năm tới sẽ là một giai đoạn rất quan trọng đối với Việt Nam và Chính phủ sẽ cần phải đẩy mạnh cải cách, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Vậy theo ông Hàn Quốc có gì mà Việt Nam đang thiếu?

Ông Gibs Song: Một điều rất quan trọng là Hàn Quốc dù nằm giữa hai ông lớn là Trung Quốc và Nhật Bản nhưng chúng tôi không sợ phải cạnh tranh với bất kỳ một nước nào, chính xác hơn là chúng tôi thích cạnh tranh.

Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển rất mạnh nhưng thực ra trước đây vẫn xuất phát điểm là một nước nghèo. Vì vậy, thời điểm đó cả Hàn Quốc và Đài Loan đều theo dõi từng đường đi nước bước của Nhật Bản.

Trong khi Đài Loan luôn tránh những thứ Nhật Bản đã làm vì không muốn cạnh tranh với một nền kinh tế quá mạnh thì Hàn Quốc lại theo sát và bắt chước tất cả những gì họ làm. Chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh với một nền kinh tế lớn mạnh như vậy để phát triển. Nhật Bản phát triển thì chúng tôi cũng sẽ nỗ lực để phát triển.

Hãy tưởng tượng, khi bạn cạnh tranh với Nhật Bản, công nghệ của họ đi lên thì công nghệ của bạn cũng sẽ theo sát và dù có đứng sau Nhật Bản thì bạn vẫn sẽ tốt hơn hẳn so với những người còn lại.

Trước đây, khi tất cả mọi thứ ở Hàn Quốc từ ti vi đến điện thoại đều ứng dụng công nghệ analog thì chất lượng là yếu tố quan trọng số 1, phải tốn rất nhiều công sức và thời gian để nghiên cứu ứng dụng công nghệ này. Nhưng đến cuối những năm 1990, công nghệ số ra đời đã làm thay đổi mọi thứ.

Khi chuyển đổi từ analog sang công nghệ số, bên cạnh chất lượng thì tốc độ trở thành một yếu tố rất quan trọng hàng đầu, tốc độ quyết định người chiến thắng. Người Hàn bắt kịp Nhật Bản với sự nổi lên của những tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, họ thậm chí kiếm được nhiều tiền hơn cả đối thủ Nhật Bản.

Những đối thủ Nhật Bản nằm ngay cạnh là một động lực rất lớn khiến người Hàn giữ vững tinh thần cạnh tranh. Hãy tưởng tượng, nếu Nhật Bản đứng ở trên cao thì Hàn Quốc cũng chỉ ngay dưới. Chúng tôi luôn làm việc chăm chỉ và được khuyến khích, thúc đẩy để bắt kịp Nhật Bản.

Nhưng Việt Nam lại đang tự so sánh mình với các nền kinh tế kém hơn trong khu vực mà không phải là các nước đang phát triển mạnh. Các bạn cần nhìn lên, đặt mục tiêu thật cao, đừng tự thỏa mãn với những thành tích mình đang có, đừng ngủ quên trong chiến thắng. Thậm chí phải đặt mục tiêu vượt lên cả Trung Quốc. Tôi biết là vượt lên Trung Quốc thì khó nhưng ít nhất phải hơn Thái Lan, Malaysia.

Tôi nghĩ Trung Quốc là một nước rất rộng lớn và ở một phạm trù khác, việc so sánh đôi khi khập khiễng. Việt Nam cần phải có một hình mẫu thật tốt và theo gợi ý của tôi, Hàn Quốc là một lựa chọn phù hợp.

Trong bối cảnh đó, vai trò và tiềm năng của các startup là gì, thưa ông?

Ông Gibs Song: Hiện nay, hầu hết startup ở Việt Nam đều hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt có nhiều startup trong mảng thương mại điện tử như Zalo, Tiki, Lazada. Những mô hình này sẽ rất tốt trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt nhưng tôi muốn chứng kiến nhiều startup hơn hình thành trong lĩnh vực công nghệ. Họ mới là những người tạo nên sự đột phá.

