Cựu giám đốc NMĐ hạt nhân Chernobyl bị cáo buộc bán phế liệu nhiễm phóng xạ

Izvestia đưa tin, văn phòng công tố khu vực Kiev mới đây đã cáo buộc cựu giám đốc nhà máy điện hạt nhân Chernobyl xử lý trái phép chất phóng xạ.

Theo đó, vào tháng 7/2019, người đứng đầu nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã bán đấu giá hơn 500 tấn kim loại phế liệu nhiễm phóng xạ, số kim loại này bị trả giá thấp khiến giá thành của nó được đưa ra ở mức giá 1.000 hryvnias (35 USD/tấn). Theo các chuyên gia, phi vụ này đã gây thiệt hại về vật chất cho Ukraine với số tiền hơn 2,75 triệu hryvnia (khoảng 98 nghìn USD).

Cựu giám đốc nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bị cáo buộc bán phế liệu nhiễm phóng xạ. (Ảnh: TASS)

Cựu giám đốc nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bị cáo buộc bán phế liệu nhiễm phóng xạ. (Ảnh: TASS)

“Văn phòng Công tố viên khu vực Kiev đã gửi đến tòa án bản cáo trạng chống lại cựu lãnh đạo Doanh nghiệp ‘Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl’ và giám đốc một trong những công ty trách nhiệm hữu hạn về hành vi xử lý trái phép chất phóng xạ”, thông cáo báo chí cho biết.

Văn phòng công tố không nêu tên giám đốc nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Tuy nhiên, được biết, từ ngày 19/3/2019 đến tháng 4/2020, Sergey Kalashnik đảm nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

Trước đó, Valentin Shcherbina, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sinh thái học chuyên nghiệp của Ukraine cho biết, do vụ cháy rừng lớn xảy ra ở khu vực gần Chernobyl vào mùa xuân năm ngoái, đã khiến toàn bộ khu vực ô nhiễm bắt đầu thay đổi. Theo ông, thảm họa tự nhiên đã dẫn đến ô nhiễm phóng xạ thứ cấp.

Vào lúc 1 giờ 23 phút ngày 26/4/1986 tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, thuộc nước Cộng hòa Ukraine của Liên Xô cũ, đã xảy ra tai nạn có một không hai trong lịch sử ngành năng lượng nguyên tử thế giới. Một đám mây phóng xạ khổng lồ đã lan tỏa ra khắp Châu Âu ba ngày sau đó. Nhiều nước như Na Uy, Thụy Điển, Ý, Áo, Thụy Sĩ bị ảnh hưởng.

Hậu quả của vụ nổ, lõi lò phản ứng bị phá hủy hoàn toàn, tòa nhà của tổ điện bị sập một phần. Tổng lượng vật liệu phóng xạ thải ra môi trường là khoảng 380 triệu khối. Vào ngày 15/12/2000, công việc của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bị dừng hoàn toàn.

Ngoài ra, thảm họa cũng khiến một diện tích đất rộng lớn trở thành vùng không thể sinh sống trong vòng 150 năm. 150.000 người từng sống trong bán kính 18 dặm xung quanh Chernobyl đã phải dời đi vĩnh viễn. Nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraine, Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng, phải sơ tán và tái định cư cho hơn 336.000 người; khoảng 60% đám mây phóng xạ đã rơi xuống lãnh thổ Belarus.

Theo thống kê chính thức, ngay sau vụ tai nạn, 31 người chết, 600 nghìn người xử lý hậu quả của vụ nổ Chernobyl đã nhận được liều phóng xạ cao; tổng thể, khoảng 8,4 triệu người Nga, Belarus và Ukraine đã ghi nhận phơi nhiễm phóng xạ. Theo ước tính gần đúng nhất (kể từ khi Liên Xô sụp đổ), khoảng 30 nghìn người đã chết vì hậu quả của thảm họa Chernobyl, và hơn 70 nghìn người bị tàn tật. Một tác động kinh tế đáng kể vào thời điểm đó là loại bỏ 784.320 ha đất nông nghiệp và 694.200 ha từ rừng sản xuất.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/cuu-giam-doc-nmd-hat-nhan-chernobyl-bi-cao-buoc-ban-phe-lieu-nhiem-phong-xa-276208.html