Cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ ở Miền Trung: Hãy nhìn lại phía sau

Những ngày qua, tại vùng lũ Quảng Bình, Quảng Trị, mọi cảm xúc dường như dồn vào hết những mái nhà ngập lút dưới dòng lũ, những bóng người chơi vơi trên nóc nhà, mà ít chú ý đến những ngôi nhà nổi vượt hẳn lên. Ít quan tâm, rằng đó chính là những nhà phao mà Dự án Nhà chống lũ của nhóm bạn trẻ đã âm thầm kêu gọi quyên góp, tài trợ và lắp đặt cho người dân.

Trong khi nhiều nhà ngập lút, thì người ở nhà phao chống lũ vẫn cao ráo, bình thường (ảnh tại vùng lũ Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình đợt lũ vừa qua). Ảnh: Quốc Nam

Trong khi nhiều nhà ngập lút, thì người ở nhà phao chống lũ vẫn cao ráo, bình thường (ảnh tại vùng lũ Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình đợt lũ vừa qua). Ảnh: Quốc Nam

Bằng thời điểm này năm 2007, tôi theo đoàn của Tổ chức DW, một tổ chức phi chính phủ do EU tài trợ, ra vùng đầm phá Thừa Thiên - Huế để dự khánh thành những ngôi nhà chống bão được tài trợ xây dựng tại đây. Đoàn chỉ có mấy phóng viên đi theo, có lẽ bởi sự kiện ít “hot”?! Những căn nhà chống bão mới xây dạng cấp 4 nhìn bên ngoài cũng không có gì đặc biệt, thậm chí tuềnh toàng. Ấn tượng nhất, theo những người điều hành Dự án phòng chống thiệt hại về nhà ở do bão gây ra ở miền Trung của DW, đó là những ngôi nhà này có thể chống chịu gió bão cấp 12. Và chi phí xây dựng chỉ tầm dưới 30 triệu đồng!

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình - cha đẻ của giải pháp nhà chống bão giá rẻ. ảnh: Trần Tuấn

Cũng cuối năm đó, tôi đi cùng Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) - một tổ chức phi chính phủ của Anh tại Việt Nam đến một số nơi tại huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, Sơn Trà tại thành phố Đà Nẵng. Cũng để chứng kiến những ngôi nhà chống bão được tổ chức này tài trợ vừa mới xây dựng, và gia cố sửa chữa xong. Cơn bão lịch sử Sangxane hồi năm trước đó quét qua đây, dấu tích đổ nát còn hiện diện khắp nơi. Sự vui mừng, hồ hởi của người dân nghèo những nơi ấy về ngôi nhà mới an toàn, là điều đọng lại lâu bền nhất.

Về lại Đà Nẵng, tôi tìm gặp thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình, khi đó là Phó giám đốc Trung tâm tư vấn kiến trúc miền Trung - tác giả của mẫu nhà chống bão rẻ tiền này, để tìm hiểu về “bí mật” bên trong mẫu nhà. Anh mở những bản vẽ, ảnh chụp, nói về những giải pháp kết cấu trụ, móng, mái, giằng tường bê tông,… mà anh không quản nguy hiểm lặn lội ra giữa mưa bão để chứng kiến, ghi chép, chụp ảnh.

Giờ thì không rõ Nguyễn Thanh Bình đang ở đâu, làm gì. Nhưng tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã có hàng ngàn ngôi nhà chống bão được các tổ chức quốc tế xây mới, hàng chục ngàn ngôi nhà được sửa chữa, gia cố theo giải pháp an toàn bão cấp 12 của anh. Với người dân nghèo miền Trung, nhất là thời điểm hơn chục năm về trước, ngôi nhà rẻ tiền đó chính là nơi cứu sinh cho cả gia đình, khi mỗi năm phải hứng chịu dăm, bảy trận bão lớn nhỏ.

Tôi có một người bạn, cũng là người em thân quý tên là Võ Tiên Lâm quê gốc Quảng Nam, và là cháu nội nhà văn Võ Quảng, từng nhiều năm là thành viên Quỹ hỗ trợ Phòng tránh thiên tai miền Trung (gần đây đổi thành Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai). Giữa cảnh ngập lụt kinh hoàng tại các tỉnh bắc miền Trung những ngày qua, đọc được dòng trạng thái trên trang facebook của Lâm, thấy vừa ấm lòng, mà cũng chạnh buồn.

“Hôm nay tình cờ nhìn qua cái bài ảnh, với những cánh tay nhô lên từ mái nhà, người dân chèo những chiếc thuyền tự chế bằng bàn, bằng lốp xe, chợt nghĩ chắc mình không thấy ngạc nhiên, xót xa như mọi người, chả hiểu tại sao.

