Cựu Phó Vụ trưởng VKSNDTC nói gì về Quyết định tạm đình chỉ điều tra của Công an TP Thái Bình?

Quyết định phục hồi điều tra vụ án, cần phải xem xét ngay quyết định tạm đình chỉ điều tra trước đó, vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật…

Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự "Cố ý gây thương tích" xảy ra cách đây 6 năm.

Với nội dung anh Mai Thế Duy tố cáo bị Nguyễn Xuân Đường đánh vỡ quai hàm tại trụ sở công an phường Trần Lãm, Thái Bình vào năm 2014.

Ông Đỗ Xuân Tựu, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự VKSND tối cao.

Như Phapluatplus.vn đã đưa tin; Cơ quan chức năng cần điều tra ráo riết, nếu có “chống lưng” phải xử nghiêm để củng cố niềm tin của người dân vào Cơ quan bảo vệ pháp luật.

Khi Nguyễn Xuân Đường bị bắt, dư luận đặt câu hỏi, vì sao bao nhiêu năm Đường bị tố cáo về hành vi “cố ý gây thương tích” nhưng chưa từng bị xử lý hình sự?

Cụ thể, trước đó, năm 2019, báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn thư của bà Đinh Thị Lý (trú tại số nhà 2, ngõ 331, phố Lý Thường Kiệt, tỉnh Thái Bình) tố cáo nhóm người do Nguyễn Xuân Đường (chồng Dương) chỉ đạo đánh đập mẹ con bà vào sáng 18/11/2014.

Con trai bà là anh Mai Thế Duy bị vỡ xương hàm mặt, phải mổ và phẫu thuật đóng đinh.

Hinh ảnh anh Mai Thế Duy nằm viện điều trị.

Kết quả trưng cầu giám định pháp y tại Trung tâm Pháp y Thái Bình thể hiện con bà bị thương tật 15%. Đã nhiều năm gia đình bà Lý đi tố cáo nhưng đến nay chưa được xử lý.

Trả lời câu hỏi của Phapluatplus.vn, về việc Cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra đối với vụ án “Cố ý gây thương tích” nói trên; ông Đỗ Xuân Tựu, (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành Quyền công tố và xét xử hình sự, VKSND tối cao) cho biết:

“Theo tài liệu mà cơ quan báo chí nêu, vụ án này đã được Công an tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án vào ngày 5/1/2015, theo Khoản 2, Điều 134 Bộ luật hình sự. Căn cứ vào Điều 27 Bộ luật hình sự 2015, về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì vụ án này từ khi khởi tố đến khi có quyết định phục hồi điều tra là 5 năm ( thời hiệu đối với tội phạm nghiêm trọng) nên không có vi phạp về áp dụng pháp luật, không vi phạm về pháp luật tố tụng hình sự”.

ÔngTựu cho biết thêm, nếu chỉ xét đơn thuần về số năm để ra quyết định phục hồi điều tra thì không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, trước đó, cơ quan điều tra đã ra kết luận tạm đình chỉ điều tra.

Người ra quyết định tạm đình chỉ điều tra hẳn phải đưa ra những căn cứ pháp lý thuyết phục, khách quan.

Để kết luận được việc ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án có đúng với pháp luật, thì Cơ quan có thẩm quyền phải xem xét việc tạm đình chỉ điều tra đúng, sai như thế nào?

Các cơ quan có thẩm quyền cần điều tra công tâm, thu thập chứng cứ, để đưa ra kết luận chính xác. Chúng ta chờ câu trả lời của họ.

"Cá nhân tôi cho rằng, quyết định tạm đình chỉ trước đó cần phải xem xét ngay vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự”, ông Tựu nhận định.

Ly Ly

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/cuu-pho-vu-truong-vksndtc-noi-gi-ve-quyet-dinh-tam-dinh-chi-dieu-tra-cua-cong-an-tp-thai-binh-d122610.html