Cựu Đại sứ Mỹ nói gì về chính trường Nga?

Những bí mật được cựu đại sứ Hoa Kỳ tiết lộ trong cuốn hồi ký mới của mình 'Từ Chiến tranh Lạnh đến một Thế giới nóng bỏng'.

Michael McFaul Ảnh: Denis Vyshinsky / TASS

Giáo sư của trường đại học Stanford nổi tiếng Hoa Kỳ Michael McFaul vừa cho xuất bản cuốn hồi ký "Từ Chiến tranh Lạnh đến thế giới nóng bỏng: làm Đại sứ Hoa Kỳ tại nước Nga thời Putin".

Chúng ta còn nhớ, giai đoạn 2009-2014, Michael McFaul giữ cương vị giám đốc phụ trách khu vực Nga và Á-Âu của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, và từ 2012-2014 ông là Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên bang Nga.

McFaul đến Liên Xô lần đầu tiên vào năm 1983. Theo ông kể lại, ông đã có dịp sống ở Moscow trong thời kỳ Liên Xô trải qua "những thay đổi mang tính cách mạng" và có sự chia rẽ.

Sự sụp đổ của một đất nước hùng mạnh và to lớn đã mở ra kỷ nguyên nổi lên của Hoa Kỳ. Và trong những năm tháng đó, McFaul đã trở thành nhân vật quan trọng ở Mỹ, với tư cách là một chuyên gia có uy tín nhất về nước Nga.

"Liên Xô sụp đổ và với sự hình thành Liên bang Nga, những người bạn của tôi đã giành thắng lợi"- Vị cựu đại sứ Hoa Kỳ hồi tưởng. Sau đó, ông ta còn tự hào là trong những năm 90, ông ta đã làm việc để tạo ra "các thể chế dân chủ" ở nước Nga.

Rõ ràng, ông ta đã chứng kiến phía tối của bức tranh về đường lối lãnh đạo của ông Yeltsin. Thời gian này được McFaul mô tả như là những năm tháng nhiệm mầu của mình (Annus mirabilis - dịch từ tiếng Latinh).

Sau năm 1991, các "chàng trai giỏi giang đã tập hợp xung quanh Boris Yeltsin- người muốn liên minh với phương Tây" - McFaul đã viết và giải thích rằng nước Mỹ đã phải đi một chặng đường dài để đạt được mục tiêu này.

"Sự khởi động lại của Obama và chiến lược của các nước phương Tây muốn hội nhập với Nga đã bắt đầu từ ba mươi năm trước, khi Ronald Reagan lên nắm quyền."

Tuy nhiên, tại cuộc bầu cử tại Nga năm 1995, "những người bạn tốt" của McFaul đã làm việc kém cỏi hơn là gây sốc cho ông ta.

Trong 450 ghế của Duma Quốc gia Nga, phe Cộng sản nắm 157 ghế, các nhà dân túy thuộc Đảng Tự do Dân chủ Nga chiếm 51 ghế, Đảng của Yeltsin – 55 ghế, còn Đảng tự do "Quả táo" chiếm 45 ghế.

Sau khi Nghị viện Nga hình thành không theo ý muốn, vị giáo sư Đại học Stanford đã phải đi vòng. Kịch bản tốt nhất mà McFaul phải theo đuổi một cách vất vả là làm sao để đưa Nemtsov lên làm người kế nhiệm Yeltsin.

Đối với Hoa Kỳ, đây là một nhiệm vụ tối thượng và là phương án lý tưởng, rốt cuộc sẽ dẫn Nga đi đến chỗ chia rẽ.

Bước đầu tiên theo hướng này được thực hiện vào năm 1997, khi Nemtsov, một nhân vật có sức lôi cuốn được đề bạt lên chức Phó Thủ tướng Liên bang Nga.

Nhưng vào năm 1999, Lầu Năm Góc bắt đầu đánh bom Serbia, và Nemtsov đã lộ rõ thực chất là một người được Mỹ bảo trợ, khi những phát biểu của ông ta nghiêng về phía phương Tây.

McFaul không viết cụ thể những gì đã xảy ra, nhưng ông ta có liên hệ rằng những thay đổi tiếp theo trong điện Kremlin có liên quan trực tiếp tới các cuộc tấn công bằng tên lửa và các cuộc không kích tại Belgrade.

Chính trong khuôn khổ những biến đổi đó mà vào tháng 8/1999, Yeltsin đã bổ nhiệm Vladimir Putin làm thủ tướng, trái với kế hoạch của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Vào tháng 5/2001, Tổng thống Bush - con đã cho mời McFaul tới.

Khi được hỏi phải làm gì với Moscow, McFaul đã kêu gọi nên "liên kết Nga với phương Tây" thông qua các nhà tự do Nga, bởi vì, chỉ thông qua ảnh hưởng của họ, chính quyền Nga mới công nhận trật tự quốc tế của Mỹ.

Hơn nữa, "những người bạn tốt" thực sự đã nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong Liên bang Nga và nắm trong tay nền kinh tế của đất nước.

Rõ ràng là, người Mỹ dù sao cũng nhận được một số tín hiệu về sự phục tùng của Kremlin, nhưng phản ứng của Nga về cuộc tấn công ngày 11/9/2001, theo McFaul, đã không làm cho Washington hài lòng.

Michael McFaul, cựu cố vấn các vân đề về Nga cho chính quyền Obama, và sau đó là đại sứ Mỹ tại Nga, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry để thảo luận về vấn đề Syria. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga.

Không rõ người viết hồi ký có ngụ ý gì. Nhưng có nhiều khả năng, Hoa Kỳ lúc đó chờ đợi ở Putin sự hưởng ứng và gửi ngay lính Nga tới Afghanistan, tất nhiên là, dưới sự chỉ huy của Mỹ.

Moscow đã nhượng bộ Washington, nhưng vẫn khăng khăng với lập trường của mình: Nga không công nhận quan điểm của phương Tây về vấn đề Kosovo, nhưng vẫn gia nhập Hội đồng Nga - NATO, nhưng sau đó lại không ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống lại Iraq.

Về phần mình, Bush đã xem "sự đỏng đảnh" của Putin như một trò chơi cho công chúng.

Đồng thời, tổng thống Mỹ cũng không mấy sợ hãi khi thấy rằng Nga đã chi những đồng đô la có được từ việc bán dầu khí để tăng cường cho quân đội, cho quốc gia.

Năm 2007, tại Hội nghị an ninh Munich, Putin bất ngờ cho phương Tây thấy rõ quan điểm của mình về nhiều vấn đề gây khó chịu cho Washington.

Và Bush trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống của mình đã thực sự bị sốc khi Nga phản đối Hoa Kỳ trong cuộc xung đột ở Nam Ossetia.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/ho-so/cuu-dai-su-my-noi-gi-ve-chinh-truong-nga-3363135/