Cứu sống thanh niên mắc bệnh lý lần đầu tiên ghi nhận ở Việt Nam

Sáng 1.3, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin về ca bệnh mắc hội chứng thoát dịch mao mạch hệ thống vô căn (Clarkson’s Disease). Đây ca đầu tiên mà bệnh viện ghi nhận. Ở các bệnh viện khác trên cả nước cũng chưa có báo cáo nào về trường hợp tương tự. Còn theo y văn thế giới, từ trước đến nay có ít hơn 200 ca mắc hội chứng này.

Bệnh nhân được điều trị tại Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy(ảnh: BS Quang Đại)

Bác sĩ Huỳnh Quang Đại – Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân là em Nguyễn Thành T (20 tuổi, ngụ ở tỉnh Bình Dương). T hiện đang là sinh viên năm thứ 2. T được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” huyết áp không đo được, mạch nhanh và yếu, sưng nề và tím bàn chân phải.
Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị cô đặc máu với dung tích hồng cầu là 70% (bình thường chỉ khoảng 40%) bạch cầu tăng gấp 10 lần chỉ số bình thường. Bệnh nhân còn gặp tình trạng chèn ép khoang hai cẳng chân, hoại tử cơ và suy thận.

Nhận thấy đây là một trường hợp bệnh nặng, diễn tiến bệnh nhanh, nguy hiểm đến tính mạng, cộng với bệnh lý đặc biệt, khó chẩn đoán, ngay lập tức Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức hội chẩn. Các bác sĩ đã loại trừ được một số bệnh thường gặp như sốt xuất huyết, sốc nhiễm trùng, sốc phản vệ hay thuyên tắc phổi, viêm tụy cấp... Sau khi tra cứu y văn, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị sốc do hội chứng thoát dịch mao mạch hệ thống vô căn hay còn gọi là Clarkson's Disease.

Các bác sĩ đã quyết định nâng huyết áp bệnh nhân bằng truyền albumin, dịch phân tử, truyền globulin miễn dịch và thuốc ức chế miễn dịch. Tình trạng huyết áp bệnh nhân cải thiện. Sau bảy ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, được xuất viện và có thể đi học trở lại. Tuy nhiên, hai chân bệnh nhân vẫn còn yếu và sẽ tái khám sau một tháng.
Theo bác sĩ Quang Đại, trên thế giới, trước đây, bệnh Clarkson's disease có tỷ lệ tử vong khá cao (75%), hiện còn khoảng 35%. Bệnh nhân mắc bệnh có thể có 3 triệu chứng điển hình gặp phải là tụt huyết áp, cô đặc máu nặng và giảm albumin máu. Bệnh có thể tái phát 3-5 năm nếu có yếu tố stress thể chất hoặc tâm lý. Người bệnh có thể tử vong ngay ngày đầu tiên nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bệnh nhân hồi phục sau 7 ngày điều trị (ảnh BS Quang Đại)

Người nhà cho biết, chiều trước nhập viện 1 ngày, T tập thể dục ở trường, chạy điền kinh khoảng 1km. Về nhà, bệnh nhân thấy đau nhẹ hai bắp chân, mệt mỏi, vã mồ hôi, ói. Đến sáng hôm sau, T bị chóng mặt, vã mồ hôi, mệt nhiều, đau hai bắp chân nhiều hơn. T được gia đình đưa đến khám ở một phòng khám gần nhà.

Tại đây, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị sốc nặng, huyết áp không đo được. Xét nghiệm máu cho thấy máu bị cô đặc nặng. Em được truyền hơn 4 lít dịch nhưng huyết áp vẫn chưa cải thiện nên được chuyển đến bệnh viện tỉnh Bình Dương. Tại Bệnh viện, T được tiếp tục truyền dịch, sử dụng thuốc nâng huyết áp. Sau đó, vì tình trạng bệnh nhân quá nặng và khó chẩn đoán, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/y-duc-y-nghiep/cuu-song-thanh-nien-mac-benh-ly-lan-dau-tien-ghi-nhan-o-viet-nam-523260.bld