Cứu trẻ mắc tim bẩm sinh ngay khi chào đời

Một ca mổ tim đặc biệt, lần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là động lực để cơ sở tiếp tục thực hiện sứ mệnh cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh hiểm nghèo

Quyết định cân não

Tiến hành một việc chưa từng có trong tiền lệ với tâm thế tính mạng của trẻ là trên hết, trước hết, một quyết định cân não đã được người đứng đầu Bệnh viện Phụ sản Hà Nội quyết định tức thì.

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tự hào nói rằng ca mổ đã mở ra trang mới trong điều trị trẻ sơ sinh mắc bệnh lý nặng.

Theo đó, lần đầu tiên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thiết lập khẩn cấp một phòng phẫu thuật ngay bên cạnh khu mổ đẻ, để thực hiện một ca đại phẫu với sự hỗ trợ của các bác sĩ ngoại tim mạch, Bệnh viện Nhi trung ương nhằm điều trị chứng block nhĩ nhất gây loạn nhịp tim cho bé sơ sinh ngay sau khi lọt lòng.

Trao đổi với phóng viên, GS-TS.Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trăn trở nói rằng tỷ lệ trẻ mắc tim bẩm sinh thông thường khoảng 1%/tổng số trẻ mới sinh và tại Bệnh viện ông mỗi năm có 300 - 400 trẻ chào đời mắc bệnh lý này.

Tuy nhiên, cơ hội cứu sống nhiều trẻ trong số này rất ít ỏi, bởi diễn biến của bệnh quá nhanh, trẻ có thể tử vong trên đường di chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương.

Một số trẻ có cơ hội được ra nước ngoài điều trị thì cơ hội sống khỏe mạnh cũng không cao bởi đã qua giai đoạn can thiệp vàng.

Chứng kiến nhiều trẻ tử vong trước sự bất lực của các y, bác sĩ và nỗi đau của gia đình nên ông luôn trăn trở làm sao để trẻ có thể nối dài sự sống cho trẻ có một cuộc đời bình thường chứ không phải thời gian sống của trẻ tính bằng giây, bằng phút.

“Cuộc đời mỗi con người có thể rất dài nhưng sự sống cũng có thể bị dập tắt trong chớp mắt do vậy các y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mỗi khi gặp bất kỳ trường hợp hiểm nghèo nào đều nỗ lực đến cùng và không buông tay”, GS-TS. Nguyễn Duy Ánh nói.

Kể lại ca mổ có thể coi là kỳ tích nhắm cứu sống trẻ, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nói, sản phụ T.L (33 tuổi, Hà Nội) có tiền sử Lupus ban đỏ 6 năm nay.

Khi mang thai, chị khám thai tại phòng khám tư, đến tuần 22 phát hiện em bé có tình trạng rối loạn nhịp tim thai (thông thường, tim thai dao động từ 120-160 lần/phút nhưng thai nhi lại có nhịp tim rất chậm, dao động 50-60 lần/phút).

Chị T.L đến khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và được chẩn đoán thai nhi có tiên lượng nặng, chậm phát triển trong tử cung, tim to, tràn dịch màng ngoài tim số lượng nhiều, có tình trạng block nhĩ thất cấp độ III. Chị được chỉ định tiếp tục điều trị Lupus ban đỏ và nhập viện ngay để theo dõi tình trạng thai nhi.

Đồng thời, các bác sĩ của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã liên hệ hội chẩn cùng các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương để tìm ra phương án điều trị tốt nhất cho cả mẹ và bé.

Khi thai kỳ ở tuần thứ 35, tình trạng chức năng tim thai diễn biến xấu rất nhanh, thai chậm tăng trưởng trong tử cung ngày càng nặng. Do đó, ngay lập tức, các bác sĩ đã quyết định mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho thai nhi.

