Cựu tổng thống Hàn Quốc Kim Đại Trọng qua đời

(TBKTSG Online) - Cựu tổng thống Hàn Quốc Kim Đại Trọng (Kim Dae-jung) – người dành cả cuộc đời đấu tranh cho nền dân chủ và hàn gắn hai miền Triều Tiên, đã qua đời hôm nay thứ Ba 18-8.

Huỳnh Hoa Cựu tổng thống Hàn Quốc Kim Đại Trọng. Ảnh AP Ông Kim, người được giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực hòa giải với CHDCND Triều Tiên, đã mất chiều nay sau hơn một tháng điều trị tại bệnh viện vì những triệu chứng về đường hô hấp và bệnh đông máu trong phổi. Theo tiểu sử, ông Kim thọ 83 tuổi, có tài liệu ghi ông thọ 84 tuổi hoặc 85 tuổi. Ở Hàn Quốc, việc ông Kim đắc cử tổng thống năm 1997 đánh dấu sự khởi đầu của chế độ dân chủ đa đảng. Ông được coi là người có quan điểm thân tả về chính trị nhưng có những chính sách kinh tế được lòng dân. Ông đã lèo lái Hàn Quốc ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 và phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay. Đối với thế giới, tên tuổi của ông Kim gắn liền với “Chính sách Ánh Dương”, cởi mở và hợp tác với CHDCND Triều Tiên, dẫn tới cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa ông và Chủ tịch Kim Chính Nhất (Kim Jong-il) tháng 6-2000 – cuộc họp đầu tiên lãnh đạo hai miền kể từ sau chiến tranh Triều Tiên. * Đối với người dân Hàn Quốc, cựu tổng thống Kim là một trong những tiếng nói đối lập chống lại các chính phủ độc tài cai trị nước này từ đầu thập niên 1960 đến tận những năm 1980. Các chính phủ này đã xử tội ông, hai lần tổ chức ám sát ông và bỏ tù hoặc giam lỏng ông hơn 10 năm trời. Ông đã sống sót qua những cơn hoạn nạn đó và trở thành một trong ba tác giả chính của bản hiến pháp dân chủ của Hàn Quốc, ban hành năm 1987. Nhưng sau đó ông thất bại trong hai lần ứng cử chức vụ tổng thống vào năm 1987 và 1992. Năm 1997 ông thắng cử với chênh lệch chỉ 2% số phiếu và trở thành tổng thống đầu tiên không thuộc đảng bảo thủ cầm quyền. Nhưng lúc đó Hàn Quốc đang bị thiệt hại nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính, phải nhờ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cứu nguy bằng món vay 60 tỉ đô la Mỹ. IMF đã buộc Hàn Quốc phải cải tổ cơ cấu kinh tế, áp dụng các nguyên tắc thị trường tự do trong một nền kinh tế về cơ bản vẫn do nhà nước điều hành. Trong cuộc họp báo đầu tiên ở cương vị tổng thống, ông Kim tỏ ra ủng hộ giải pháp của IMF, kể cả nới lỏng sự bảo hộ của nhà nước đối với doanh nghiệp và người lao động, mở cửa nền kinh tế cho đầu tư nước ngoài và thúc đẩy các công ty lớn cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Vài năm sau, kinh tế Hàn Quốc lấy lại được phong độ và trở thành nước đầu tiên ra khỏi khủng hoảng, hoàn trả tiền vay cho IMF sớm nhất. Trong Chính sách Ánh Dương, ông Kim đã đặt ra một kế hoạch nhiều thập niên để từng bước đi tới thống nhất hai miền; một số thành quả từ kế hoạch này hiện nay vẫn còn phát huy tác dụng như khu công nghiệp Kaesong kết hợp vốn và công nghệ Hàn Quốc với lao động và đất đai của CHDCND Triều Tiên để làm hàng hóa xuất khẩu, Khu công nghiệp này hiện có hơn 100 công ty Hàn Quốc hoạt động, sử dụng 40.000 lao động Bắc Triều Tiên. * Trong những ngày ông Kim nằm điều trị, nhiều quan chức cao cấp của Hàn Quốc đã đến bệnh viện thăm viếng; trong đó có tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm Lee Myung-bak. “Hôm nay chúng ta mất đi một nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất. Thành quả của ông, khát vọng của ông nhằm thực hiện dân chủ hóa và hòa giải liên Triều sẽ còn được nhân dân nhớ mãi”, tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak nói khi được tin ông Kim qua đời. “Tôi hy vọng ước mong trọn đời của tổng thống Kim cuối cùng sẽ được thực hiện thông qua sự hòa giải và hội nhập về xã hội giữa miền Nam và miền Bắc,” tổng thống Lee nói thêm. Tuy nhiên, theo giới phân tích, ngay khi lên cầm quyền 18 tháng trước, tổng thống Lee đã đảo ngược những chính sách đối với CHDCND Triều Tiên mà cựu tổng thống Kim khởi xướng, khiến cho quan hệ giữa hai miền trở nên hết sức căng thẳng. Đầu năm nay, ông Kim đã kêu gọi miền Bắc ngừng những vụ công kích hàng ngày nhắm vào tổng thống Lee và đề nghị tổng thống Lee đảo ngược quyết định của mình, nhưng hầu như không có kết quả. (theo WSJ)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/thegioi/ghinhan/22367/