Cựu lãnh đạo Đà Nẵng gửi đến Quốc hội những bức xúc về giáo dục

Ông Lê Tự Cường, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, hiện là Chủ nhiệm CLB Thái Phiên của các cán bộ hưu trí trung, cao cấp Đà Nẵng gửi gắm cho Đoàn ĐBQH TP bức xúc về những vấn đề của lĩnh vực giáo dục hiện nay

Sắm cái cày trước khi sắm con trâu!

Chiều 25/9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng đã có cuộc tiếp xúc cử tri quận Hải Châu nhằm chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc ngày 22/10 tại Hà Nội. Tại cuộc tiếp xúc cử tri, ông Lê Tự Cường, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng, hiện là Chủ nhiệm CLB Thái Phiên của các cán bộ hưu trí trung, cao cấp TP Đà Nẵng đã “xin phát biểu dài về vấn đề hiện đang rất bức xúc, nhân dân cả nước đang rất quan tâm”. Đó là vấn đề giáo dục của nước ta hiện nay!

Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri quận Hải Châu chiều 25/9 (Ảnh: HC)

Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri quận Hải Châu chiều 25/9 (Ảnh: HC)

Theo ông, Trung ương đánh giá đúng vai trò của giáo dục đối với vận mệnh đất nước nên đã ban hành một Nghị quyết về giáo dục khá chu đáo. Tuy nhiên những năm gần đây, việc Bộ GD&ĐT triển khai Nghị quyết này còn chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, ông Lê Tự Cường kiến nghị, trong kỳ họp Quốc hội sắp đến, nếu Luật Giáo dục được đưa ra xem xét để thông qua thì các vị ĐBQH cần quan tâm tham gia ý kiến thật kỹ vào những vấn đề cụ thể của Luật này.

Trước hết là chương trình giáo dục của quốc gia, hiện vẫn chưa có bộ chương trình chuẩn. Đây là cái chúng ta đang quan tâm mà chưa có mặc dù đã qua hơn 40 năm từ ngày thống nhất đất nước. Trong khi chưa có chương trình chuẩn thì Bộ GD&ĐT lại đang biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) chuẩn. Về quy trình giáo dục, nếu chưa có chương trình chuẩn mà lại ban hành bộ SGK chuẩn thì chẳng khác gì sắm cái cày trước khi sắm con trâu!” - Ông Lê Tự Cường nói.

Bỏ thi môn Lịch sử là vô cùng nguy hiểm

Theo ông, bộ chương trình có thể gồm hai phần: Phần chung và phần riêng. Phần chung là phần khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh, CNTT…) mà trên toàn thế giới ai cũng học, có thể gần gần giống nhau. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên thì Việt Nam không thua kém các nước trên thế giới, nên phần chương trình chung này khá ổn. Vấn đề bức xúc nằm ở phần riêng, tức phần xã hội (Văn, Sử, Địa, Đạo đức công dân…).

Ông Lê Tự Cường nhấn mạnh:“Việc thi tự chọn môn Lịch sử. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có nói: “Một con người không biết lịch sử của đất nước mình thì không khác gì một con trâu đi cày với ai cũng được, cày ruộng nào cũng được”.

Bác Hồ khi từ nước ngoài trở về nước thì tác phẩm đầu tiên Bác viết là “Diễn ca lịch sử Việt Nam”. Cuối bài diễn ca ấy có hai câu: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Nếu học sinh muốn thi Sử cũng được, không thi Sử cũng được thì xin thưa, không em nào học sử cả. Mà không học Sử thì không thể biết mình là ai. Đó là một vấn đề vô cùng nguy hiểm!”.

Ông cho hay, tuy chưa có dịp đi Mỹ nhưng qua tìm hiểu, ông được biết ở Mỹ, học sinh có thể bỏ qua các môn tự nhiên, đang học lớp 5 nhưng trình độ môn Toán đủ khả năng học lớp 6 thì lên lớp 6 học. Lý, Hóa cũng vậy. Nhưng riêng môn Sử thì phải học và thi tuần tự hết lớp 5 lên lớp 6, lớp 7, lớp 8 chứ không được bỏ bẵng. Người nước ngoài muốn trở thành công dân Mỹ, ngoài tiếng Anh là đương nhiên thì còn hai môn phải thi rất khắt khe là lịch sử nước Mỹ và bản Hiến pháp của Mỹ.

