Cựu kỹ sư Apple chia sẻ công ty dưới thời Steve Jobs và Tim Cook khác nhau như thế nào?

Cựu kỹ sư Ken Kocienda của Apple vừa xuất bản cuốn sách có tên 'Creative Selections' nói về việc ông và Steve Jobs đã chế tạo ra bàn phím cảm ứng trên iPhone như thế nào. Cuốn sách cũng nói về văn hóa làm việc của công ty và sự khác biệt với hiện nay.

iPhone là một trong những sản phẩm thành công nhất trong lịch sử công nghệ và có hàng ngàn kỹ sư tại Apple đang làm việc để giữ cho dòng sản phẩm này có thể đứng vững trên thị trường smartphone.

Thế nhưng, trước khi chính thức ra mắt, iPhone được phát triển bởi một đội ngũ kỹ sư tương đối nhỏ và làm việc hoàn toàn bí mật. Một trong những kỹ sư đó là Ken Kocienda - người phát triển phần mềm bàn phím cho iPhone và anh đã kể lại toàn bộ quá trình làm việc của mình trong cuốn sách mới phát hành có tên gọi "Creative Selection".

iPhone là điện thoại đầu tiên sở hữu bàn phím cảm ứng thông qua việc chạm vào màn hình và kể từ khi xu hướng này ra đời đã thiết kế chính thống được phát triển cho đến tận ngày nay.

Cá nhân Kocienda là một người khá chu đáo và có phong cách làm việc đúng kiểu cũ của Apple. Trong "Creative Selection" Kocienda đã nói về những ông chủ cũ của mình tại công ty như CEO Steve Jobs và Scott Forstall - người phụ trách mảng phần mềm đã rời đi năm 2012.

Ken Kocienda - người đã phát triển phần mềm bàn phím cho iPhone và tác giả cuốn "Creative Selection".

Ken Kocienda - người đã phát triển phần mềm bàn phím cho iPhone và tác giả cuốn "Creative Selection".

Cuốn sách còn cung cấp cho người đọc cái nhìn của người trong cuộc khi họ xây dựng trình duyệt Safari cho Apple, cũng như vai trò của nó trong sự phát triển ban đầu của iPhone và iPad như thế nào. Hay những gì mà Apple muốn làm để tạo ra bước đột phá trên một sản phẩm, cũng như công ty đã thay đổi như thế nào trước và sau khi có iPhone.

Cuốn sách "Creative Selection" của Kocienda

Sau đây là nội dung buổi phỏng vấn của Ken Kocienda với Business Insider hé lộ một vài thông tin trong cuốn sách, ICTnews xin lược dịch:

Business Insider: Theo ông đâu là thời điểm "eureka" (ý tưởng lóe lên) để cho ra đời bàn phím iPhone?

Ken Kocienda: Tôi không nghĩ mình có nhiều khoảnh khắc như thế trong sự nghiệp, bởi thông thường tạo lập phần mềm là vấn đề mang tính dài hạn lặp đi lặp lại nhiều lần. Đó là một quá trình đầy hy vọng và có tính ổn định nhưng khoảnh khắc khi tạo ra bàn phím cho iPhone thì khác hẳn.

Khi tôi bất ngờ thay đổi phần mềm so với ban đầu, thì đúng lúc đồng nghiệp của tôi bước vào và thử chạy bàn phím, cố gắng đề quá trình chạy phần mềm nhanh nhất có thể. Chúng tôi không thể tin được phần mềm này đã vượt trội hẳn so với những thứ trước đó, cuối cùng 2 người đàn ông trưởng thành như chúng tôi bắt đầu cười phá lên như những đứa trẻ.

Bàn phím iPhone nhỏ hơn nhiều so với bàn phím truyền thống, làm thế nào ông làm nên được điều đó?

Tính đến thời điểm đó, một bàn phím điện thoại thông minh thông thường sẽ có dạng cứng giống như của điện thoại BlackBerry, với màn hình phía trên. iPhone đã tạo ra một khái niệm bàn phím hoàn toàn khác - đó là nơi bạn gõ trên một tấm kính và ngón cái của bạn không chạm vào bất cứ một cạnh của phím vật lý nào cả.

