Cứu hộ trên biển, xem máy bay vút qua - cuộc sống ở tàu tuần dương Mỹ

Thủy thủ tàu tuần dương USS Bunker Hill đang thăm Đà Nẵng kể về nhịp sống bình lặng xen lẫn những phen kịch tính khi cứu hộ, chữa cháy trên biển, hay xem chiến đấu cơ nhào lượn.

Chuyến tham quan tàu sân bay USS Theodore Roosevelt bị hoãn từ chiều 5/3 sang sáng 6/3 vẫn không thể diễn ra vì thời tiết, nên thay vào đó, các phóng viên tham quan tàu USS Bunker Hill, thường được coi là soái hạm trong nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt.

Khác với tàu sân bay Theodore Roosevelt đậu ở phao số 0 ngoài vịnh Đà Nẵng, tuần dương hạm Bunker Hill đã cập cảng Tiên Sa từ sáng 5/3.

“Đà Nẵng nhiều tàu đánh cá, chúng tôi đi chậm hơn”

Sáng 6/3, cảng Tiên Sa vẫn bận rộn khi thủy thủ Mỹ lên bờ dần dần từng chuyến, đang xếp hàng mua đồ ăn nhanh, ngồi nghỉ các bàn tiếp đón phủ khăn trắng trang trọng.

Tối trước đó, có thể thấy nhiều nhóm thủy thủ Mỹ dạo chơi dọc sông Hàn. Khoảng 900 thủy thủ đã may mắn lên bờ hôm 5/3, và “các thủy thủ còn lại chắc đang ghen tị lắm”, Thiếu tá Hải quân Mỹ Julie Holland nói đùa với Zing.vn.

Thiếu tá Hải quân Mỹ Julie Holland. Ảnh: Trọng Thuấn.

Bà Holland đã tới Đà Nẵng 5 lần để chuẩn bị cho các chuyến thăm tàu, nhưng đa số thủy thủ chưa bao giờ đến Việt Nam - nơi họ rất mong chờ vì sẽ khác biệt so với căn cứ Mỹ ở Nhật Bản hay Guam mà ai cũng từng đến.

"(Vùng biển quanh Đà Nẵng) có nhiều hoạt động đánh cá, nên đó cũng là thách thức, phải đảm bảo an toàn", theo bà Holland, làm việc trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt mà vẫn có thể nhìn thấy hơi mờ từ cảng Tiên Sa. "Với Philippines, Thái Lan cũng vậy, khi vào gần bờ cũng sẽ có nhiều tàu đánh cá".

"Chúng tôi chỉ cần đi chậm hơn, từ từ hơn, đảm bảo quan sát kỹ các tàu đánh cá... không hề muốn ảnh hưởng tới họ".

"Vào cảng Đà Nẵng, màu nước khá tốt”, Hạ sĩ nhì Nicholas Huerta nói với Zing.vn. “Tôi đi khắp thế giới, từng đến các cảng khác mà nước màu đen, màu nâu khá kỳ lạ, chứ không xanh nhạt hay xanh đậm như chúng tôi thường thấy".

"Ở đây đẹp quá, trông như thiên đường", anh nói.

Tuần dương hạm Bunker Hill đã cập cảng Tiên Sa từ sáng 5/3. Ảnh: Thuận Thắng.

“Danger zone” quanh dàn vũ khí

Điểm thu hút trên mọi tàu chiến chắc chắn sẽ là dàn vũ khí. Vũ khí trên tàu USS Bunker Hill bao gồm hai pháo 127 mm (một ở mũi và một ở đuôi tàu), 122 ông phóng tên lửa cùng 8 tên lửa chống hạm Harpoon.

Thiếu tá Holland cho biết pháo có tầm bắn 24 km, thường tập bắn tại khu diễn tập ở Nam California hay Nhật Bản. "Họ thường tập bắn vào 'quả cà chua sát thủ' (killer tomatoes) tức quả bóng bay màu đỏ mục tiêu", bà nói.

Hạ sĩ nhì Nicholas Huerta nói hai khẩu pháo này được vận hành qua phòng điều khiển, như tay cầm điện tử. "Chính xác đến mức tuyệt vời, (sai lệch) chỉ dưới 30 cm, có chế độ tự động ngắm để máy tính tự tính toán, hoặc để con người ngắm", Huerta cho biết. "Tôi chưa bao giờ thấy pháo này bắn trượt. Khá vui".

Phòng điều khiển trên tàu Bunker Hill. Ảnh: Thuận Thắng.

Xung quanh khẩu pháo là vạch tròn màu đỏ "nguy hiểm" (danger zone). Huerta cho biết khi pháo bắn sẽ gây áp suất rất lớn, có thể khiến tim ngừng đập. "Tôi nói nghĩa đen luôn đấy", anh quả quyết.

Hạ sĩ nhì Nicholas Huerta nói khi đứng trong vạch đỏ "danger zone". Ảnh: Thuận Thắng, Trọng Thuấn.

