Cứu sống người té xe chấn thương sọ não, vỡ túi phình mạch máu não

Một trường hợp hy hữu: vỡ túi phình mạch máu não đi kèm chấn thương sọ não nặng, gãy mất vững cột sống cổ C4-C5 đã được điều trị thành công nhờ sự phối hợp chuyên khoa...

Hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị bể lún sọ - Ảnh: Phong Phạm

Hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị bể lún sọ - Ảnh: Phong Phạm

Theo y văn thế giới, xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình ở bệnh nhân trẻ tuổi là tình trạng bệnh ít gặp. Đặc biệt trong tình huống này là xảy ra sau tai nạn giao thông nên rất dễ bỏ sót do bác sĩ điều trị thường chủ quan, lầm tưởng xuất huyết dưới nhện lành tính do chấn thương.

Nếu túi phình mạch máu não vỡ nhưng lại bị bỏ sót sẽ dẫn đến không điều trị hoặc điều trị chậm trễ, nguy cơ bệnh diễn tiến nặng sẽ rất cao, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50% trong thời gian theo dõi 6 tháng.

Mới đây, có trường hợp nạn nhân té xe bị chấn thương sọ não, vỡ túi phình mạch máu não được điều trị thành công. Đó là anh Nguyễn Văn S. (19 tuổi, quê ở H.Phụng Hiệp, Hậu Giang).

Chiều 24.8.2019, anh S. bị tai nạn giao thông và được đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng tỉnh chậm, vết thương vùng đỉnh đầu bên (T) lộ xương sọ lún bên dưới kèm chảy máu nhiều.

Túi phình trước khi can thiệp - Ảnh: Phong Phạm

Và sau khi can thiệp - Ảnh: Phong Phạm

Kết quả CT-scan sọ não cho thấy nạn nhân có tình trạng bể lún sọ vùng đỉnh (T) kèm tụ khí nội sọ - xuất huyết khoang dưới màng nhện lượng nhiều. Chụp X-quang cột sống cổ cho thấy gãy mất vững cột sống cổ C4-C5.

Kết quả hội chẩn giữa bác sĩ ngoại thần kinh và bác sĩ can thiệp nội mạch thống nhất chẩn đoán: bể lún sọ đỉnh (T) kèm xuất huyết dưới nhện nghi ngờ có vỡ phình mạch máu não sau tai nạn giao thông.

Sau khi giải thích với người nhà, các bác sĩ đã chỉ định mổ cấp cứu ngay trong đêm. CT-Scan sọ não kiểm tra sau mổ cho thấy đã lấy hết phần xương lún đâm vào mô não, tuy nhiên tình trạng xuất huyết dưới nhện vẫn còn nhiều. Bệnh nhân đã được chụp hình mạch máu não số hóa nền (DSA) và phát hiện có 1 túi phình mạch máu não ở động mạch thông sau thuộc hệ cảnh trong bên trái.

Vỡ phình động mạch não là một cấp cứu nội khoa bắt buộc phải điều trị can thiệp bằng cách này hay cách khác. Mục đích của can thiệp là loại bỏ phình mạch ngăn chặn chảy máu tái phát do vỡ lại.

72 giờ sau lần mổ đầu tiên, bệnh nhân tiếp tục được chỉ định can thiệp bít phình mạch máu não bằng vòng xoắn kim loại. Sau gần 3 giờ can thiệp căng thẳng, các bác sĩ cùng ê kíp điều dưỡng, kỹ thuật viên đã điều trị bít hoàn toàn túi phình mạch não, bảo tồn tốt mạch máu mang túi phình.

Nạn nhân nhanh chóng hồi phục chỉ vài giờ sau can thiệp. Tình trạng bệnh nhân hiện ổn định, sinh hoạt bình thường và được dự kiến phẫu thuật điều trị cột sống cổ vào những ngày tới.

Can thiệp mạch máu não điều trị túi phình mạch máu não là phương pháp kỹ thuật chuyên sâu được thực hiện tại một số ít bệnh viện lớn, với hiệu quả cao, ít xâm lấn cũng như tỷ lệ biến chứng thấp.

Hiện nay chưa có biện pháp nào có thể ngăn chặn việc hình thành và phát triển của phình mạch não, biện pháp hữu hiệu duy nhất là phát hiện phình mạch và can thiệp trước khi nó vỡ. Phình mạch não có thể được phát hiện thông qua chụp cắt lớp vi tính mạch máu não hoặc chụp cộng hưởng từ mạch máu não, chụp mạch số hóa xóa nền.

Những người nên khảo sát phình mạch não: trong gia đình có bệnh nhân phình mạch, bệnh gan thận đa nang, người tuổi cao, hút thuốc, uống nhiều rượu, vữa xơ mạch máu, nghiện ma túy, tiền sử hay đau đầu…

Phong Phạm

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/cuu-song-nguoi-te-xe-chan-thuong-so-nao-vo-tui-phinh-mach-mau-nao-120671.html