Cứu sống bé 16 ngày tuổi sốt cao, rốn lồi lên do mẹ không tiêm ngừa trong thai kỳ

Mất hơn 1 tháng tích cực điều trị, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ mới chữa trị thành công cho em bé sơ sinh 16 ngày tuổi này.

Trước đó bé trai tên L.D.L ở tỉnh Hậu Giang, sốt cao, co gồng, bú kém. Bé đã điều trị ngoại trú không giảm, nên gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ.

Tại đây các bác sĩ Khoa Sơ sinh đã thấy bệnh nhi co gồng hai chi trên, duỗi cứng hai chi dưới liên tục, tăng trương lực cơ toàn thân, rốn lồi cao, rỉ dịch đục và hôi, da rốn sạm. Qua các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bé bị uốn ván rốn. Tiền sử mẹ của bé không tiêm ngừa uốn ván trước và trong thai kỳ.

Sau hơn tháng điều trị bằng thở máy, an thần, dãn cơ, kháng sinh, hạ sốt, nuôi ăn qua đường tĩnh mạch và chăm sóc rốn, bé L đã gần như khỏi bệnh hoàn toàn, trương lực cơ và vận động bình thường, bú tốt và tăng cân đều.

Mất hơn 1 tháng tích cực điều trị, các bác sĩ mới chữa trị thành công cho em bé sơ sinh 16 ngày tuổi này.

Tại sao bà bầu phải tiêm vắc-xin phòng uốn ván?

Uốn ván là một loại bệnh nhiễm trùng cấp tính, có tỷ lệ tử vong rất cao do độc tố của trực khuẩn Clostridium tetani có khả năng gây hại rất mạnh. Loại trực khuẩn này có mặt ở khắp mọi nơi, khả năng sinh sôi và tồn tại của nó rất mạnh, ngay cả việc đun sôi ở thời gian dài cũng không tiêu diệt triệt để được.

Đặc biệt, khi mắc uốn ván, tỷ lệ tử vong rất cao (> 90%). Nếu trẻ sơ sinh mắc này thì nguy cơ tử vong có thể lên đến 95%. Và đối tượng có nguy cơ mắc phải bệnh là những người có vết thương hở ngoài da, phụ nữ trong quá trình chuyển dạ sinh nở, trẻ sơ sinh qua đường cắt rốn...

Ngoài ra, theo nhận định của các bác sỹ, việc tiêm vắc-xin phòng uốn ván cho bà bầu thực chất là tiêm trước phơi nhiễm, tạo kháng thể cho mẹ để tránh việc lây nhiễm khi chuyển dạ, đồng thời có thể truyền kháng thể từ mẹ sang cơ thể của bé, để hạn chế tối đa việc bị nhiễm uốn ván khi cắt dây rốn.

Chính vì vậy, tiêm vắc-xin phòng uốn ván cho bà bầu là việc làm cực kỳ quan trọng. Vắc-xin sẽ giúp bảo vệ thai kỳ của chị em tránh được tác nhân gây hại bên ngoài, nhất là khi chuyển dạ có thể ngăn chặn trực khuẩn uốn ván tấn công cả mẹ và con.

Lịch tiêm phòng cho thai phụ mang thai lần đầu

Với những chị em mới lần đầu mang thai, trước đó chưa tiêm vắc-xin phòng uốn ván hay vắc-xin phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi vắc-xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản sẽ được tiêm 2 mũi:

Mũi 1: Được tiêm khi thai kỳ được khoảng 20 tuần trở lên, không nên tiêm quá sớm vì những tuần đầu thai nhi chưa ổn định

Mũi 2: Được tiêm sau mũi tiêm đầu 1 tháng ( tối thiểu 28 ngày) và phải tiêm trước khi sinh ít nhất 1 tháng.

Lịch tiêm phòng cho bà bầu mang thai lần 2

Với những chị em trước khi mang thai đã tiêm phòng đủ 5 mũi vắc-xin phòng uốn ván, mũi cuối cùng cách không quá 10 năm thì không cần phải tiêm vắc-xin phòng uốn ván. Nhưng nếu thời gian tiêm quá 10 năm thì cần phải tiêm nhắc lại 2 mũi.

Còn với những người ở thai kỳ trước đã tiêm 2 mũi, đến thai kỳ sau cách không quá 10 năm thì chỉ cần tiêm 1 mũi vắc-xin phòng uốn ván từ tuần 20 trở đi. Việc tiêm phòng vắc-xin cho bà bầu thêm 1 mũi nhắc lại này cũng rất quan trọng, các mẹ bầu mang thai lần 2, lần 3 cần chú ý.

Thảo Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cuu-song-be-16-ngay-tuoi-sot-cao-ron-loi-len-do-me-khong-tiem-ngua-trong-thai-ky-512022291191454998.htm