Trước khi iPhone ra đời, hầu hết smartphone đều giống như thế này.

Ban đầu, chúng tôi bắt đầu dưới dạng bàn phím Qwerty - phiên bản thu nhỏ của máy tính xách tay hay để bàn. Nhưng nghĩ đến sự tiến hóa về lâu dài, chúng tôi nghĩ ra ý tưởng cho nhiều chữ cái trên một phím. Các hệ thống cảm ứng đa điểm của chúng tôi đều đáp ứng được những nhu cầu này, bạn có thể nhập, trượt trên bàn phím mã Morse hay cho cả chữ và kí tự như dấu chấm, dấu gạch ngang vào văn bản.

Cuối cùng, chúng tôi phát triển lại bàn phím với mỗi chữ cái sẽ được nằm trên một phím duy nhất và đây thực sự là bước đột phá của phần mềm cảm ứng đa điểm này.

Bàn phím iPhone là một trong những phần mềm bàn phím được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.

Vậy đây có phải là bàn phím không giống với những gì mà CEO Steve Jobs nghĩ ra hay không?

Cách làm việc tại Apple hoàn toàn khác so với những gì mà nhiều người nghĩ.

Steve không viết mã code, thiết kế các biểu tượng hay làm đồ họa, mà ông là một người chỉnh sửa (editor). Ông gửi những dạng nhiệm vụ cho chúng tôi và truyền đạt những gì ông muốn. Steve đã nói rằng: "Tôi muốn có một phần mềm riêng cho bàn phím" và cho đến khi chúng tôi làm xong, ông mới quay trở để đánh giá công việc.

Những gì mà Steve Jobs làm chính là đưa ra câu hỏi và nhận lại câu trả lời từ chúng tôi, sau đó sửa lại nó, đây thực sự là công việc rất khó khăn của một editor.

Những đánh giá trở nên đáng sợ nếu ông không thích thứ gì đó. Thế nhưng tôi đánh giá cao vai trò của ông và đây cũng là cách giúp cho phần mềm của bàn phím cảm ứng hoạt động và ngày càng tiến xa hơn. Chính vì thế những quyết định lớn trong giai đoạn này luôn luôn được thực hiện bởi Steve.

Ông thấy thế nào về thuật ngữ "tiết lộ" được nhắc đến trong cuốn sách?

Một trong những nền văn hóa bí mật phát triển tại Apple chính là việc cấm "tiết lộ".

Tôi nghĩ rằng nhiều người cho rằng đây là nền văn hóa khá tiêu cực hoặc công ty không tin tưởng vào bạn. Nhưng theo một khía cạnh tích cực, điều này tạo ta những đội làm việc đoàn kết. Thử nghĩ đến việc bạn đang làm việc cùng nhóm với một người nào đó và họ "tiết lộ" thứ đang làm với phòng ban khác như những bí mật về phần mềm đi kèm, hay thậm chí là những điều bạn chưa biết nhưng người ngoài đã biết rồi.

Chính vì vậy, văn hóa không được tiết lộ tại Apple tạo nên sự gắn kết giữa các nhóm nhỏ trong công ty, điều đó thực sự quan trọng đối với thái độ tổng thể mà mỗi cá nhân cần có.

Ông không biết tên "iPhone" cho đến ngày Steve Jobs tổ chức thông báo công khai, nghĩa là sau đó mới thêm từ "iPhone" vào từ điển của bàn phím đúng không?

Tôi đã có mặt trong khán phòng vào đầu tháng 1/2007 để theo dõi ra mắt iPhone nhưng sáng hôm đó tôi vẫn chưa hề biết sản phẩm sẽ được gọi là gì. Trước đó tên mã cho điện thoại là "Purple" và đây thực sự là một bất ngờ.

Ông có thể đoán được tên khác không?

Có một số tin đồn trước đó nhưng chúng tôi nghĩ điều đó không chắc chắn, bởi cái tên "iPhone" đã được một công ty khác đăng ký nhãn hiệu. Nhưng bằng cách nào đó Steve Jobs đã có được cái tên mà mình mong muốn, còn tôi thì không biết cụ thể vụ việc như thế nào.