Hai pháo M242 Bushmaster 25 mm trang bị hai bên hông tàu được chùm kín lại. Xung quanh cũng có vạch cảnh báo màu đỏ vì pháo xoay, và "đạn khá to, bạn không muốn đạn bị hất ngược vào người", theo Hạ sĩ nhì Nicholas Huerta. M242 thường xuyên được chùm kín lại vì kim loại của khẩu pháo này mỏng hơn nhiều so với khẩu 127 mm, nên dễ dàng bị gỉ.

Trên tàu USS Bunker Hill, luôn cần để ý vạch đỏ “danger zone” (trái), và pháo M242 khi được “cởi áo” (phải). Ảnh: Trọng Thuấn, Hải quân Mỹ.

Lên đến “boong tên lửa”, có những "ô" trông như ghế ngồi là 61 ống phóng tên lửa VLS Mk41, với nhiều loại tên lửa - “bao gồm chống hạm, chống tàu ngầm”, theo Huerta. Tổng cộng, USS Bunker Hill có 122 ống phóng như vậy.

Hạ sĩ nhì Cali Tran vừa lên phục vụ trên tàu Bunker Hill từ “tàu 77” (số hiệu một nhóm tàu sân bay khác), làm công việc "điện toán" phục vụ việc bắn tên lửa.

Anh nói với Zing.vn "trên tàu làm gì cũng có tinh thần làm chung, có sự trợ giúp".

Tàu USS Bunker Hill có khoảng 4 người Việt. Anh sang Mỹ theo ba mẹ khi còn nhỏ, và tình cờ một lần ăn phở gặp người tuyển dụng lính, nên đăng ký vào Hải quân Mỹ, nay đã được 14 năm.

Hạ sĩ nhì Cali Tran, được một thủy thủ gốc Việt khác chỉnh lại áo để chụp ảnh. Ảnh: Trọng Thuấn.

Bình lặng và kịch tính xen lẫn

Hạ sĩ nhì Nicholas Huerta cho biết nơi ưa thích của anh trên tàu là nơi đáp trực thăng. "Tôi rất thích xem máy bay hạ cánh, cất cánh”.

Các thủy thủ đều cho biết rất thích thú khi máy bay chiến đấu bay qua, dù họ đã chứng kiến khá nhiều. "Khá vui, vì máy bay sẽ có những màn diễn khá ngầu, không lần nào giống lần nào đâu", một nữ thủy thủ nói với Zing.vn.

Bunker Hill là tàu thứ 6 thuộc tuần dương hạm lớp Ticonderoga, đóng mới vào năm 1984, đi vào hoạt động trong Hải quân Mỹ năm 1986. Ảnh: Thuận Thắng.

"Nhịp sống trên tàu (USS Bunker Hill) đa phần khá bình lặng, thủy thủ trên tàu cũng khá tuyệt, nên tạo không khí vui vẻ", Huerta nói. "Những khi 'kịch tính' hơn thường là khi có tổ chức trò gì đó, hay có chiến đấu cơ bay qua.

"Khi ở trên biển, máy bay thường bay qua, có thể lượn hoặc lộn ngược, rất gần tàu, gần như cần cẩu đằng kia, rất thú vị", Huerta chỉ vào chiếc tàu có cần cẩu trước mắt.

“Họ làm vậy... vì ai cũng muốn xem... quay video lại... trông (máy bay) rất to chứ không nhỏ xíu như trên trời”, anh cho biết thích nhất dòng máy bay F/A 18 Super Hornet.

Máy bay chiến đấu bay sát tàu (bằng khoảng cách tới tàu màu đỏ trước mặt) luôn làm các thủy thủ thích thú. Ảnh: Trọng Thuấn.

Đi thuyền cứu hộ ra chữa cháy cho tàu khác

Hai bên của tàu USS Bunker Hill có hai thuyền cứu hộ, được dùng khi cần cử một đội nhỏ ra biển, chẳng hạn nếu có người ngã xuống biển, hay có thuyền khác bị cháy - cũng là những vụ việc kịch tính, gấp gáp làm thay đổi cái nhịp bình lặng, lặp lại trên con tàu, theo Hạ sĩ nhì Huerta.

Hai thuyền cứu hộ được dùng khi có người ngã xuống biển, hay thuyền khác bị cháy. Ảnh: Thuận Thắng, Trọng Thuấn.

“Thuyền cứu họ có động cơ riêng, chở được khoảng 12 người. Tôi nhớ có lần chúng tôi cứu 8 người”, Huerta cho biết. “Cần 7-8 người để hạ thuyền xuống, lúc xuống nước rồi cần một người điều khiển và một người bơi”.

“Hoặc cũng có lúc chúng tôi phải xuống vớt lên vật gì đó khả nghi”.

Trọng Thuấn - Thuận Thắng

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cuu-ho-tren-bien-xem-may-bay-vut-qua-cuoc-song-o-tau-tuan-duong-my-post1055904.html