Ông Lê Tự Cường, Chủ nhiệm CLB Thái Phiên phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng chiều 25/9 (Ảnh: HC)

“Học sinh ở Mỹ không được bỏ qua môn Sử, trong khi nước này mới có 242 năm lịch sử. Chúng ta có hơn 4.000 năm lịch sử, thế mà lại cho bỏ qua môn Sử, trong khi nước ta là một nước nhỏ và luôn bị các thế lực xâm lược đều nhăm nhe xâm chiếm. Một khi người dân không hiểu lịch sử của đất nước mình thì làm thế nào để bảo vệ đất nước?

Khi Quốc hội đưa Luật Giáo dục ra xem xét, thảo luận để thông qua, tôi xin đề nghị các vị ĐBQH quan tâm chu đáo, cụ thể, chi tiết giùm cho vấn đề này!” – Ông Lê Tự Cường nói.

Không ai tin NXB Giáo dục in SGK lỗ 40 tỉ mỗi năm cả!

Vấn đề bức xúc thứ hai mà ông Lê Tự Cường đề cập là SGK, đặc biệt là tình trạng mỗi năm xã hội phải chi hơn 1.000 tỉ đồng cho SGK nhưng mỗi bộ SGK chỉ dùng được một năm, gây lãng phí rất lớn. Ông Giám đốc NXB Giáo dục lên báo phân trần mỗi năm NXB này phải lỗ 40 tỉ đồng cho việc in SGK, nhưng ông Lê Tự Cường khẳng định không ai tin vào điều đó cả!

“Ở Trung ương tôi không biết, nhưng ở ngay TP Đà Nẵng này có người phụ trách công tác xuất bản giáo dục, nhìn đời sống của họ thì biết là lỗ hay lãi. Thời tôi đi học, một bộ sách chú học để lại cho cháu, anh học để lại cho em, có sao đâu? So với bây giờ kiến thức vẫn vậy, có thua kém gì đâu? Hà cớ gì bây giờ mỗi năm phải thay SGK một lần, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể? Tôi đề nghị Quốc hội phải quan tâm cho chu đáo vấn đề này!” – Ông Lê Tự Cường kiến nghị.

Ông cũng đề nghị trong quá trình dạy học, cho phép thầy cô giáo tự soạn giáo án, cốt sao dạy học sinh đạt hiệu quả tốt là được. Không hà cớ gì bắt giáo viên không được phát huy tính sáng tạo mà phải theo đúng giáo án chuẩn do Bộ GD&ĐT soạn, nhưng hễ có chuyện gì hỏng thì lại quy trách nhiệm cho giáo viên.

Như hiện nay SGK có cả phần bài tập, học sinh ghi câu trả lời lên sách thì khóa sau không thể dùng lại sách đó được nữa mà phải mua sách mới. Nhưng vừa rồi ông Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ lại lên công luận đổ thừa việc đó là do giáo viên chứ Bộ không chủ trương. Không thể đổ cho giáo viên như thế được!

Ông Lê Tự Cường cũng kiến nghị có chính sách cụ thể miễn học phí cho sinh viên các trường sư phạm. Việc thi tuyển vào các trường đại học sư phạm vẫn phải được tổ chức nghiêm túc, ai thi đậu thì trong quá trình học được miễn học phí. Ưu tiên cho ngành sư phạm để họ ra dạy cho con em chúng ta. Nếu được nữa thì miễn học phí cho sinh viên y khoa cũng tốt. Bên cạnh đó, quan tâm vấn đề lương cho giáo viên để họ đủ sống, yên tâm giảng dạy.

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cuu-lanh-dao-da-nang-gui-den-quoc-hoi-nhung-buc-xuc-doi-voi-bo-gddt-post276619.info