Ông nghĩ thế nào khi làm việc với Scott Forstall? (Giám đốc phần mềm bị Steve Jobs đẩy đi năm 2012)

Ông ấy đã cho tôi cơ hội để làm việc trên những sản phẩm như thế này và là người đưa ra quyết định thuê tôi khi tôi đăng ký vào Apple. Scott cho tôi cơ hội tham gia nhóm phần mềm của iPhone khi nhóm mới chỉ có 6 hoặc 8 người làm việc và sau đó được gọi là iOS.

Vì thế tôi cảm thấy biết ơn và nợ ông ấy rất nhiều. Scott thực sự là một người có phong cách riêng tuyệt vời, ông cũng là người có đóng góp quan trọng vào nền văn hóa mà chúng tôi đang nói đến. Cũng giống như Steve Jobs, Scott chỉ cho chúng tôi đi đúng hướng, khuyến khích chúng tôi nhưng cũng vô cùng khắt khe và đòi hỏi cao.

Ông đã nói trong phần kết của cuốn sách rằng văn hóa phát triển phần mềm tại Apple đã thay đổi, nó đã thay đổi như thế nào?

Tôi nghĩ sự khác biệt lớn nhất so với trước đây là Apple hiện tại to lớn hơn rất nhiều. Khi tôi đang làm việc tại Apple, công ty thậm chí còn chưa phát hành iPod hay sản phẩm chính là máy tính Mac. Hiện tại công ty có nhiều sản phẩm và nhóm làm việc cho sản phẩm hơn. Đặc biệt Apple vừa trở thành công ty nghìn tỷ USD, đúng không?

Trở về thời gian khi tôi mới tham gia thì công ty còn đang rất yếu. Trong thời điểm có nhiều dự án lớn hơn nhưng team làm việc của tôi đã phải chật vật để tạo nên hệ điều hành đầu tiên cho điện thoại thông minh. Nhưng tôi nhận ra rằng phong cách làm việc yếu kém lúc đó lại phù hợp với cách tiếp cận của tôi hơn bây giờ.

Điều quan trọng mà mọi người đang nói đến hiện nay là tăng cường thực tế (AR) - đặt kĩ thuật số vào thế giới thực. Nó khiến tôi nghĩ rằng chúng ta chưa có bàn phím đa cảm ứng sử dụng công nghệ thực tế tăng cường. Dựa vào những kiến thức của mình, lời khuyên của ông cho lĩnh vực đang phát triển này là gì?

Tôi nghĩ rằng nó cũng tương tự như với cảm ứng đa điểm tuyệt vời mà chúng tôi đã từng làm trên iPhone đầu tiên. Trước hết chúng tôicó sẵn một công nghệ màn hình cảm ứng và xây dựng hệ thống xung quanh nó và sau đó bạn có thể sử dụng hệ thống đa năng này trên máy tính.

Chính điều này đã tạo nên một hệ sinh thái - nơi mà các nhà phát triển có thể tạo ra ứng dụng riêng của mình, một hệ sinh thái ứng dụng khác được xây dựng xung quanh mô hình giao diện người dùng như ngày nay.

Cách tiếp cận của Apple là làm phong phú môi trường của mình bằng sự sáng tạo và hỗ trợ từ các nhà phát triển. Đồng thời tạo ra sự trải nghiệm rõ ràng và nhất quán cho người dùng. Tôi nghĩ chúng ta có thể chờ đợi điều tương tự xảy ra với thực tế tăng cường, chúng ta cần AR và đây là một công nghệ có tiềm năng.

Tôi nghĩ rằng phần cứng, phần mềm và kết nối mạng đang trên đà kết hợp với nhau, tôi mong vấn đề này sẽ sớm được giải quyết và chắc chắn đặt niềm tin vào công ty cũ của mình. Tôi cũng hy vọng chúng ta sẽ thấy thêm nhiều điều thú vị đến từ Apple trong những năm tới.

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/the-gioi-so/di-dong/cuu-ky-su-apple-chia-se-cong-ty-duoi-thoi-steve-jobs-va-tim-cook-khac-nhau-nhu-the-nao-172241.ict