Cứu lúa, trừ rầy, không hại cá!

QĐND - Hiện nay, nhiều địa phương đang thực hiện mô hình “một lúa, một cá”, hoặc “hai lúa, một cá” đem lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, mỗi khi lúa có dịch hại, người nông dân buộc phải phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) dẫn đến việc lúa có thể cứu được nhưng cá dưới ruộng sẽ chết vì nhiễm độc.

Nghịch lý ấy đã có lời giải trên đồng ruộng Hà Nam nhờ ứng dụng chế phẩm sinh học… Anh nông dân làng Đông Xấu gặp may! Cánh đồng thôn Đông Xấu, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) thật đẹp, điểm xuyết ven ruộng lúa là ngan ngát những rặng sen lấp ló búp hồng. Lúa xanh mướt mát, nhiều thửa ruộng bông đã ngả màu vàng nhạt, dưới “chân lúa” lách bách tiếng cá quẫy... Thế nhưng, ít ai biết rằng vẻ đẹp đồng quê ấy đã từng bị loài rầy gây hại cho lúa, mà ruộng nhà anh Đoàn Văn Hưng, 45 tuổi, ở thôn Đông Xấu là một điển hình. Để cứu lúa, người nông dân này đã tính đến phương án buộc phải phun thuốc trừ rầy như nhiều người vẫn làm. Thế nhưng, ruộng nhà anh lại đang nuôi cá, nếu làm như vậy thì vô tình giết chết đàn cá đang tuổi lớn. Ang Hưng mất ăn, mất ngủ, râu ria mọc lởm chởm mà không muốn cạo vì lo “cứu lúa, cứu cá”. Nhưng anh đã gặp may! - Thửa ruộng này của nhà tôi rộng khoảng 1,5 mẫu. Vì là chân ruộng trũng nên năm nay tôi nuôi thêm nhiều loại cá như chép, trôi, mè… Chẳng ngờ, khi lúa đang mơn mởn thì “dính” ngay bọn rầy, mật độ khá lớn. Tôi muốn cứu được lúa và cá. Đang loay hoay tìm cách giải quyết thì thấy anh Tân, cán bộ BVTV xã bảo mang chế phẩm sinh học về phun, không phải mất tiền. Không ngờ hiệu quả lắm! Phun mấy lần rồi, cá dưới ruộng vẫn sống bình thường. Còn lúa chỉ ít ngày nữa sẽ thu hoạch, dự kiến đạt khoảng 2,5 tạ/sào - Anh Đoàn Văn Hưng vui vẻ nói. Người giúp anh có loại thuốc trừ rầy “không hại cá” ấy là cựu chiến binh Nghiêm Mẫn, Giám đốc Công ty Cổ phần phân bón và thuốc BVTV Thiên Đức. Ông Mẫn cho biết: “Ngày 8-6 vừa qua, chúng tôi nhận tin ở xã Liêm Túc có mô hình “cấy lúa, nuôi cá” bị nhiễm rầy, với mật độ nhiều tới 5000 con/m2, không xử lý nhanh diện tích lúa này có thể bị cháy hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu xử lý bằng những loại thuốc trừ rầy hiện nay thì sẽ tiêu diệt cá dưới ruộng. Vì vậy, chúng tôi đã dùng chế phẩm sinh học Exin 2.0 SC, là loại thuốc trừ rầy đang được Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ NN&PTNT) cho phép khảo nghiệm trên diện rộng, không độc hại cho người và môi trường. Chúng tôi tiến hành phun 2 lần, hiện tại rầy còn rất ít, không còn khả năng gây hại”. Gặp chúng tôi, ông Đoàn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm HTX Đông Cầu, xã Liêm Túc, thật thà: “Diện tích lúa của xã tôi khoảng 200ha, hầu như năm nào cũng bị rầy tấn công. Năm nay, để cứu lúa và cá nhà anh Hưng, chúng tôi thử dùng loại thuốc Exin 2.0 SC, thấy hiệu quả rất tốt bởi có 3 cái lợi: Không độc hại cho người phun, cá không chết và cứu được lúa. Dùng chế phẩm sinh học là đòi hỏi cấp thiết! Còn nhớ năm ngoái, khi về huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) công tác, chúng tôi đã chứng kiến nỗi bức xúc của bà con nuôi thủy sản về chuyện: Mỗi lần tháo nước lúa trên đồng thì tôm và ngao vùng ven biển lại chết vì… ngộ độc thuốc trừ sâu. Cũng vì chuyện này mà nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải Vũ Đức Hằng tuyên bố: Chỉ khi nào có quyết định của ông thì các xã mới được “tháo cống”! Ông Hằng bày tỏ: “Hằng năm, nông dân huyện Tiền Hải bị thiệt hại nuôi ngao, tôm, cá chết vì nguồn nước bị nhiễm độc do thuốc BVTV trên đồng đổ ra cửa biển. Vì thế, sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học là đòi hỏi rất cấp thiết đối với một số huyện ven biển như chúng tôi”. Trở lại với chuyện “cứu lúa mà không hại cá” ở làng Đông Xấu, theo Tiến sĩ Bạch Văn Huy, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Hà Nam: Đối tượng rầy nâu và rầy lưng trắng là cực kỳ nguy hiểm cho lúa. Từ trước tới nay, tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, trong đó có sử dụng biện pháp hóa học với gần 100 loại thuốc BVTV. “Mặc dù có hiệu quả trừ dịch hại nhưng các loại thuốc này cũng để lại nhiều hậu quả như: Ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm, hiện tượng kháng thuốc và bùng phát dịch ở các vụ sau... Chính vì thế, chúng tôi rất trăn trở làm sao sớm có sản phẩm hạn chế độc hại với môi trường, không gây kháng thuốc mà vẫn bảo vệ được lúa, được cá. Vừa qua, Chi cục BVTV tỉnh đã hợp tác với Công ty Cổ phần phân bón và thuốc BVTV Thiên Đức thử nghiệm chế phẩm sinh học Exin 2.0 SC, bước đầu có triển vọng. Chúng tôi đang đề nghị với Công ty tiếp tục nhân rộng mô hình này trước khi khuyến cáo nhân ra diện rộng - Tiến sĩ Huy bày tỏ. Chúng tôi được biết, tỉnh Hà Nam hiện có diện tích hơn 35.000ha lúa, trong đó khoảng 2000ha thực hiện “trên lúa, dưới cá”. Việc áp dụng thành công mô hình “cứu lúa, trừ rầy, không hại cá” sẽ mở ra triển vọng mới trong sản xuất nông sản sạch trên đồng ruộng Việt Nam. Lê Thiết Hùng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/2/97/97/151716/Default.aspx