Cựu Tổng thống Sri Lanka viết gì trong đơn từ chức?

Ông Gotabaya Rajapaksa đã viết đơn từ chức gửi tới Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka hôm 14/7, vài giờ sau khi ông đáp máy bay tới Singapore.

“Tôi đã phục vụ quê hương với tất cả khả năng của mình và tôi sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai”, cựu tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa viết trong đơn từ chức được gửi đi bằng email.

Lá đơn này được đọc trong phiên họp đặc biệt kéo dài 13 phút của Quốc hội Sri Lanka.

Đơn từ chức của ông Rajapaksa đã được chấp nhận, sau khi cơ quan tư pháp xem xét tính xác thực và hợp pháp của nó. Ông Rajapaksa trở thành Tổng thống Sri Lanka đầu tiên từ chức kể từ khi nước này thông qua thể chế chính phủ tổng thống vào năm 1978.

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa viết đơn xin từ chức.

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa viết đơn xin từ chức.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Singapore cho biết ông Rajapaksa được phép nhập cảnh vào nước này nhưng khẳng định đây chỉ là một "chuyến thăm cá nhân".

Bộ này nói thêm rằng nhà lãnh đạo Sri Lanka chưa nộp đơn xin tị nạn. "Ông ấy không xin tị nạn và cũng không được cho phép tị nạn. Singapore không cấp phép tị nạn cho ông Rajapaksa", cơ quan ngoại giao Singapore khẳng định.

Truyền thông Sri Lanka cho biết ông Rajapaksa cùng vợ và hai vệ sĩ đáp máy bay từ Maldives đến Singapore vào tối 14/7. Một số nguồn tin an ninh Sri Lanka tiết lộ ông Rajapaksa nhiều khả năng sẽ ở lại Singapore một thời gian trước khi di chuyển đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Khi còn ở Sri Lanka, vị tổng thống 73 tuổi cam kết sẽ từ chức vào 13/7 để mở đường "chuyển giao quyền lực hòa bình" sau khi các cuộc biểu tình chống lại ông lan rộng.

Với tư cách là tổng thống, ông Rajapaksa được hưởng quyền miễn trừ truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông được cho là muốn ra nước ngoài trước khi từ chức để tránh cảnh bị bắt giam.

Hôm 15/7, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời của quốc gia Nam Á. Ông Ranil Wickremesinghe giữ chức Quyền Tổng thống cho tới khi Quốc hội Sri Lanka bầu ra Tổng thống tiếp theo dự kiến vào ngày 20/7 tới.

Căng thẳng chính trị tại Sri Lanka vốn âm ỉ nhiều tháng qua bùng phát hồi cuối tuần trước khi người biểu tình tràn vào dinh thự của Tổng thống Rajapaksa và Thủ tướng Wickremesinghe để yêu cầu hai chính trị gia này từ chức.

Quốc gia này đang thiếu ngoại hối trầm trọng, khiến việc nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc bị hạn chế. Lạm phát tăng vọt lên mức kỷ lục 54,6% vào tháng 6 và dự kiến lên 70% trong những tháng tới.

Song Hy(Nguồn: India Express)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/cuu-tong-thong-sri-lanka-viet-gi-trong-don-tu-chuc-ar688364.html