Đa cấp tỷ USD sụp đổ vì ghen tuông

Không ai biết rằng, một trong những vụ lừa đảo tiền điện tử lớn nhất trên thế giới đã bị phanh phui nhờ vào hành động ghen tuông.

Bài viết được lược dịch từ bài báo "OneCoin Took In Billions. Then Its Leader Vanished" của tác giả James Marson, The Wall Street Journal.

Năm 2014, đồng tiền điện tử OneCoin ra đời.

Đây là một sản phẩm được tạo ra bởi bàn tay của “siêu lừa” Ruja Ignatova và Sebastian Greenwood.

Khác với các loại tiền điện tử thông thường, OneCoin không được dùng để giao dịch hay mua bán bất cứ thứ gì. Nói cách khác, OneCoin là kế hoạch lừa đảo dựa trên mô hình đa cấp ponzi, nơi tiền của những người đến sau sẽ được dùng để trả cho người đến trước. Ruja Ignatova là người đứng đằng sau kiếm lời từ những hoạt động đó, giá trị của đồng tiền điện tử OneCoin cũng chịu sự chi phối bởi chính người phụ nữ này.

Dựa vào hình thức lừa đảo tiền số theo mô hình đa cấp, Ruja Ignatova đã bỏ túi hàng trăm triệu USD. Ảnh: The Cointribune.

Ruja Ignatova, sinh năm 1980 và là người Bulgaria, có bằng luật và từng làm việc cho công ty McKinsey & Co. Trong quá trình phát triển OneCoin, Ignatova đã tự đánh bóng bản thân bằng cách trả tiền để xuất hiện trong phần quảng cáo của tạp chí Forbes ấn bản tiếng Bungari. Không những thế, cô từng phát biểu tại một hội nghị được tổ chức bởi Economist ở thủ đô Sofia, đây là một trong các hoạt động được OneCoin tài trợ.

Giống như bất cứ siêu lừa nào trong thế giới tiền số đa cấp, Ignatova xuất hiện tại nhiều sự kiện quảng bá trên toàn cầu, sức hút của người phụ nữ này đã thúc đẩy doanh số bán hàng và kéo theo một lượng lớn người theo dõi. Người chơi tham gia phần lớn biết đến bà chủ Ignatova với cái tên Tiến sĩ Ruja hay Cryptoqueen (nữ hoàng tiền số).

Hệ thống đa cấp tiền số sụp đổ vì bà chủ lên cơn ghen tuông

Trong khoảng thời gian từ quý IV/2014 đến quý III/2015, OneCoin đã thu về hơn 4 tỷ USD và trở thành đồng tiền số được các nhà đầu tư đến từ châu Phi, Mỹ, Venezuela hay Trung Quốc săn đón.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2017, trong một lần nghi ngờ bạn trai mình phản bội, Ignatova đã cho người thuê một căn hộ nằm ngay dưới nhà bạn trai và gắn máy nghe trộm.

Thay vì phát hiện ra mối quan hệ chen ngang chuyện tình cảm của mình, Ignatova bất ngờ khi biết bạn trai cô đang hợp tác với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Vài tuần sau, "Cryptoqueen" hoàn toàn biến mất.

Ruja Ignatova đã bị các công tố viên liên bang tại New York cáo buộc tội lừa đảo. Sebastian Greenwood – người đồng sáng lập OneCoin – phải ngồi tù và đếm từng ngày đến thời điểm bị xét xử tội gian lận. Mark Scott – một luật sư từng làm việc cho OneCoin – cũng bị kết án vì tội danh rửa khoản tiền 400 triệu USD. Ngay cả em trai của cô, Konstantin Ignatov, cũng đang phải chờ thời gian thi hành án.

Siêu lừa Ignatova biến mất ngay sau khi phát hiện bạn trai hợp tác với FBI. Ảnh: Business Herald.

Website của OneCoin đóng cửa. Tuy đội ngũ điều hành đồng tiền số này vướng phải một trong những bê bối lừa đảo lớn nhất từ trước tới nay, nhiều người chơi tham gia trong tiền số OneCoin vẫn tiếp tục mời chào và tìm kiếm những nạn nhân mới.

Tại một sự kiện quảng cáo tại Bucharest mang tên The Legend of The One, mẹ của 2 chị em nhà Ignatov – bà Veska Ignatova - đã có một bài phát biểu dài 4 phút bằng tiếng Bungari để xin lỗi các nhà đầu tư. Bà đồng thời chia sẻ bản thân đã “bị mù quáng bởi lòng tham và mục đích ích kỷ của riêng mình”.

Trong lời khai của người em trai Ignatov, Cryptoqueen Ignatova có thể đã bỏ túi những 500 triệu USD nhờ các hoạt động lừa đảo của OneCoin. Cô mua biệt thự, du thuyền hay thậm chí một chiếc Lexus bọc thép.

