Cựu Ngoại trưởng Đức tố Ukraine lôi kéo Đức vào cuộc xung đột với Nga

Trước sự cố trên biển Đen giữa Nga và Ukraine, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel cho rằng Berlin không nên tham gia vào cuộc chiến, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào vai trò hòa giải của Thủ tướng Đức Merkel để tránh căng thẳng leo thang.

Cựu Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel

Hôm 2/12, trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình N-TV của Đức, khi đề cập đến xung đột gần đây giữa Nga và Ukraine trên Biển Đen, cựu Bộ trưởng Ngoại giao nước này, ông Sigmar Gabriel nhận định rằng Ukraine đã cố gắng lôi kéo Đức tham gia vào cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Nhà ngoại giao nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng trong mọi trường hợp chúng ta không nên để Ukraine lôi kéo vào cuộc chiến. Ukraine đã cố làm điều đó".

Tuy nhiên, ông Gabriel cũng cáo buộc Nga "vi phạm luật pháp quốc tế" và bày tỏ hy vọng rằng Thủ tướng Angela Merkel sẽ có thể thành công trong việc "thúc đẩy bình thường hóa quan hệ hai nước".

Trong khi đó, ngày 2/12, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã hối thúc Đức và các đồng minh tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Đen nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của Nga tại khu vực này.

Tổng thống Ukraine Poroshenko

Trả lời phỏng vấn Tập đoàn truyền thông Funke của Đức, ông Poroshenko nói: "Chúng tôi cần sự hiện diện quân sự lớn hơn của Đức và các đồng minh của họ tại Biển Đen, như một nhân tố răn đe đối với Nga".

Theo ông Poroshenko, cộng đồng quốc tế cũng cần xem xét mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga và việc đình chỉ xây dựng dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.

Ông Poroshenko đã liên tục kêu gọi phương Tây tăng cường hiện diện tại Biển Đen sau vụ 3 tàu hải quân Ukraine tiến vào lãnh hải Nga gần eo biển Kerch.

Nga bắt 3 tàu Ukraine

Sự cố trên Biển Đen

Hôm 25/11, Nga cáo buộc ba tàu của Hải quân Ukraine là Berdyansk, Nikopol và Yany Kapu vi phạm biên giới nước này, khi đi vào vùng biển tạm thời đóng cửa trên lãnh hải Nga và di chuyển từ Biển Đen đến Eo biển Kerch.

Moscow cho rằng các tàu này có những hành động nguy hiểm, và làm ngơ lệnh dừng tàu của Lực lượng an ninh Nga. Ba tàu Ukraine cùng với 24 thủy thủ đã bị bắt giữ, Nga thậm chí đã mở một vụ án hình sự đối với các thủy thủ này về hành vi vi phạm biên giới bất hợp pháp.

Moscow cho rằng đây là một sự khiêu khích có liên quan đến việc Tổng thống Petro Poroshenko không có được tín nhiệm cao trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine sắp tới.

Hôm 29/11, Ukraine đã áp dụng chế độ thiết quân luật đối với mười vùng trên lãnh thổ đất nước, đặc biệt là Lugansk và Donetsk, và vùng lãnh hải nội địa Azov-Kerch trong 30 ngày. Chế độ này hạn chế tạm thời các quyền tự do của công dân, bao gồm quyền tham gia bầu cử, tự do tư tưởng và diễn thuyết.

Về phần mình, Đức cũng như một số nước phương Tây chỉ trích việc Nga phong tỏa eo biển Kerch dẫn vào biển Azov, tuy nhiên Berlin cũng cho biết sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải để tránh tình hình căng thẳng leo thang.

Trí Đức (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cuu-ngoai-truong-duc-to-ukraine-loi-keo-duc-vao-cuoc-xung-dot-voi-nga-post283659.info