Những ngày đi khắp miền Trung, song hành cùng bão lũ, vui nhất là những đợt tập huấn cho các đội xung kích cứu hộ, cứu nạn cấp thôn, xã. Nòng cốt của các đội chính là những người gắn bó chặt chẽ với địa phương, được cấp thuyền, phao cứu sinh, áo phao, loa điện cầm tay. Nhiệm vụ của họ là khi bão lũ về, nước lên sẽ tổ chức tìm kiếm cứu nạn, đưa người dân đến những công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai, hay những nơi tập kết dân của địa phương.

Mỗi lớp học kéo dài khoảng 3 ngày, chủ yếu là học thực hành sơ cấp cứu, điều khiển thuyền, sử dụng phao, áo phao, phối hợp cứu người trong bão lũ. Sẽ có một ngày học trong lớp với các giảng viên giàu kinh nghiệm, sau đó là thực hành ở sông, suối hay biển, tùy theo địa hình thực tế.

Nhìn những tấm ảnh rồi đây sẽ được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội, mình chỉ nghĩ là sẽ không còn những hình ảnh như thế, dù bão lũ có to đến đâu nếu mỗi xã có được một công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai. Ngày mình còn làm, giá một công trình như thế rơi đâu khoảng 2 tỷ rưỡi. Và mỗi xã có được một đội xung kích cứu hộ, cứu nạn. Cái này thì giá rẻ lắm.

Cả nước đang hướng về miền Trung. Rồi sao? Một tháng nữa. Một năm nữa. Cứ mãi hướng về, cứ mãi cứu trợ thế à?

Bức ảnh ở phía dưới là một người mình cực kỳ ngưỡng mộ. Tấm ảnh này là mình chụp ông. Suốt hơn 10 năm qua, 14 tỉnh miền Trung in dấu chân ông. Nhưng quan trọng nhất, những gì đang diễn ra ở miền Trung chứng minh những chương trình ông dành cho miền Trung suốt hơn 10 năm qua là cực kỳ thiết thực và giàu ý nghĩa.

Nếu Quỹ phi chính phủ mà ông lập ra và đồng hành đến tận ngày hôm nay nhận được nhiều sự ủng hộ hơn so với con số gần 300 tỷ đồng, tin rằng mỗi mùa mưa lũ, tin buồn từ miền Trung đã ít hơn rất nhiều”.

Người mà Lâm nhắc đến, chính là ông Phan Diễn, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nguyên Thường trực Ban Bí thư. Năm 2008, sau khi nghỉ hưu, ông đứng ra vận động thành lập Quỹ hỗ trợ Phòng, tránh thiên tai miền Trung dành cho đồng bào 14 tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Đến năm 2018, Quỹ đổi tên thành Quỹ Cộng đồng phòng, tránh thiên tai, mở rộng hoạt động trên cả nước. Hơn chục năm trời cho đến nay, ông làm Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, trực tiếp vận động tài trợ, và lặn lội đến khắp những nơi thiên tai hạn hán, bão lũ hoành hành trên mọi miền đất nước.

Có tận mắt thấy những ngôi nhà đa năng vừa sinh hoạt cộng đồng lúc bình thường, vừa là nơi ẩn tránh cho 300 người cùng lúc do Quỹ xây dựng tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Quảng Ngãi,.. mới hiểu được giá trị và ý nghĩa sinh tồn mà từng đồng tiền của các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ vào Quỹ đã mang lại cho người dân.

Giữa phong trào “nhà nhà cứu trợ” bão lũ đang diễn ra, xin nhìn lại phía sau, quan tâm hơn tới những dự án cộng đồng, những con người đã và đang âm thầm đem lại cho người dân vùng thiên tai hạn hán, bão lũ điều kiện sống an toàn, và sinh kế thật sự bền vững.

Gần 300 tỷ đồng mà Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai vận động được suốt hơn 10 năm qua đã làm được biết bao việc. Từ xây dựng hàng trăm công trình cộng đồng phòng chống thiên tai, trường học vùng lũ, đến thành lập, tập huấn và trang bị các thiết bị, dụng cụ cho các đội xung kích cứu hộ, cứu nạn cấp thôn/xã. Từ xây dựng hệ thống cảnh báo lũ sớm ở các vùng trọng điểm lũ lụt; trồng rừng ngập mặn phòng hộ, bảo vệ đê biển; hỗ trợ phụ nữ vùng thiên tai sinh kế bền vững, và giúp học trò nghèo an tâm đến trường, đến các hoạt động cứu trợ khẩn cấp,…

Nhà chống lũ đa năng ở phường Hòa Quý, TP Ðà Nẵng do Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai tài trợ, năm 2007. Ảnh: Trần Tuấn

Trần Tuấn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/cuu-tro-dong-bao-bi-anh-huong-bao-lu-o-mien-trung-hay-nhin-lai-phia-sau-1740461.tpo