Vào thời điểm đó, Ignatov đang sống tại một ngôi làng phía tây nam nước Đức. Người em trai vốn là nhân viên lái xe nâng tại một công ty ôtô, ngoài ra anh còn là tình nguyện viên cho một trại chó. Năm 2016, Ignatov được chị gái thuê làm trợ lý riêng với mức lương khởi điểm 3.547 USD/ tháng. Anh thậm chí còn được Ignatova sắm sửa đồ hiệu đắt tiền và căn nhà riêng.

Từ trợ lý riêng đến gương mặt đại diện cho hệ thống lừa đảo

Siêu lừa Ignatova và những người tham gia đường dây lừa đảo kiếm được nhiều tiền đến mức họ không biết nên chứa chúng ở đâu. Những cọc tiền được xếp tiền thành chồng bày la liệt trong các văn phòng ở Bulgaria, Hong Kong, Dubai hay Hàn Quốc. Tiền được đổ vào trong những trại nuôi ngựa đua ở Abu Dhabi, cũng như được dùng để giúp đỡ các công ty khác vay nóng.

Theo người em trai Ignatov, đã có ít nhất 2 lần giới lãnh đạo OneCoin đánh cắp hàng chục triệu USD từ kho tiền dự trữ.

Các cơ quan thực thi luật pháp bắt đầu đặt ra những câu hỏi về quy mô hoạt động của mạng lưới tiền số OneCoin, đưa công ty này vào danh sách đen cũng như mở một cuộc điều tra. Các nhà chức trách còn cho biết ngân hàng đã phải đóng nhiều tài khoản liên kết với hệ thống tiền số lừa đảo người chơi này.

Đến năm 2017, bà chủ OneCoin Ignatova chuẩn bị sẵn kế hoạch dự phòng, cô bay đến khu vực Trung Á và mua hộ chiếu của Kyrgyzstan, sau đó dự định sẽ bỏ trốn cùng với Gilbert Armenta, một người đàn ông đã có gia đình.

Từ trợ lý riêng, Konstantin Ignatov biến thành gương mặt đại diện cho OneCoin. Ảnh: Coinouce.

Kể từ khi phát hiện Armenta vốn đang hợp tác với cơ quan điều tra FBI để bán đứng mình, Ignatova lập tức bay đến thành phố Athens cùng với một trong những vệ sĩ và hoàn toàn biến mất, không một ai nghe được tin tức gì của bà chủ OneCoin từ thời điểm đó.

“Mọi người đều nghĩ chị ấy đã chết hoặc bị bắt”, người em trai Ignatov chia sẻ.

Giới đầu tư hoảng loạn, họ đã đầu tư số tiền không nhỏ vào OneCoin và chúng đang đứng trước nguy cơ "bốc hơi" mãi mãi. Ignatov trở thành gương mặt đại diện mới cho hệ thống tiền số đa cấp OneCoin và đứng ra đảm đương công việc thay chị gái của mình.

Các nhà đầu tư giận dữ nhanh chóng tìm đến “gõ cửa”.

Ignatov cho biết anh đã bị bắt cóc bằng súng và được đưa đến vùng ngoại ô của thủ đô Bulgaria, nơi Ignatov kể mình đã bị tra tấn đến gãy ngón tay.

“Tôi đã được thông báo nếu Ruja biến mất cùng số tiền, những người này sẽ quay lại và giết tôi”, Ignatov nhớ lại.

Nhiều tháng sau, Konstantin Ignatov tiếp tục khai trước tòa rằng trong chuyến đi đến một cuộc họp ở Zurich, Thụy Sĩ được tổ chức bởi thành viên cấp cao băng đảng Hell’s Angels, Ignatov đã bị nhét súng vào miệng và đe dọa mạng sống.

Tuy nhiên, khác biệt so với lời khai, tài khoản mạng xã hội Instagram của ông chủ mới này phơi bày cuộc sống xa hoa của anh ta. Ignatov xuất hiện bên những chiếc máy bay phản lực cá nhân mang biểu tượng của chính OneCoin, hay trên những bãi biển ở Rio de Janeiro hoặc Paraguay.

Konstantin Ignatov bị bắt tại Los Angeles vào tháng 3/2019 sau khi bay đến Mỹ một tháng trước đó, anh đối mặt với nhiều cáo buộc và tội danh liên quan đến lừa đảo. Còn với người chị gái Ruja Ignatova, những gì các cơ quan thực thi pháp luật thu thập được chỉ là đoạn email với nội dung “lấy tiền chạy đi và đổ lỗi cho người khác”.

Cho đến nay, sự tồn tại của Ruja Ignatova vẫn là một ẩn số.

Ngọc Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/da-cap-ty-usd-sup-do-vi-ghen-tuong-post1125776.html