Cựu đại sứ Trần Việt Thái: Việc thu phí cao, bị cáo không có động cơ chia chác

Sáng 19/7, phiên tòa xét xử vụ 'chuyến bay giải cứu' tiếp tục với phần tranh luận. HĐXX dành thời gian cho các luật sư trình bày và các bị cáo tự bào chữa.

Theo quan điểm luận tội của đại diện VKS, từ tháng 5/2021 đến tháng 1/2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã tổ chức 8 chuyến bay đưa 1.891 người mãn hạn tù ở 19 trại chờ của Malaysia về nước.

Trong quá trình đó, với vai trò là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia, ông Trần Việt Thái đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chỉ đạo cán bộ cấp dưới là bị cáo Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Minh Phương thu, chi, sử dụng tiền của công dân trái quy định của pháp luật, thu tiền cao hơn chi phí thực tế, gây hậu quả thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

VKS xác định, ông Trần Việt Thái hưởng lợi cá nhân 580 triệu đồng; có đủ căn cứ xác định hành vi của bị cáo Trần Việt Thái, Nguyễn Lê Ngọc Anh, Đặng Minh Phương đã phạm vào tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Bị cáo Trần Việt Thái (Ảnh: Đình Hiếu)

Bào chữa cho ông Thái, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến đưa ra quan điểm về cơ bản đồng ý với cáo trạng của VKS. Luật sư cảm ơn đại diện VKS đã cho bị cáo Thái được hưởng tình tiết giảm nhẹ và đề nghị HĐXX không áp dụng tình tiết tăng nặng đối với cựu đại sứ.

Tuy nhiên, theo luật sư Tiến, mức án 5-6 năm tù mà đại diện VKS đề nghị tuyên phạt ông Thái là quá nặng. Việc tổ chức 8 chuyến bay đưa người mãn hạn tù về nước là cố gắng lớn của bị cáo Thái, nên để cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ với thành tích này.

Nhắc đến hoàn cảnh phạm tội, luật sư Tiến cho rằng, ông Thái nhận nhiệm vụ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Malaysia gây sức ép mạnh về việc phải đưa gần 2.000 người Việt mãn hạn tù về nước.

Đây là việc khó nên để động viên anh em ra ngoài tiếp xúc thực hiện 8 chuyến bay giải cứu, bị cáo Thái đã phải chi ra 5,4 tỷ đồng để bồi dưỡng cho cán bộ Đại sứ quán. Số tiền còn lại, bị cáo cho niêm phong để làm quỹ dự phòng cho các chuyến bay tiếp theo.

Theo quan điểm của luật sư Tiến, việc chia tiền rõ ràng là vi phạm nhưng trong bối cảnh đặc biệt như thế thì cần xem xét. Cáo buộc chỉ đưa số tiền thiệt hại là hơn 10 tỷ đồng, nhưng trên thực tế có hơn 5 tỷ đồng đã được niêm phong để làm quỹ dự phòng. Luật sư đề nghị VKS tách tiền này ra, không tính là thiệt hại.

Luật sư Tiến cho hay, dù bị xác định hưởng lợi 580 triệu đồng nhưng ông Thái đã nộp số tiền khắc phục là hơn 5 tỷ đồng ngay từ khi chưa bị khởi tố.

Thực hiện quyền tự bào chữa, ông Trần Việt Thái trình bày: Nguyên tắc của bị cáo là có lỗi thì chân thành, có thiệt hại thì chủ động khắc phục, bị cáo không lấp liếm, bao biện.

Theo bị cáo Thái, kinh phí dự phòng cho Đại sứ quán đã được duyệt xong từ đầu năm 2021. Khi dịch xảy ra căng thẳng, Đại sứ quán không có kinh phí.

Ông Thái kể lại sự căng thẳng thời điểm dịch bệnh Covid-19 ở Đại sứ quán Malaysia khiến phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết và phải có tiền để giải quyết.

Một số vấn đề được ông Thái trình bày như: Malaysia phong tỏa thủ đô, 4 công dân tìm cách nhảy vào Đại sứ quán để tự tử, nhân viên đại sứ quán đã phải ngăn chặn, chăm sóc; có 27 người mãn hạn tù chết trong trại cần phải xử lý…

Bị cáo cho rằng cục diện tình hình căng thẳng như thế thì bắt buộc phải có kinh phí dự phòng để giải quyết. Tuy nhiên, nếu có thiệt hại, bị cáo xin nhận. Về việc thu phí cao, bị cáo không có động cơ chia chác mà để làm kinh phí dự phòng vì Đại sứ quán không có kinh phí, nếu có vấn đề gì thì không có tiền để giải quyết.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuu-dai-su-tran-viet-thai-viec-thu-phi-cao-bi-cao-khong-co-dong-co-chia-chac-2167087.html