Cựu đại tá Phùng Anh Lê đối chất 'người có mâu thuẫn' với mình

Cựu đại tá Phùng Anh Lê cho rằng một phó trưởng Công an quận Tây Hồ có 'mâu thuẫn với mình', đề nghị được đối chất với người này.

Sáng 13-8, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ “tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù” và “nhận hối lộ”, xảy ra tại Công an quận Tây Hồ, TP Hà Nội.

Theo VKS, ngày 22-9-2016, Nguyễn Hữu Tài (trú tại Hà Nội) bị Công an quận Tây Hồ tạm giữ hình sự để điều tra vụ việc có dấu hiệu bắt giữ người trái phép. Người nhà của Tài thông qua các mối quan hệ, đưa 110 triệu đồng cho bị cáo Phùng Anh Lê để nhờ giúp đỡ.

Nhận tiền, bị cáo Lê chỉ đạo cấp dưới thả Tài ra khỏi nhà tạm giữ trái pháp luật. Tài được về nhà, vụ việc vi phạm không bị xử lý theo quy định. Mãi đến năm 2021, Công an TP Hà Nội phát hiện, xử lý hình sự Tài và đồng phạm, đồng thời chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra VKSND Tối cao để điều tra sai phạm của các cán bộ tại Công an quận Tây Hồ.

Bị cáo Phùng Anh Lê tại tòa ngày 13-8. Ảnh: UYÊN TRANG

Chỉ nghĩ là nghiệp vụ sai chứ không có tiêu cực

Vẫn theo cáo buộc, trước khi xuống nhà tạm giữ để thực hiện việc thả Tài theo yêu cầu của bị cáo Lê, bị cáo Vũ Công Ngọc (cựu đội phó Đội Cảnh sát hình sự) có gặp bị cáo Nguyễn Đức Châu (cựu đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự) để báo cáo. Biết rõ việc này là trái quy định, bị cáo Châu vẫn đồng ý để Ngọc thực hiện, còn nói thêm “trưởng quận đã quyết như vậy thì anh em mình phải thực hiện, không cưỡng lại được”.

Trả lời tại phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Đức Châu nói không oan, thừa nhận mình có sai nhưng mong HĐXX xem xét hành vi của bản thân có đến mức bị xử lý hình sự hay không. Bị cáo cho rằng vi phạm của mình không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả.

Khi được hỏi vì sao lại đồng ý việc tha Nguyễn Hữu Tài ra khỏi nhà tạm giữ, bị cáo cho rằng bản thân không trực tiếp cầm và đọc hồ sơ, vì thế khi nghe thông tin cấp trên (bị cáo Phùng Anh Lê – trưởng công an quận) nói rằng căn cứ tạm giữ đối với Tài còn non thì gần như bị cáo cũng mặc định hiểu cấp dưới của mình đã làm sai, bởi cấp trên đã xem hồ sơ và thẩm định rồi.

Trả lời có nhận thấy yếu tố tiêu cực gì trong việc này hay không, cựu đội trưởng hình sự nói thời điểm ấy không nghĩ có ai tiêu cực hoặc tư lợi gì, mà bản chất chỉ là do yếu tố nghiệp vụ kém khi đề xuất tạm giữ mà không có căn cứ vững chắc. Vì nghĩ đơn giản như vậy, bị cáo mới đồng ý.

Luật sư có hỏi bị cáo Châu về một số đóng góp của gia đình trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Lúc này, cựu đội trưởng nghẹn ngào. HĐXX khuyên bị cáo bình tĩnh để có thể trả lời các câu hỏi đặt ra.

Trong phần thẩm vấn ngày hôm qua (12-8), cựu đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Tây Hồ nhiều lần khẳng định không quen biết Nguyễn Hữu Tài cũng như người nhà của Tài, bị cáo không được hưởng lợi gì từ việc thả Tài ra khỏi nhà tạm giữ trái pháp luật.