Là người trực tiếp thực hiện ca mổ, TS.Đỗ Tuấn Đạt, Trưởng khoa Sản bệnh A4 kể lại, ê-kíp đối diện với nhiều áp lực vì rối loạn nhịp tim khiến bào thai có tình trạng tim đập hai nhịp khác nhau, không đưa máu nuôi đủ cơ quan, dẫn đến thiếu máu các bộ phận, khiến các bộ phận trọng yếu của cơ thể bị phá hủy.

Áp lực, trọng trách nhiều khiến cả kíp căng thẳng và phải chuẩn bị tinh thần để đối diện với tình huống xấu nhất. Dù vậy trong thâm tâm theo TS. Đạt anh và đồng nghiệp có niềm tin vào sự thành công của cuộc mổ.

8 giờ 20 phút ngày 10/10, TS.Đỗ Tuấn Đạt cùng ê-kíp mổ đã thực hiện ca mổ lấy thai, em bé nặng 2.150g cất tiếng khóc chào đời.

TS. Linh và TS. Đạt đang trả lời phóng viên về cuộc mổ đặc biệt này.

Ngay khi chào đời, nhịp tim của em bé rất thấp khoảng 50 lần/phút, trong quá trình hồi sức nhịp thất có khi xuống 35 lần/phút, hạ đường huyết, huyết động không ổn định.

Rất nhanh chóng, trẻ được đặt ống nội khí quản, làm xét nghiệm, siêu âm tim, đánh giá tình trạng nhịp, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm và ngoại biên.

“Cân não nhất giai đoạn lấy bào thai là sau khi chào đời, có lúc tim thai em bé gần như không còn. Chúng tôi đã chuẩn bị phương án sốc điện nhưng rất may em bé có nhịp trở lại, đưa khẩn cấp vào phòng mổ đặt máy tạo nhịp tim”, bác sĩ Đạt kể.

Nếu không cấp cứu kịp thời, cuộc đẻ sẽ không thể đón được con do vậy lãnh đạo Bệnh viện đã đưa ra quyết định táo bạo - cũng là phương án duy nhất để cứu bằng được bệnh nhi ngay sau khi chào đời bằng cách thiết lập phòng mổ tim cấp cứu khẩn cấp với sự tham gia của ê-kíp các thầy thuốc Bệnh viện Nhi Trung ương.

Động lực để tiếp tục thực hiện kỹ thuật khó

Bé M.A chào đời, nặng 2.150g, lúc này nhịp tim của em bé rất thấp, khoảng 50 lần/phút, có khi xuống 35 lần/phút. Rất nhanh chóng, trẻ được đặt ống nội khí quản, làm xét nghiệm, siêu âm tim, đánh giá tình trạng nhịp.

Tiếp đó, ekip phẫu thuật Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành đặt máy tạo nhịp tim tạm thời để cấp cứu cho bé M.A. Với tình trạng trẻ đẻ non, cân nặng thấp, suy đa cơ quan, rối loạn đông máu nặng, rất dễ gây chảy máu, các bác sĩ đã phải rất cẩn thận, tỉ mỉ thực hiện các bước đặt máy tạo nhịp tim.

Đặc biệt, khâu hồi sức trong khi mổ vô cùng quan trọng, ekip gây mê đã phải hồi sức rất tích cực để giữ cho huyết động bệnh nhi ổn định trong toàn bộ cuộc phẫu thuật.

Rất may mắn, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo của cả ekip, quá trình phẫu thuật của bệnh nhi đã diễn ra thuận lợi, sau khi được đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, nhịp thất lên 120 lần/phút, bé M.A được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục chăm sóc, điều trị tích cực rối loạn chức năng các cơ quan, điều trị nhiễm trùng, thở máy và hỗ trợ vận mạch.

Thông tin thêm về ca mổ đặc biệt này, TS.Đinh Thúy Linh, Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, rối loạn nhịp là thách thức của sản khoa và nhi khoa vì suy hô hấp và trụy tuần hoàn dễ xảy ra sớm trong giờ phút đầu tiên chào đời.

Việc vận chuyển dù bằng phương tiện tối tân, khẩn cấp, có ê-kíp hồi sức thì bệnh nhi cũng sẽ qua giai đoạn vàng điều trị, trẻ sẽ đối mặt với nguy cơ trụy tuần hoàn, trụy tim mạch do nhịp tim thấp, sức khỏe không tốt do chậm phát triển trong tử cung từ thời kỳ bào thai.

