CỨU DOANH NGHIỆP PHẢI NHANH NHƯ DẬP DỊCH

Trong lúc chúng ta ngồi đây bàn giải pháp thì vẫn nhận được tin nhắn những doanh nghiệp (DN) phải đóng cửa. Nếu không triển khai nhanh, các DN chết hết thì còn cứu gì? Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng Hà Đức Hùng chia sẻ tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Đà Nẵng và đại diện cộng đồng DN thành phố hôm 4-3 nhằm bàn giải pháp hỗ trợ DN do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Trong lúc chúng ta ngồi đây bàn giải pháp thì vẫn nhận được tin nhắn những doanh nghiệp (DN) phải đóng cửa. Nếu không triển khai nhanh, các DN chết hết thì còn cứu gì? Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng Hà Đức Hùng chia sẻ tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Đà Nẵng và đại diện cộng đồng DN thành phố hôm 4-3 nhằm bàn giải pháp hỗ trợ DN do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh chủ trì đối thoại với đại diện cộng đồng DN.

Choáng váng vì “tác động kép”

Kinh tế Đà Nẵng có độ mở lớn nên chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, đặc biệt lĩnh vực dịch vụ chiếm gần 65% cơ cấu kinh tế. Trước đó, Nghị định 100 cũng khiến lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng của TP chịu thiệt hại nặng nề. Cú tác động kép này khiến nhiều DN choáng váng. Nói như ông Phan Tấn Bửu – Hội DN Sơn Trà, nhiều khách sạn mới đầu tư năm 2019 giờ đóng cửa, không biết lấy tiền đâu trả ngân hàng. Còn Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng thông tin, khi đóng cửa thị trường Trung Quốc, mục tiêu của các DN là giảm tối đa thiệt hại. Nhưng khi dịch lan rộng ở Hàn Quốc thì mục tiêu là cố gắng để tồn tại. Hàng ngày đều có DN đóng cửa, giảm lao động. Nhiệm vụ bây giờ rất khó khăn, làm sao vừa tồn tại vừa phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng khi thị trường phục hồi thì nhanh chóng bắt nhịp.

Bên cạnh dịch vụ, thương mại thì lĩnh vực vận tải, sản xuất công nghiệp cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do 70% nguyên liệu sản xuất nhập từ Trung Quốc. Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Đà Nẵng, ông Phạm Bắc Bình cho biết, DN may mặc, cơ khí, điện tử nhập nguyên liệu từ Trung Quốc và cũng xuất hàng đi Trung Quốc nên bị ảnh hưởng 2 chiều, phải dừng sản xuất, công nhân nghỉ việc. Để hỗ trợ DN, ông Bình kiến nghị cần giảm thuế VAT, thuế nhu nhập DN, gia hạn thời gian nộp thuế, đồng thời Ngân hàng nhà nước cần chỉ đạo các NH thương mại giãn thanh toán lãi gốc, hỗ trợ lãi suất vay cho DN. Ngoài ra DN được chậm đóng bảo hiểm xã hội không tính lãi, giải quyết nhanh thủ tục cho người lao động thất nghiệp.

Bà Lê Thị Nam Phương- Chủ tịch Hội nữ doanh nhân TP Đà Nẵng thì cho rằng, gói hỗ trợ lãi suất 30 ngàn tỷ đồng của Chính phủ có biên độ hỗ trợ rộng từ 0,5 đến 3% nên khi thực hiện phải minh bạch, công bằng. Gói này cần để 4 ngân hàng của Nhà nước thực hiện, bởi vì bản thân các ngân hàng thương mại cũng là DN. Bà Phương cũng cho rằng, gói kích cầu tiêu dùng để hỗ trợ DN không nhất thiết phải bằng tiền mà có thể bằng chính sách, như giảm thuế VAT 5%. Đồng quan điểm, Giám đốc VCCI Đà Nẵng Nguyễn Tiến Quang cho rằng, Đà Nẵng có Quỹ đầu tư, trong thời điểm này cần chuyển hướng, mở rộng đối tượng để hỗ trợ DN. Chẳng hạn dùng quỹ hỗ trợ lãi suất vạy cho DN giúp vượt qua thời điểm khó khăn. Song song với đó, TP cũng cần cơ chế hỗ trợ để giữ nguồn lao động. Trước dịch thì Đà Nẵng thiếu lao động, khi dịch xảy ra, thất nghiệp lại thừa, vấn đề làm sao khi dịch bệnh qua, phải có sẵn nguồn lao động để DN phục hồi nhanh chóng. Ngoài ra ông Quang cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu của Đà Nẵng lớn, khoảng 3 tỷ USD, DN phải đóng thuế xuất nhập khẩu không nhỏ nên cần hỗ trợ giảm.

Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Đà Nẵng đề xuất giãn nợ, giảm thuế, lãi suất để hỗ trợ DN do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Giải pháp cấp bách

Ông Nguyễn Đình Ân, Cục trưởng Cục thuế TP cho biết, việc giảm, giãn thuế thế nào thuộc nhóm chính sách vĩ mô từ Trung ương, tại TP không quyết định được. Hiện Chính phủ đang giao Bộ Tài chính thực hiện, có nhanh cũng phải hết tháng 3-2020. Khi có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn từ T.Ư Cục Thuế TP sẽ triển khai nhanh đến từng DN một cách minh bạch. Với tiền thuê đất DN đề xuất giảm, gia hạn nộp TP sẽ nghiên cứu. Riêng việc giảm phí, lệ phí tại các điểm tham quan du lịch thuộc thẩm quyền HĐND TP vì thế DN cần kiến nghị TP để xin ý kiến HĐND. Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh Đà Nẵng cho biết đã có hướng dẫn các NH thương mại hỗ trợ cơ cấu thời hạn trả trợ (gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn) cho DN. Riêng với gói hỗ trợ lãi suất 30 ngàn tỷ đồng, khi có thông tư hướng dẫn cụ thể thì NHNN chi nhánh Đà Nẵng sẽ đồng hành triển khai tích cực. Ông Minh cũng thông tin thêm, hiện một số NH đã có chính sách hỗ trợ vì thế DN cần chủ động liên hệ. Chẳng hạn như Agribank xem xét giảm lãi suất cho vay tối đa 1% so với lãi suất đang áp dụng với khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp do Covid-19; BIDV triển khai gói tín dụng hỗ trợ khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid -19 quy mô 5.000 tỷ đồng và gói tín dụng ngắn hạn hỗ trợ DN bị ảnh hưởng Covid-19 quy mô 20.000 tỷ đồng…

Theo ông Trần Phước Sơn- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng, cần xem dịch Covid-19 là cơ hội để DN địa phương tái cấu trúc lại. Bên cạnh hỗ trợ lãi suất, thuế thuộc nhóm chính sách vĩ mô thì TP cũng có chính sách hỗ trợ DN trong một số lĩnh vực. Cụ thể hỗ trợ lãi suất 100% với dự án về khởi nghiệp sáng tạo, năng lượng mới, sinh học hoặc 50% với các dự án phát triển hạ tầng nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ DN thực hiện đổi mới công nghệ… Về ý kiến cho rằng cần thúc đẩy mạnh đầu tư công, tạo cơ hội cho các DN địa phương được tham gia các gói thầu xây dựng, ông Sơn cho biết ngay từ đầu năm TP đã rất quyết liệt việc này. Ủy ban đã ban hành 2 quyết định quan trọng giao các chủ đầu tư, ban quản lý cải cách hành chính rút ngắn thủ tục đầu tư và đẩy mạnh giải phóng mặt bằng bàn giao nhà thầu thi công. Còn việc hỗ trợ nhà thầu địa phương, ông Sơn nói hiện phải đấu thầu qua mạng để cạnh tranh lành mạnh (Đà Nẵng là địa phương đi đầu về đấu thầu qua mạng), không có cơ chế xin cho nữa.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, song song với việc phòng dịch để Đà Nẵng là điểm đến an toàn tổ chức hàng loạt hội nghị, sự kiện quốc tế thời gian tới thì việc tháo gỡ khó khăn cho DN để thúc đẩy sản xuất hết sức cấp bách. Các chính sách hỗ trợ lãi suất, giãn nợ, giãn nộp bảo hiểm xã hội… sẽ được triển khai nhanh nhất ngay khi có hướng dẫn từ T.Ư. Riêng về giải pháp đẩy mạnh đầu tư công, năm nay TP bố trí hơn 14 ngàn tỷ đồng, đang được triển khai quyết liệt để tạo cú hích lớn phất triển kinh tế. Cũng theo ông Minh, ngành du lịch, dịch vụ chiếm cơ cấu lớn trong kinh tế TP, ngoài việc chuẩn bị công bố điểm đến an toàn thì phải chuẩn bị sản phẩm mới, đặc thù, sẵn sàng kích cầu ngay khi dịch lắng xuống. Với các cuộc thanh tra mà Thanh tra TP có kế hoạch trong năm 2020 sẽ hoãn hết, chỉ thanh tra đột xuất khi DN có dấu hiệu vi phạm. Các điểm tham quan du lịch như danh thắng Ngũ Hành Sơn, bảo tàng Điêu khắc Chăm… cũng được TP xem xét miễn phí để kích cầu du lịch.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/150_221228_cuu-doanh-nghiep-phai-nhanh-nhu-dap-dich.aspx