VKS cáo buộc ông Châu nhận thức được hành vi của mình thực hiện theo chỉ đạo của ông Lê là trái pháp luật. Thế nhưng, trước và sau khi thực hiện, ông không báo cáo lên cấp có thẩm quyền và không thông báo cho VKS cùng cấp biết nên phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra.

Bị cáo Nguyễn Đức Châu, cựu đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Tây Hồ. Ảnh: UYÊN TRANG

Cựu đại tá đối chất với thuộc cấp

Cũng tại tòa hôm nay, HĐXX cho bị cáo Phùng Anh Lê được đối chất với một số bị cáo khác và người liên quan, nhằm làm rõ những vấn đề mà bị cáo trình bày trước đó.

Trong số người thực hiện đối chất có ông Phạm Quý Hải. Thời điểm xảy ra vụ án, ông Hải là phó trưởng Công an quận Tây Hồ, cũng là người ký quyết định tạm giữ đối với Nguyễn Hữu Tài.

Chiều qua, 12-8, khi trả lời HĐXX, bị cáo Phùng Anh Lê nói ông Hải là một trong những người “có mâu thuẫn” với mình, do đó có lời khai được cho là không khách quan.

Ông Lê hỏi từ năm 2012 đến trước khi ông Lê chuyển đến Công an quận Tây Hồ, ông Hải có mâu thuẫn gì với mình không? Đáp lời, ông Hải khẳng định “tôi không mâu thuẫn gì với anh cả”.

Bị cáo tiếp tục hỏi từ khi Công an TP Hà Nội xuống làm việc đến quá trình khởi tố vụ án và tới nay, ông Hải đã bao nhiêu lần khai không trung thực, có khai không trung thực không? Ông Hải nói “không trả lời” câu hỏi này.

Cựu trưởng Công an quận Tây Hồ còn đề nghị được đối chất với nhiều người khác, trong đó có hai bị cáo Vũ Công Ngọc và Nguyễn Đức Châu.

Bị cáo Lê hỏi từ khi tiếp nhận đơn của bị hại đến thời gian tạm giữ Nguyễn Hữu Tài, hai cựu thuộc cấp có báo cáo với mình không? Đáp lời, bị cáo Châu nói không nhớ được; còn bị cáo Ngọc nói không báo cáo, chỉ đến lúc ông Lê yêu cầu mang hồ sơ lên phòng làm việc thì thời điểm đấy Ngọc mới báo cáo.

Người còn lại tham gia đối chất với bị cáo Lê là ông Phùng Văn Bảy. Ông Bảy là chú họ, người trung gian nhận tiền rồi đưa 110 triệu đồng cho bị cáo.

Ông Lê hỏi ông Bảy có giữ nguyên nội dung đối chất giữa hai người ở trại tạm giam và lời khai ấy có trung thực hay không? Ông Bảy khẳng định vẫn giữ nguyên lời khai.

Ông Lê hỏi chú họ có chơi cờ bạc, có nợ nần để nhiều người đòi nợ, có vay tiền vợ chồng bị cáo hoặc cầm cố tài sản của người thân hay không? Ông Bảy nói không chơi cờ bạc, không nghiện ngập, cờ bạc gì.

Ông Bảy thừa nhận có hỏi vay tiền vợ chồng Lê vào năm 2021 nhưng không được cho vay. Ông cũng thừa nhận từng cầm cố tài sản của mình, của vợ, của người khác để lấy vốn làm ăn, đây là “chuyện bình thường” trong kinh doanh.

Trước đó, trong phiên tòa ngày 12-8, ông Bảy khai sau khi nhận tiền từ phía gia đình Nguyễn Hữu Tài thì trực tiếp đưa 110 triệu đồng cho bị cáo Lê tại phòng làm việc. Ngược lại, bị cáo Lê phủ nhận, nói không hề trao đổi, nhận tiền từ ông Bảy. Bị cáo còn cho rằng chú họ là người cờ bạc, từng phải nhờ mình giải quyết khi bị đòi nợ…

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/cuu-dai-ta-phung-anh-le-doi-chat-nguoi-co-mau-thuan-voi-minh-post693777.html