Cựu Tổng Giám đốc PVEP lĩnh án 3 năm tù vì nhận lãi ngoài

Cuối giờ chiều ngày 31/5, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Văn Khạnh - cựu Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) - cùng hai đồng phạm về tội 'Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản'.

Cựu Tổng Giám đốc PVEP Đỗ Văn Khạnh (giữa) cùng hai đồng phạm.

Cựu Tổng Giám đốc PVEP Đỗ Văn Khạnh (giữa) cùng hai đồng phạm.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Tuấn Hùng (cựu Trưởng Ban Tài chính PVEP) bị tuyên phạt 20 năm tù, Vũ Thị Ngọc Lan (cựu Phó Tổng giám PVEP) 18 tháng tù và Đỗ Văn Khạnh (cựu Tổng Giám đốc PVEP, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Dầu khí - PVD lĩnh 3 năm tù.

Quá trình xét xử, tòa sơ thẩm làm rõ, PVEP là Công ty TNHH Nhà nước một thành viên, vốn điều lệ 59.700 tỷ đồng và trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Từ năm 2009 - 2014, thực hiện chỉ đạo của PVN, PVEP đã ưu tiên sử dụng các dịch vụ của Oceanbank - ngân hàng mà PVN nắm 20% vốn (800 tỷ đồng).

Tổng cộng, PVEP đã ký với Oceanbank 793 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn, tiền lãi theo hợp đồng khoảng 611 tỷ đồng. Với tiền không kỳ hạn, PVEP gửi vào Oceanbank dao động từ 3 đến 900 tỷ đồng/tháng và từ 433 nghìn đến 43 triệu USD/tháng; tiền lãi thu về hơn 17 tỷ đồng và hơn 110 nghìn USD.

Trong khi đó, các bị án Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch Oceanbank, Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank có chủ trương chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi (lãi ngoài) cho khách hàng nhằm thu hút khách gửi tiền. Nguyễn Thị Minh Phương (cựu Phó Tổng Giám đốc Oceanbank) đã lấy nguồn tiền của ngân hàng này chi cho Nguyễn Tuấn Hùng gần 52 tỷ đồng; Vũ Thị Ngọc Lan 200 triệu đồng. Nguyễn Tuấn Hùng đưa lại cho Đỗ Văn Khạnh hơn 4 tỷ đồng và nói rõ về nguồn gốc số tiền nhận được.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Tuấn Hùng còn khai đã chia cho Vũ Thị Ngọc Lan 10 tỷ đồng song nữ bị cáo phủ nhận và khẳng định không biết việc cấp dưới nhận tiền từ Oceanbank hay chia cho các lãnh đạo.

Sau phần thẩm vấn và tranh luận công khai tại phiên tòa, HĐXX sơ thẩm nhận định, các bị cáo đều là người có chức vụ, trong tổ chức kinh tế Nhà nước, có quyền quyết định với việc gửi tiền vào ngân hàng. Tuy nhiên, việc gửi tiền này cũng xuất phát từ chỉ đạo của lãnh đạo tập đoàn PVN.

Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm hại trực tiếp đến quy định về quản lý kinh tế của Nhà nước và xâm phạm quyền sở hữu tài sản của pháp nhân. Do đó, cáo trạng truy tố các bị cáo về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo khoản 2 và khoản 4, Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015 là có căn cứ, đúng pháp luật.

Ngoài hình phạt tù, ba bị cáo còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn trong tổ chức kinh tế của Nhà nước trong 3 năm kể từ khi chấp hành xong án phạt tù.

Về phần dân sự, tòa án cũng xác định số tiền các bị cáo đã nộp để khắc phục hậu quả sẽ được khấu trừ cho Hà Văn Thắm do nguyên Chủ tịch Oceanbank đã bị tuyên buộc phải bồi thường số tiền thất thoát do chi lãi ngoài.

“Các bị cáo đều nhận thức được việc nhận lãi ngoài từ Oceanbank”

Trước đó, tại phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt Nguyễn Tuấn Hùng từ 15 - 16 năm tù, Đỗ Văn Khạnh từ 3 - 4 năm tù và Vũ Thị Ngọc Lan từ 18 - 24 tháng tù.

Theo đại diện VKS, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã xâm hại trực tiếp đến quy định của Nhà nước, của pháp luật về quản lý kinh tế; xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của Nhà nước.

Các bị cáo đều là những người có chức vụ, quyền hạn tại PVEP, có quá trình rèn luyện, phấn đấu, được đào tạo bài bản, chuyên sâu, có nghiệp vụ chuyên môn vững vàng. Đáng lẽ các bị cáo phải là những người tiên phong, đi đầu, nắm vững và tuân thủ pháp luật, để đưa PVEP phát triển, góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, xây dựng đất nước.

Trái lại, các bị cáo đã vì mục đích tư lợi cá nhân mà không tuân thủ các quy định của Nhà nước, không chấp hành pháp luật để nhận tiền chi lãi ngoài do hành vi Cố ý làm trái của Hà Văn Thắm, Nguyễn Thị Minh Phương, Nguyễn Trà My… tại Oceanbank.

Các bị cáo đều nhận thức và biết rõ được rằng nguồn tiền nhận được đều không phải là tiền của các cá nhân và nếu các bị cáo không phải là những người quyết định hay ảnh hưởng đến việc ủng hộ sử dụng dịch vụ gửi tiền tại Oceanbank - Chi nhánh Thăng Long thì sẽ không được đưa cho số tiền tương ứng.

Sau khi nhận tiền, các bị cáo đều không kê khai hạch toán báo cáo vào đơn vị mà dùng để chi tiêu cho mục đích cá nhân... Hành vi nhận tiền chi lãi ngoài của các bị cáo đã ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội, gây bức xúc trong dư luận.

Vì vậy, việc đưa vụ án ra xét xử đối với các bị cáo thể hiện việc kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm của Đảng và Nhà nước. Pháp luật không có vùng cấm, bất cứ ai, dù ở cương vị nào, nếu vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ để giảm mức án dưới khung hình phạt cho các bị cáo. Theo đó, VKS cho rằng, bị cáo Nguyễn Tuấn Hùng khai báo thành khẩn, lý lịch nhân thân tốt, được tặng thưởng nhiều bằng khen trong quá trình công tác, đã có ý thức khắc phục một phần hậu quả.

Tương tự, bị cáo Đỗ Văn Khạnh có nhân thân tốt, gia đình có truyền thống cách mạng, có nhiều thành tích trong quá trình công tác, đang mắc bệnh hiểm nghèo, được PVEP đánh giá cao những cống hiến và người dân ở quê hương Thái Bình viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Bị cáo Vũ Thị Ngọc Lan đã tự nguyện khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt là 200 triệu đồng từ trước khi bị khởi tố, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhiều thành tích trong công tác…

Dân trí

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/phap-luat/cuu-tong-giam-doc-pvep-linh-an-3-nam-tu-vi-nhan-lai-ngoai-99767.html