Cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ kháng cáo những nội dung gì?

Cho rằng bản án sơ thẩm chưa xem xét toàn diện vụ án, bị cáo Phùng Anh Lê- cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ đã làm đơn kháng cáo kêu oan về tội 'Nhận hối lộ'.

Trong các ngày 12-14/8/2022, TAND Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Phùng Anh Lê (cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, Hà Nội) tội "Nhận hối lộ" theo điểm c (khoản 2, Điều 354, Bộ luật Hình sự 2015).

Các bị cáo Nguyễn Đức Châu (SN 1973, cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự); Vũ Công Ngọc (SN 1980, cựu Đội phó Đội Cảnh sát hình sự) và Lê Đình Trung (SN 1977, cựu Đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) bị xét xử về tội "Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù" theo khoản 1 (Điều 378, BLHS 2015).

HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Phùng Anh Lê 7 năm, 6 tháng tù giam về tội "Nhận hối lộ"; bị cáo Nguyễn Đức Châu (SN 1973) bị tuyên phạt 10 tháng 28 ngày tù (bằng thời gian tạm giam nên được trả tự do tại tòa); bị cáo Vũ Công Ngọc (SN 1980) bị 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Lê Đình Trung (SN 1977) bị tuyên phạt 4 tháng 12 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam nên được trả tự do tại tòa) cùng về tội "Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù".

Các bị cáo Châu, Trung, Ngọc chấp nhận phán quyết của tòa sơ thẩm. Riêng bị cáo Phùng Anh Lê làm đơn kháng cáo. Trong đơn, bị cáo Lê cho rằng mình không có tội và bị kết án oan.

Bị cáo Phùng Anh Lê tại phiên tòa sơ thẩm

Bị cáo Phùng Anh Lê tại phiên tòa sơ thẩm

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, ngày 19/9/2016, anh N.C.T (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến Công an phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) tố cáo bị một nhóm người bắt giữ trái pháp luật. Sau đó, Nguyễn Hữu Tài cùng một số đồng phạm ra đầu thú do liên quan đến sự việc trình báo của anh T. Quá trình điều tra, Công an quận Tây Hồ tạm giữ Tài 4 ngày.

Sau khi Tài bị tạm giữ, người thân của Tài đã tìm gặp ông Phùng Văn B (chú họ của bị cáo Phùng Anh Lê) để nhờ giúp đỡ. Ông B đã đặt vấn đề và được Phùng Anh Lê đồng ý cho Tài ra về với điều kiện gia đình nghi phạm phải đưa cho Lê 110 triệu đồng.

Nhận được tiền, Phùng Anh Lê chỉ đạo thuộc cấp cho Tài về nhà. Hôm sau, Tài và anh T được gọi lên trụ sở Công an quận Tây Hồ để hòa giải.

Ngày 22/1/2021, Công an thành phố Hà Nội đã rà soát và lật lại hồ sơ vụ án. Sau khi củng cố hồ sơ, Công an thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Nguyễn Hữu Tài và 5 bị can khác về tội "Cướp tài sản".

Cuối tháng 4/2021, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án này và tuyên phạt Nguyễn Hữu Tài 2 năm tù về tội "Cướp tài sản". Cùng tội danh này, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Khắc Đức, Trần Văn Lộc và Nguyễn Văn Nam các mức án từ 18-20 tháng tù; Nguyễn Quang Chính lĩnh 15 tháng tù treo.

Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng đã xác định hành vi vi phạm pháp luật của Phùng Anh Lê và một số cựu cán bộ Công an quận Tây Hồ.

Cáo trạng nhận định, bị cáo Phùng Anh Lê khi còn đương chức biết rõ Nguyễn Hữu Tài đang bị tạm giữ để phục vụ quá trình xác minh thông tin tội phạm. Tuy nhiên, khi nghe ông B đặt vấn đề, Lê đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, yêu cầu đưa 110 triệu đồng rồi chỉ đạo thuộc cấp thả người.

Quá trình điều tra, cựu Đại tá Phùng Anh Lê bị xác định là không thành khẩn khai báo, ngoan cố chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới. Bị cáo Lê cũng không thừa nhận việc nhận 110 triệu đồng. Dù vậy, trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu đã được thu thập, có đủ căn cứ khẳng định bị can này lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác chủ động gợi ý nhận hối lộ số tiền 110 triệu đồng và trực tiếp chỉ đạo cấp dưới thực hiện thả người trái pháp luật đối với Nguyễn Hữu Tài.

Cơ quan tố tụng xác định, các bị can Châu, Ngọc, Trung thực hiện hành vi trái pháp luật theo chỉ đạo của ông Lê nhưng không biết động cơ, mục đích của cựu Trưởng Công an quận và không được hưởng lợi từ số tiền 110 triệu đồng đã nhận của Nguyễn Hữu Tài hối lộ.

Điều 354: Tội Nhận hối lộ

"1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

c, Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng".

Bình Minh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/cuu-truong-cong-an-quan-tay-ho-khang-cao-nhung-noi-dung-gi-172220905191321711.htm