Cựu Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc: Nước mắt vẫn mặn mòi

Chiều trung tuần tháng 7, bà Nguyễn Thị Hường (68 tuổi, cựu TNXP Tiểu đội 4, Đại đội C552) rưng rưng nhớ về 10 nữ đồng đội hi sinh ở Ngã ba Đồng Lộc cách đây tròn nửa thế kỷ. Bà Hường chung tiểu đội với 10 nữ liệt sĩ được 8 tháng. Ngày các chị hi sinh, bà đi làm nhiệm vụ ở huyện khác, chỉ kịp nhận hung tin từ những tiếng bom nổ inh tai trên bầu trời Can Lộc.

Còn đó những trăn trở, khó khăn

Bà Hường kể, ngày trước, đại đội C552 nữ nhiều hơn nam, tiểu đội 4 có 14 nữ thanh niên xung phong, bà thân thiết nhất với chị Hồ Thị Cúc (tiểu đội phó) và chị Trần Thị Hường. Thời đó, dù cuộc sống vất vả song mọi người luôn có tinh thần lạc quan. “Thời điểm ấy mới chỉ có một vài cô có người yêu. Mỗi khi rảnh rỗi thì rủ nhau đi lấy củi, hễ ai có thư ở nhà gửi lên thì tranh nhau để xem”, bà Hường nhớ lại.

Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Hường

Sau ngày hi sinh của 10 nữ đồng đội, bà Hường làm việc ở tiểu đội 4 một thời gian ngắn nữa rồi chuyển vào mặt trận Vĩnh Linh (Quảng Trị). Chiến tranh kết thúc, bà trở quê, chuyển sang làm ngành thương nghiệp, lập gia đình với một cựu binh, sinh được 3 người con. Năm 1990, bà Hường về hưu, hiện sống trong căn nhà cấp bốn ở TP Hà Tĩnh, các con cũng đã có cuộc sống ổn định.

Cựu nữ thanh niên xung phong Đồng Lộc tâm sự, những năm tháng ở chiến trường, phải ngâm mình dưới nước nhiều giờ, thường xuyên đội nắng làm nhiệm vụ nên bây giờ sức khỏe yếu, thường đau nhức toàn thân, nhiều lúc nằm ngủ mà không thể trở mình nổi. “Tiểu đội 4 ngày ấy còn có 4 nữ thanh niên xung phong sống sót. Họ sau đó đều chuyển ngành, người thì làm công ty may mặc, người thì làm sở công thương, người chuyển về đội vận tải”, bà Hường cho biết.

Bà Hường bảo, bà cảm thấy mình rất may mắn khi có được một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Với nhiều đồng đội ngày xưa từng chung chiến tuyến, họ thiếu may mắn khi không có được mái ấm gia đình trọn vẹn. “Do phải làm việc cật lực dưới thời tiết khắc nghiệt nên nhiều nữ thanh niên xung phong mắc bệnh nặng, khi lấy chồng thì mất đi thiên chức làm mẹ, từ đó gia đình lục đục, vợ chồng hay mâu thuẫn. Có những người khác biết mình không có khả năng sinh con thì không lấy chồng, xin con nuôi. Một số khác tìm đến chốn thanh tịnh nơi cửa phật nương tựa”, giọng bà Hường trầm buồn kể về đời sống của đồng đội sau chiến tranh.

Cũng chung tâm trạng với người bạn ngày xưa từng chung chiến tuyến, bà Nguyễn Thị Ngọc Hợi (69 tuổi, trú huyện Hương Khê) cho biết, những ngày tháng 7 lịch sử, nhớ về đồng đội mà nước mắt lưng tròng. Bà Hợi hiện sống trong căn nhà nhỏ ở xã Hương Xuân, huyện Hương Khê), bà có 4 người con (3 gái, một trai).

Với chế độ hỗ trợ của Nhà nước mỗi tháng 2 triệu đồng, cuộc sống hiện tại của bà Hợi khá tằn tiện, phải cân đo đong đếm mới đảm bảo được chi tiêu hàng ngày. Hiện bà bị mất sức, bị viêm họng mãn tính, thiểu năng tuần hoàn não nên tiền thuốc thang cũng phải tiêu tốn rất nhiều. “Tôi giờ chỉ ước bệnh tật mau thuyên giảm để sống lâu dài bên con cháu. Khó khăn vẫn còn, song tôi không cầu mong kinh tế cho mình, mà muốn dành nó cho những cựu đồng đội ở Đồng Lộc. Thỉnh thoảng liên lạc, có người khóc qua điện thoại, nói cuộc sống vất vả, vợ chồng thường xuyên lục đục mà thương lắm”, bà Hợi kể.

Nhiều đêm bật dậy lật giở “kỷ vật thời máu lửa”

Ông Nguyễn Thế Linh (78 tuổi, trú xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc), nguyên C trưởng C552 Ngã ba Đồng Lộc, cho biết, ngày xưa đại đội có nhiều nữ thanh niên xung phong, sau này khi về cuộc sống đời thường, mỗi người có một ngã rẽ khác nhau, thi thoảng gặp lại, ai cũng trút bầu tâm sự. “Các nữ thuộc cấp của tôi hồi ấy, hiện có 30% có cuộc sống đang còn rất khổ, có người không chồng, không con, bệnh tật đầy mình. 60% là có chế độ thương tật, cuộc sống tạm ổn. 10% còn lại là cuộc sống tốt, có gia đình hạnh phúc, con cái đủ đầy”, ông Linh cho hay.

Ông Nguyễn Thế Linh, nguyên C trưởng C552

Một cựu nữ thanh niên xung phong tên Tâm (trú huyện Lộc Hà) tâm sự, trở về cuộc sống thường ngày vào năm 1992, bà lúc ấy đã muộn chồng nên ở vậy, nhận thêm vài sào ruộng để kiếm việc làm, mỗi mùa vụ thu hoạch kiếm kế sinh nhai. Bà buồn bởi mình vẫn đang nhận trợ cấp ít ỏi thuộc diện người già neo đơn, chứ chưa có được chế độ hỗ trợ cho những năm tháng ở chiến trường.

Tôi cứ ám ảnh mãi khi nghe lời tâm sự đầy lòng trắc ẩn của bà Tâm: “Nhiều đêm nằm ngủ, nghĩ về đồng đội ngày xưa mà tôi lại rơm rớm nước mắt. Có lúc tôi bật dậy, lấy những kỷ vật lưu giữ ở Đồng Lộc ra xem. Nói ra thì mọi người bảo là kể lể, nhưng giờ phận già, sống vò võ trong căn nhà lụp xụp, nhìn thấy con cháu người ta chơi đùa xung quanh mà lòng tôi quặn thắt”.

Hà Khê - Phương Phương

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/cuu-thanh-nien-xung-phong-nga-ba-dong-loc-nuoc-mat-van-man-moi-post46151.html