Rất khó để có các startup công nghệ nếu không có công nghiệp chế biến, chế tạo. Việt Nam có nhiều nơi đang sản xuất đồ điện tử nhưng lại đang ở dạng gia công, lắp ráp.

Dù vậy, Việt Nam đã có VinFast, hãng sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt đầu tiên. Dù phải mua công nghệ nước ngoài nhưng dần dần, họ sẽ giới thiệu nhiều công nghệ được sản xuất trong nước. Lúc này, các startup công nghệ cần đóng vai trò quan trọng trong việc lấp đầy khoảng trống này, vì khi VinFast lớn lên và trở thành đối thủ của họ thì các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ ngần ngại, sợ hãi không còn muốn chia sẻ công nghệ.

VinFast cần công nghệ của người Việt. Các startup công nghệ ở Việt Nam hiện có thể chưa có khách hàng, nhưng những thương hiệu của người Việt như VinFast, Vinsmart, FPT… sẽ cần các nhà cung ứng từ các startup này trong tương lai.

Vậy theo ông điểm yếu của các startup Việt hiện nay là gì?

Ông Gibs Song: Startup khác hẳn doanh nghiệp nhỏ. Startup hay khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một định nghĩa rất đặc biệt, là bạn chấp nhận rủi ro lớn, đầu tư rất nhiều tiền ở giai đoạn đầu nhằm thu về lợi nhuận rất cao trong tương lai. Các doanh nghiệp nhỏ đơn giản chỉ là hoạt động kinh doanh với quy mô nhỏ, không có sự mạo hiểm và đột phá, không thể tạo sự thay đổi lớn.

Thế nhưng ở Việt Nam, rất nhiều người lại hiểu sai thuật ngữ này. Nhiều người mở một nhà hàng cũng cho mình là startup, cứ bắt đầu kinh doanh, tự bỏ tiền đầu tư và sở hữu thì đều là startup.

Startup là một mô hình có thể tăng trưởng thần tốc và nhiều người Việt sợ hãi, không dám chấp nhận rủi ro, không dám đầu tư, họ chỉ chăm chăm nghĩ đến việc làm sao kiếm được nhiều doanh thu, tạo được lợi nhuận cao trong thời gian ngắn, họ giữ trong mình một tư duy của những người kinh doanh quy mô nhỏ.

Điều cần thay đổi là tư duy, chúng ta cần nhiều hơn những người có tư duy của những startup thực thụ.

Để đầu tư rất nhiều tiền ở giai đoạn đầu, startup thường sẽ không có đủ tiền để tự trang trải và họ cần đến các nhà đầu tư. Thế nhưng ở Việt Nam, cộng đồng những nhà đầu tư ở giai đoạn đầu (early stage - sau khi startup đã có ý tưởng) còn khá yếu. Như vậy, đó không phải là vấn đề của startup mà là vấn đề của hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.

Chúng ta cần nhiều hơn các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư ở giai đoạn đầu như Vietnam Silicon Valley. Bên cạnh đó, phải hiểu rằng có tới 90% startup thất bại vì rủi ro cao, các bạn cần chuẩn bị tinh thần để có thể tăng tốc, không sợ thất bại. Nếu bạn nỗ lực mà thất bại thì các nhà đầu tư sẽ cho bạn cơ hội thứ hai, thứ ba khi hệ sinh thái phát triển hơn.

Tiêu chí quan trọng nào một startup cần có để ông sẵn sàng chấp nhận đầu tư?

Ông Gibs Song: Tôi thường chú trọng nhiều vào đội ngũ, con người. Vì là người nước ngoài nên tôi rất muốn làm việc với những startup có nhà sáng lập có khả năng tiếng Anh tốt để có thể trao đổi, giao tiếp.

Một yếu tố quan trọng để startup phát triển là đội ngũ, lúc này, người sáng lập cần là một người đáng tin cậy để những người khác sẵn sàng tham gia và đồng hành. Người sáng lập mà cao ngạo thì khó chiêu mộ nhân tài.

Xin cảm ơn ông!

Đặng Hoa

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cuu-chuyen-gia-samsung-viet-nam-can-them-nhieu-vingroup-fpt-1564969102814.htm