Cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac - Người có tình cảm đặc biệt với Việt Nam

Theo báo chí Pháp, ngày 26-9, cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã qua đời ở tuổi 86. Trong một thông báo, ông Frédéric Salat-Baroux, con rể của ông Jacques Chirac cho biết: 'Cựu Tổng thống Jacques Chirac qua đời sáng nay trong vòng tay gia đình, một cách yên bình'.

Ông Jacques Chirac sinh ngày 29-11-1932 tại Paris, từng hai lần giữ chức thủ tướng, 3 lần giữ chức Thị trưởng Paris trong 18 năm liền… Sau hai lần thất bại trong cuộc chạy đua vào Điện Elyseé năm 1981 và 1988, ông Jacques Chirac đắc cử trở thành Tổng thống Pháp nhiệm kỳ đầu 7 năm (1995-2002) và tái đắc cử nhiệm kỳ hai, 5 năm sau đó (2002-2007).

Dấu ấn trong 12 năm lãnh đạo nước Pháp của Tổng thống Jacques Chirac là phản đối công khai cuộc tấn công vào Iraq do Mỹ dẫn đầu năm 2003. Thời điểm ấy, thái độ phản chiến của Tổng thống Jacques Chirac giúp tỷ lệ ủng hộ ông ở Pháp lên tới 90%. Câu nói phản đối chiến tranh nổi tiếng của ông Jacques Chirac vẫn được nhớ cho đến nay: “Chiến tranh luôn là giải pháp cuối cùng. Nó luôn là minh chứng một sự thất bại. Nó luôn là giải pháp tồi tệ nhất bởi vì nó mang đến cái chết và sự khốn khổ”.

Tổng thống Pháp Jacques Chirac-người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam. Ảnh: AP.

Một trong những hành động vĩ đại nhất của cựu Tổng thống Jacques Chirac là lên tiếng thừa nhận rằng toàn bộ nước Pháp chịu trách nhiệm về việc 76.000 người Do Thái bị gửi đến các trại tập trung của Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông cho rằng, hành động “điên rồ” của người Đức đã được người Pháp, Nhà nước Pháp hỗ trợ. Lời xin lỗi của ông đánh dấu lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia Pháp thời hậu chiến thừa nhận hoàn toàn vai trò của Pháp trong thảm kịch này.

Ông Jacques Chirac rất đam mê nghệ thuật, có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và khánh thành Bảo tàng Nghệ thuật và văn minh châu Phi, châu Á, châu Đại dương và châu Mỹ; khánh thành cảng Branly ở Paris vào năm 2006, trước khi cảng này mang tên của ông 10 năm sau đó. Ông cũng là Chủ tịch Quỹ Chirac từ năm 2008.

Ông Jacques Chirac cũng dành tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam. Ông tới thăm Việt Nam năm 1997 và 2004. Trong lần thứ hai trở lại Việt Nam, ông Jacques Chirac chia sẻ: “Trước hết, tôi muốn nói với nhân dân Việt Nam niềm vui được trở lại mảnh đất Việt Nam mà tôi rất yêu mến và xin gửi tới nhân dân Việt Nam những lời chúc hữu nghị nhất. Tiếp đó, tôi muốn khẳng định lại với nhân dân Việt Nam quyết tâm của mình sẽ tiếp tục coi Việt Nam là một ưu tiên đối với Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác. Cuối cùng, tôi xin được bày tỏ với nhân dân Việt Nam niềm tin rằng, nếu như Việt Nam và Pháp có được những mối quan hệ đặc biệt đến như vậy thì không chỉ nhờ di sản từ quá khứ mà còn bởi niềm tin và hy vọng vào tương lai”. Tình cảm và sự ủng hộ của ông Jacques Chirac đã góp phần đưa quan hệ Việt Nam và Pháp trở thành đối tác chiến lược vào năm 2013 và ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Năm 2007, sau cơn đột quỵ, ông bị mất trí nhớ. Tuy nhiên, Quỹ Chirac vẫn luôn tiếp tục ủng hộ Việt Nam thông qua các hoạt động từ thiện.

Sáng 26-9, cựu Tổng thống Jacques Chirac qua đời trong niềm tiếc thương của gia đình và người dân Pháp. Ngay sau đó, Quốc hội Pháp đã dành một phút tưởng niệm tới cựu tổng thống thứ 5 của nền Cộng hòa thứ V. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã bày tỏ “rất xúc động và thương tiếc” khi nghe tin ông Jacques Chirac qua đời. Người phát ngôn EC Mina Andreeva dẫn lời ông Juncker cho biết: “Châu Âu không chỉ mất đi một chính khách vĩ đại mà là mất đi một người bạn lớn”. Ông Juncker bày tỏ “thán phục và ca ngợi nỗ lực suốt cuộc đời của ông và di sản mà ông để lại cho nước Pháp và Liên minh châu Âu (EU).

PHƯƠNG LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cuu-tong-thong-phap-jacques-chirac-nguoi-co-tinh-cam-dac-biet-voi-viet-nam-592068