Với trường hợp của bé M.A, tình trạng block nhĩ thất độ III rất nặng, nhịp tim của trẻ quá chậm, không đủ bảo đảm để tim hoạt động đi tưới máu cho các cơ quan, gây suy tim, suy đa cơ quan, nguy cơ tử vong cao.

Việc đặt máy tạo nhịp ở thời điểm ngay sau sinh là vô cùng cần thiết, có thể đưa nhịp thất của trẻ trở về bình thường, từ đó cải thiện được tình trạng bệnh lý, bảo đảm an toàn tính mạng cho trẻ.

Cũng theo TS.Linh, đã có 7 Trưởng Khoa của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tham gia ca phẫu thuật này, tinh thần cả ê-kip đều rất khẩn trương bởi ngay trong ca mổ, có nhiều lúc tim bé dọa ngưng, nhịp tim rất chậm.

Tuy vậy, rất may sau mổ bé có đáp ứng với máy tạo nhịp ngay và được hồi sức kịp thời. Trưởng khoa sơ sinh của Bệnh viện đã đưa bé lên xe cấp cứu di chuyển sang Bệnh viện Nhi trung ương để điều trị tiếp, đến nay bé đã tăng thêm được 300g và ít ngày nữa sẽ đạt cân nặng 3kg, đủ cân nặng để can thiệp đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.

Với ca phẫu thuật đặc biệt này, theo GS-TS. Nguyễn Duy Ánh, đã mở ra một trang mới trong can thiệp cứu các bé sơ sinh mắc bệnh lý nặng.

Và theo người đứng đầu Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ông và các y, bác sĩ nơi đây rất hạnh phúc khi được cùng gia đình và cùng bé vượt qua thời điểm khó khăn này, và muốn nói với các gia đình có con mắc bệnh lý nặng là y học có thể can thiệp, chữa trị nhiều bệnh lý khó, các gia đình hãy tin tưởng để đến bệnh viện điều trị.

Thông thường các bệnh lý tim bẩm sinh có thể phát hiện sớm từ khi trẻ trong bào thai, đặc biệt là ở tuần thai thứ 18 - 22, tuy nhiên nhiều bệnh lý có thể phát hiện được từ tuần thai thứ 12 - 16 trở đi, tùy thuộc vào trình độ chuyên môn và trang thiết bị của cơ sở y tế.

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, từ nhiều năm qua Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã phát hiện, hỗ trợ can thiệp cứu nhiều ca bệnh nặng ở trẻ sơ sinh sau khi phát hiện bé bệnh lý từ bào thai.

Bên cạnh đó, các bác sĩ phẫu thuật tim trẻ em cũng đã có những bước tiến dài trong can thiệp, điều trị bệnh lý tim bẩm sinh. Từ đó mở ra cơ hội được lớn lên và trưởng thành của nhiều em bé mắc bệnh lý này.

Khi được hỏi về cảm xúc sau cuộc mổ lịch sử, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không giấu được tự hào về một ê-kíp quyết tâm và dấn thân trước ca bệnh khó, cứu sống em bé ngay khi chào đời, từ đó ông nghĩ đến việc thiết lập buồng mổ chuyên sâu như mổ tim nhi đặt trong khu mổ để tiếp tục mang lại kỳ tích sản nhi cho nhiều gia đình không may có con mắc tim bẩm sinh từ trong bào thai.

“Từ ca mổ này chúng tôi đã lên phương án để thiết lập một khu mổ riêng để sửa chữa tổn thương tim cho trẻ sơ sinh sẽ giúp những em bé mà tim chỉ có thể tự sống vài phút sau khi chào đời sẽ được cứu sống khẩn cấp”, GS-TS. Nguyễn Duy Ánh thể hiện quyết tâm.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cuu-tre-mac-tim-bam-sinh-ngay-khi-chao-doi-d202723.html