Cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị đề nghị từ 3- 4 năm tù

Với cáo buộc 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng', cựu Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến đã bị VKS quân sự đề nghị mức án từ 3-4 năm tù.

Sáng 20/5, TA Quân sự Quân chủng Hải Quân tiếp tục xét xử vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; " Vi phạm quy định về quản lý đất đai" và " Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Quân chủng Hải quân.

Đây là vụ án thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi với những sai phạm trong công tác quản lý đất đai, Quân chủng Hải quân đã mất quyền kiểm soát các khu đất quốc phòng có vị trí "đắc địa" tại đường Tôn Đức Thắng (Quận 1 TPHCM), gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 939 tỉ đồng.

Trong hai phiên xét xử đầu tiên, HĐXX đã làm rõ nhiều nội dung liên quan đến việc thành lập liên doanh giữa Công ty Hải Thành (Quân chủng Hải Quân) và Công ty Yên Khánh để dẫn đến việc khu đất 7-9 (Tôn Đức Thắng, Quận 1, TPHCM) do Quân chủng Hải quân quản lý bị đem đi cầm cố ngân hàng để vay tiền, hiện không có khả năng chi trả.

Trải qua phần xét hỏi, sáng 20/5 VKS đã đưa ra mức án đề nghị với các bị cáo.

Theo đó, giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo như cáo trạng đã ban hành, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ (cựu Phó giám đốc Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng) 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Bị cáo Hệ tài tòa (ảnh tư liệu)

Cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị đề nghị từ 3-4 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; 6 bị cáo còn lại bị đề nghị 3-15 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Tại phiên xét xử, bị cáo Hệ chối tội, không thừa nhận hành vi, phủ nhận lời khai của người khác về mình. Cơ quan tố tụng đã thu thập chứng cứ, đủ cơ sở xác định khi công tác tại Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, Hệ thành lập nhiều doanh nghiệp đứng tên người thân quen, trong đó có Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P. Công ty này thực chất là doanh nghiệp tư nhân do Hệ điều hành.

Việc đặt Thái Sơn Bộ Q.P khiến nhiều người lầm tưởng là công ty của Bộ Quốc phòng. Các công ty này dưới sự chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật.

Tại vụ án này, Hệ chỉ đạo cháu ruột là Vũ Thị Hoan thực hiện các hành vi gian dối, ký hợp đồng liên doanh với Công ty Hải Thành (Quân chủng Hải quân). Sau đó bị cáo chuyển tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ Công ty Hải Thành sang liên doanh Yên Khánh Hải Thành và mang đi thế chấp ngân hàng, lấy tiền vào mục đích riêng.

Mặc dù tại Tòa, ông Hệ không thừa nhận vai trò tại Công ty Yên Khánh, tuy nhiên VKS cho rằng với tài liệu thu thập được cho thấy bị cáo tham gia đàm phán lần 1 và giới thiệu Yên Khánh là công ty con của mình. Theo ký kết, Công ty Hải Thành góp 30% vốn bằng quyền sử dụng đất, còn Yên Khánh góp 288 tỷ nhưng bị cáo không nộp tiền. Sau khi nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các bị cáo sang tên từ Công ty Hải Thành thành Công ty Yên Khánh Hải Thành để mang đi thế chấp ngân hàng lấy tiền sử dụng riêng.

Cơ quan công tố đánh giá Đinh Ngọc Hệ đã che dấu vai trò, trốn tránh pháp luật, sẵn sàng quy chụp cho người khác, trong đó có người thân của bị cáo. Tuy nhiên lời khai người làm chứng và chứng cứ khác được kiểm chứng tại tòa đủ cơ sở xác định Hệ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò của người tổ chức.

Các bị cáo tại phiên xét xử (ảnh tư liệu)

Về vai trò của cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, VKS nhận định vào thời điểm phạm tội, bị cáo giữ chức vụ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, là người chỉ huy cao nhất của quân chủng, chịu trách nhiệm trước Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng về quản lý, xây dựng lực lượng vững mạnh. Theo cơ quan công tố, với cương vị đó, ông Hiến phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc yêu cầu các đơn vị chấp hành nghiệm quy định pháp luật, kỷ luật quân đội.

Chủ trương làm kinh tế là chủ trương đúng, được Bộ Quốc phòng đồng ý trên cơ sở tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, khi thực hiện chủ trương của Thường vụ Quân chủng Hải quân, ông Hiến đã thiếu kiểm tra, tin tưởng cấp dưới nên ký phê duyệt các văn bản đưa 3 lô đất quốc phòng vào liên doanh làm kinh tế mà thực chất là thuê đất trái quy định.

Do tin tưởng cấp dưới nên bị cáo đã ký phê duyệt các văn bản cho doanh nghiệp ngoài quân đội thuê đất làm kinh tế dưới hình thức hợp tác kinh doanh. Sau đó, ông Hiến không kiểm tra việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, không kiêm tra việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng về cấm góp vốn bằng đất, không kiểm tra hoạt động của Công ty Hải Thành dẫn đến việc đối tác mang giấy chứng nhận sử dụng đất đi thế chấp, chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, chuyển đổi cho bên thứ ba. Hậu quả làm Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng các lô đất.

VKS Quân sự Trung ương cũng nhận định ông Hiến cùng một thời điểm thực hiện nhiều nhiệm vụ, đúng thời điểm tình hình biển đảo diễn biến phức tạp. Bị cáo tin tưởng sự bàn bạc của tập thể và cơ quan cấp dưới. Các văn bản bị cáo ký đều do cấp dưới tham mưu đề xuất. Bị cáo Nguyễn Văn Hiến thiếu kiểm tra, hoặc kiểm tra nhưng không trực tiếp, gây thất thoát số tiền lớn.

Đánh giá ông Hiến có nhân thân tốt, có nhiều đóng góp, được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương, bị cáo không có kinh nghiệm chuyên môn về quản lý kinh tế, phạm tội với lỗi vô ý vì quá tự tin, không có hành vi vụ lợi và thành khẩn khai báo, kiểm sát viên nghị tòa tuyên phạt mức án 3-4 năm tù.

Thanh Sơn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/cuu-do-doc-nguyen-van-hien-bi-de-nghi-tu-3-4-nam-tu-20200520105522087.htm