Cựu Thứ trưởng Giáo dục chế tạo máy đo thân nhiệt từ xa

'Khi thấy rằng lúc đo thân nhiệt, cán bộ y tế và người được đo phải đứng sát nhau dễ gây ra lây nhiễm chéo, nên tôi lên ý tưởng về máy đo thân nhiệt từ xa và thực hiện trong 3 ngày' – GS Bùi Văn Ga chia sẻ.

Với mục đích tránh sự lây nhiễm chéo virus SARS-CoV-2, nhóm nghiên cứu của ĐH Đà Nẵng mà đứng đầu là GS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đã chế tạo ra hệ thống đo thân nhiệt từ xa.

Đo thân nhiệt không giới hạn khoảng cách

Từ ngày 19/3, máy đưa vào vận hành và được lắp đặt ở cổng ĐH Đà Nẵng. Cán bộ, công nhân viên và khách ra vào đều được đo thân nhiệt với khoảng cách an toàn vì người đo và người được đo cách xa nhau.

Vừa thao tác vận hành máy, GS Ga vừa giải thích về cấu tạo của "đứa con" tinh thần: Hệ thống được thiết kế đơn giản, bao gồm 1 nhiệt kế hồng ngoại đo nhiệt độ như các cán bộ y tế sử dụng bình thường, 1 camera để ghi lại hình ảnh nhiệt độ, 1 hệ thống công tắc điều khiển để đo, 1 thiết bị nâng lên hạ xuống phù hợp với chiều cao của người được kiểm tra.

GS Bùi Văn Ga đang điều chỉnh hệ thống

GS Bùi Văn Ga đang điều chỉnh hệ thống

Hệ thống được vận hành nâng lên - hạ xuống tùy độ cao người được đo thân nhiệt. Khi khách đứng gần máy, nhân viên y tế ở trong phòng kính sẽ thao tác rất nhanh, kết quả sẽ hiển thị trên máy tính.

Sau đó kết quả sẽ được truyền từ camera đến màn hình máy tính. Điều này giúp cho công việc của cán bộ y tế dễ dàng hơn khi có thể ngồi bất cứ nơi đâu cũng thực hiện được nhiệm vụ.

Khách đo thân nhiệt đứng cách xa vị trí của cán bộ y tế

“Vật liệu sử dụng để chế tạo sẵn có trên thị trường với giá thành ai cũng có thể làm được” – GS Ga cho biết thêm. Nếu như một máy đo thân nhiệt từ xa trên thị trường có giá từ 300-400 triệu đồng thì hệ thống này chỉ chưa đến 10 triệu đồng.

Trong 2 ngày, 3 tỉnh thành đặt vấn đề chuyển giao công nghệ

GS Ga vui vẻ cho biết dù chỉ mới đi vào hoạt động 2 ngày nhưng đã có rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp gọi điện tìm hiểu, đặt hàng và mong muốn nhóm nghiên cứu chuyển giao cộng nghệ để phát triển đại trà.

“Những người làm khoa học khi có sản phẩm mới đều mong muốn không chỉ đưa vào sử dụng riêng tại ĐH Đà Nẵng mà còn phát triển ra ngoài, trước mắt là tại các bệnh viện, nơi công cộng…trong mùa dịch này” – GS Ga bày tỏ.

Đo thân nhiệt cho khách

Ông nói, phần chuyển giao công nghệ có thể miễn phí hoàn toàn nếu có doanh nghiệp hoặc cơ quan muốn phát triển hệ thống này vì lợi ích cộng đồng.

Trước mắt, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng đã đặt hàng hệ thống này, BV Đa khoa thành phố Đà Nẵng đăng kí trước 3 cái, một doanh nghiệp đứng ra xin tài trợ 7 máy ở các chốt kiểm tra của TP Đà Nẵng.

"Không chỉ vậy, Hà Nội, TP.HCM, Quy Nhơn cũng đang xin chuyển giao công nghệ để chế tạo” – GS Ga nói về thành quả bước đầu.

Hệ thống đo thân nhiệt từ xa do nhóm nghiên cứu của ĐH Đà Nẵng chế tạo

Đại diện một doanh nghiệp đang cùng chúng tôi quan sát hoạt động của máy chia sẻ “Tôi đang tìm hiểu để đặt hàng. Đứng quan sát và trực tiếp được đo, tôi thấy khá yên tâm vì khoảng cách người đo và được đo cách xa nhau, thậm chí được ngăn cách bởi cửa kính. Việc này giúp cán bộ y tế và người được đo phòng tránh được việc lây nhiễm chéo.

GS Ga nói thêm: “Những khó khăn của việc làm này là lên ý tưởng và giải pháp công nghệ cho phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, rất cần sự tiếp sức từ cộng đồng để nghiên cứu có sức lan tỏa nhanh, giúp mọi người yên tâm phòng chống dịch bệnh”.

Nguyễn Hiền - Công Sáng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/cuu-thu-truong-giao-duc-che-tao-may-do-than-nhiet-tu-xa-626114.html