Cựu trinh sát Điện Biên Phủ làm nghề sửa xe

Là một trong những chiến sĩ đầu tiên tiếp cận chiến trường Điện Biên Phủ 60 năm trước, cụ Hoàng Trọng Quỳnh nay râu tóc đã bạc phơ, lấy nghề sửa xe đạp làm niềm vui hàng ngày.

Cụ Hoàng Trọng Quỳnh ( 83 tuổi) từng là trinh sát viên của Sư đoàn 316, đơn vị đầu tiên tiếp cận trận địa Điện Biên Phủ năm 1954. Cụ đang sống cùng gia đình con trai thứ ba tại đội C17 Thanh Xương, huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên.

Cụ Hoàng Trọng Quỳnh ( 83 tuổi) từng là trinh sát viên của Sư đoàn 316, đơn vị đầu tiên tiếp cận trận địa Điện Biên Phủ năm 1954. Cụ đang sống cùng gia đình con trai thứ ba tại đội C17 Thanh Xương, huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên.

Cụ quê gốc ở xã Tân Biệt, Văn Lãng, Lạng Sơn. Tham gia du kích đánh Pháp từ năm 1947, năm 1953 cả Sư đoàn được lệnh tiến quân về Điện Biên. Hơn 10 năm nay cụ làm nghề sửa xe máy, xe đạp tại nhà chỉ vì buồn chân buồn tay chứ không vì mục đích kiếm tiền.

Đơn vị cụ là tiểu đoàn đầu tiên tiếp cận thung lũng Mường Thanh, công việc chính của trinh sát thời điểm đó là ăn nằm ở rừng, bò sát vào doanh trại xem địch bố trí súng đạn, tìm hiểu lực lượng... sau đó về báo cáo sở chỉ huy và dẫn đường cho bộ đội ta tiến quân vào. Những lúc lương thực mang theo không đủ ăn thì vào trong nhà dân xin thóc, xin sắn, dân rất quý mến và nhiệt tình giúp đỡ.

"Mỗi nhóm được gọi là tổ tam tam (3 người) đi với nhau, định sẵn mấy ngày về chỉ huy sở báo cáo một lần. Anh em hạ quyết tâm đồng chí nào bị thương dù sống chết cũng phải lôi nhau ra ngoài. Sau khi quân chủ lực đã vào được trận địa thì tôi cùng các anh em được giao nhiệm vụ tiếp cận sân bay Mường Thanh xem mỗi ngày bao nhiêu chuyến bay, lính dù và tiếp tế ra sao về báo cáo sở chỉ huy", cụ tâm sự.

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi, Sư đoàn 316 được giao nhiệm vụ ở lại xây dựng, phát triển và bảo vệ mảnh đất trọng yếu này. Cụ đưa vợ lên năm 1958, tham gia xây dựng tại nông trường Hạ Sao và xuất ngũ năm 1960.

Sau vụ cháy nông trường và nhiều lần chuyển nhà, những kỷ vật của ông đã thất thoát nhiều. Mặc dù vậy người cựu trinh sát 59 năm tuổi Đảng vẫn gìn giữ trân trọng hơn bao giờ hết những hình ảnh lưu giữ kỷ niệm một thời gian khổ và oanh liệt.

"Ngày theo chồng lên Điện Biên hồi đó tôi mới 20 tuổi, nơi đây không một bóng người, nhưng có ông nhà ở bên nên tôi chẳng còn thấy sợ gì nữa", bà Trương Thị Dung (77 tuổi) vợ cụ kể lại. Ngày ngày bà Dung vẫn cơm nước chăm lo cho chồng con.

Những bông hoa ban cô cháu gái học lớp 4 nhặt ở sân trường mang về tặng ông nội một ngày đầu tháng 4 khiến người cựu chiến binh xúc động nghẹn ngào.

10 năm trước, cụ cùng các cựu chiến binh có dịp được gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Người lên thăm dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên. Người cựu binh già và các đồng đội còn nhớ mãi câu nói của Đại tướng "Sau 50 năm chúng ta gặp được nhau thế này là quý quá rồi". Ảnh chụp kỷ niệm cụ Quỳnh cùng các cựu chiến binh trước lán Đại tướng tại căn cứ cách mạng Mường Phăng.

Những lúc rảnh rỗi cụ thường nằm võng nghe thời sự và ca nhạc từ chiếc đài nhỏ bé của mình. Chỉ vài ngày nữa thôi, cụ lại được họp mặt, vinh dự cùng các đồng đội khoác trên mình bộ quân phục với tấm huy chương chiến sĩ Điện Biên trên ngực áo dự lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Tuấn Mark

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cuu-trinh-sat-dien-bien-phu-lam-nghe-sua-xe-post412209.html